Tin tức

Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị dứt điểm nấm kẽ chân

Ngày 05/11/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Thời tiết nóng ẩm, chân thường xuyên bị ướt, sẽ tạo điều kiện cho một số bệnh về da phát triển, trong đó có nấm kẽ chân. Khi nhiễm nấm, vùng da ở giữa các kẽ chân sẽ luôn ngứa ngáy và khó chịu. Để biết cách điều trị dứt điểm căn bệnh phiền toái này, hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây nhé!

1. Nấm kẽ chân là hiện tượng gì?

Nấm kẽ chân còn có tên gọi khác là nước ăn chân. Đây là một trong những bệnh nấm ngoài da phổ biến, thường xảy ra vào mùa hè. Bệnh lây lan rất nhanh, ban đầu khởi phát ở giữa kẽ ngón thứ ba và thứ tư, sau đó lan sang các ngón khác hoặc lòng bàn chân. Nếu không điều trị đúng cách, tình trạng nước ăn chân sẽ kéo dài dai dẳng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Không chỉ vậy, khi không vệ sinh sạch sẽ rất dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị dứt điểm chứng bệnh phiền toái này.

Nấm kẽ chân là một trong những bệnh nấm ngoài da phổ biến, thường xảy ra vào mùa hè

 Nấm kẽ chân là một trong những bệnh nấm ngoài da phổ biến, thường xảy ra vào mùa hè

2. Nguyên nhân gây nấm kẽ chân

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước ăn chân chủ yếu là do các chủng nấm như: Epidermophyton Floccosum, Trichophyton rubrum và Trichophyton mentagrophytes. Nếu vùng kẽ chân không được vệ sinh sạch sẽ thì rất dễ bị nhiễm nấm. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ sống và sinh sôi nhờ chất keratin lấy từ da. Điều này, cấu trúc tế bào sẽ bị phá hủy, các vi khuẩn có lợi trên bề mặt da cũng bị tiêu diệt. Vì vậy, vùng da xung quanh kẽ chân bắt đầu xuất hiện triệu chứng nổi đỏ và ngứa ngáy.

Nếu không điều trị kịp thời, nấm sẽ tấn công vào sâu bên trong lớp da, từ đó gây viêm nhiễm.

Đối tượng dễ bị nấm kẽ chân

Thời tiết ẩm ướt là điều kiện cho nấm phát triển và lây lan. Nếu thuộc một trong những đối tượng được nhắc đến dưới đây thì nguy cơ bạn bị nhiễm nấm kẽ chân là rất cao:

  • Người đi tất hoặc giày lâu ngày, mồ hôi tiết ra ở chân không thoát được, từ đó tạo môi trường ẩm cho nấm sinh sôi.

  • Một trường hợp hay gặp nấm kẽ chân khác là sau tắm hoặc rửa chân mà bàn ngón chân chưa khô đã đi tất.

  • Người hay ra mồ hôi chân thường có tỷ lệ bị nhiễm nấm cao, nặng hơn có thể bị viêm kẽ chân.

  • Nông dân, công nhân thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm hoặc các hóa chất gây kích ứng.

  • Trong gia đình có thành viên nhiễm nấm, thì những người xung quanh cũng có nguy cơ bị bệnh khi dùng chung vật dụng cá nhân như: khăn tắm,... Hoặc người đi chân trần dẫm phải vảy da của người bệnh.

Người đi tất hoặc giày lâu ngày, mồ hôi tiết ra ở chân không thoát được, từ đó tạo môi trường ẩm cho nấm sinh sôi

Người đi tất hoặc giày lâu ngày, mồ hôi tiết ra ở chân không thoát được, từ đó tạo môi trường ẩm cho nấm sinh sôi

3. Triệu chứng gây nấm kẽ chân là gì

Khi tiếp xúc với nguồn nước bị nhiễm nấm thì vùng da ở bàn chân, nhất là các kẽ chân sẽ xuất hiện các đốm đỏ hình tròn và nổi mụn nước. Sau một thời gian, các mụn này bắt đầu vỡ ra làm bong tróc da, đồng thời gây ra tình trạng ngứa ngáy.

Bệnh nhanh chóng lan sang nhiều ngón chân khác, thậm chí có thể lan đến mu bàn chân, lòng bàn chân,… Khi bệnh tiến triển nặng hơn, vùng da ở kẽ chân sẽ bị sưng tấy. Mụn nước vỡ khiến người bệnh cảm thấy đau rát. Lúc này các ngón chân có thể bị lở loét, mưng mủ. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng.

4. Cách trị nấm kẽ chân an toàn, hiệu quả

Nấm kẽ chân là bệnh ngoài da khó chữa trị dứt điểm. Vì vậy, khi bị nhiễm nấm bạn nên đến các cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm, nhằm phát hiện loại nấm nhiễm là loại gì. Dựa vào sự chỉ dẫn của bác sĩ, bạn có thể lựa chọn thuốc uống và thuốc bôi hợp lý. Trong trường hợp nhẹ, bạn có thể dùng các loại thuốc trị nấm để bôi tại chỗ, nặng hơn thì có thể dùng đường uống. Ngoài ra, để chống ngứa và viêm nhiễm bạn có thể dùng thêm thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin và dung dịch sát khuẩn.

Thuốc bôi tại chỗ:

Một số loại thuốc kháng nấm phổ biến được dùng làm thuốc bôi tại chỗ như: nhóm Allylamine, nhóm Azole (Ketoconazole, Miconazole, Clotrimazole). Cách sử dụng mỗi loại thuốc sẽ khác nhau, do đó bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất, đồng thời lưu ý một số điều dưới đây:

  • Trước khi bôi thuốc, bạn không nên ngâm và rửa chân bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn khác. Bởi vì, chúng có thể làm vùng da kẽ chân bị loét và chảy nước nhiều hơn. Nếu kẽ chân bị bụi bẩn bám vào và chảy dịch thì bạn có thể dùng bông, gạc sạch để lau rồi bôi thuốc.

  • Vùng da bị nấm, tuyệt đối không được dùng các vật dụng cứng để cạo, vì có thể làm da bị tổn thương nặng hơn. 

  • Dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất, bạn nên bôi thuốc với một lượng vừa đủ và dàn đều lên bề mặt da, tránh bôi quá nhiều gây nóng rát.

  • Khi các triệu chứng bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm, việc ngừng thuốc đột ngột có thể làm bệnh trở lại nặng hơn. Do đó, bạn nên tiếp tục bôi thuốc trong vòng 1 - 2 tuần để bệnh khỏi hẳn.

  • Nên dùng khăn và dép đi riêng để tránh tình trạng lây nhiễm nấm cho những người xung quanh.

Dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất, bạn nên bôi thuốc với một lượng vừa đủ và dàn đều lên bề mặt da, tránh bôi quá nhiều gây nóng rát

Dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất, bạn nên bôi thuốc với một lượng vừa đủ và dàn đều lên bề mặt da, tránh bôi quá nhiều gây nóng rát

Thuốc dùng toàn thân:

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc uống điều trị nấm kẽ chân, bạn có thể dùng một số thuốc như: nhóm Azole (Ketoconazole, Fluconazole, Itraconazole), nhóm Griseofulvin. Dưới đây là cách sử dụng các loại thuốc dùng toàn thân, bạn có thể tham khảo:

- Ketoconazole:

Khi sử dụng Ketoconazole, bạn cần chú ý những điều sau:

  • Tuyệt đối không dùng chung với các loại thuốc kháng virus, thuốc chống ung thư, thuốc ức chế miễn dịch và một số loại thuốc khác như: Quinidine, Lovastatin, Terfenadine, Midazolam,…

  • Những người mắc các bệnh lý về gan, mật và phụ nữ có thai hoặc cho con bú thì không nên dùng loại thuốc này.

  • Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như: chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt,… thì bạn nên dừng thuốc và nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

- Itraconazole:

Itraconazole là một loại thuốc kháng nấm được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, những người bị suy gan, suy thận thì nên hạn chế hoặc dùng với liều thấp. Bởi vì, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như: buồn nôn, tiêu chảy, nổi ban đỏ,… Đồng thời, thuốc còn chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Trong quá trình sử dụng, bạn không nên uống chung thuốc với các thuốc Lev Acetylmethadol, Quinidine, Triazolam.

 Itraconazole là thuốc kháng nấm hạn chế dùng với người bị suy gan, suy thận

Itraconazole là thuốc kháng nấm hạn chế dùng với người bị suy gan, suy thận

- Griseofulvin:

Loại thuốc này khá an toàn nhưng bạn cũng nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai, người suy gan và người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin. Trong quá trình dùng, thuốc có thể khiến bạn bị đau đầu, nổi ban đỏ hoặc rối loạn tiêu hóa.

Nếu không điều trị kịp thời và triệt để, nấm kẽ chân sẽ làm mất thẩm mỹ và gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bạn. Vì vậy khi có các biểu hiện của nấm, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc. Việc để chân khô ráo và hạn chế đi giày, tất sẽ làm cho bệnh nhanh lành hơn.

Từ khoá: nấm kẽ chân

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ