Tin tức

Nhận biết các loại đau đầu thường gặp và trường hợp cần đi khám

Ngày 21/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Thực tế, hầu như ai cũng từng bị đau đầu. Tùy theo từng nguyên nhân khác nhau, cơn đau có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Sau đây, MEDLATEC sẽ giúp bạn tổng hợp các loại đau đầu phổ biến nhất, khi nào cần đi khám bác sĩ và cách phòng ngừa.

1. Các loại đau đầu thường gặp

Tùy thuộc vào nguyên nhân, Các loại đau đầu thường bao gồm nhiều dạng, cụ thể như: 

1.1. Đau nửa đầu Migraine

Đây là một dạng đau đầu khá thường gặp, cơn đau chủ yếu xuất hiện tại một bên đầu kèm theo triệu chứng nôn ói. Đau đầu Migraine có tính di truyền, tập trung ở đối tượng trong độ tuổi 20 đến 50.

Đau nửa đầu Migraine - một trong các loại đau đầu thường gặp, tập trung ở độ tuổi 20 đến 50

Đau nửa đầu Migraine - một trong các loại đau đầu thường gặp, tập trung ở độ tuổi 20 đến 50

Khi bị đau đầu, người bệnh thường cảm thấy như đang có sợi dây giật liên hồi theo nhịp của mạch đập. Ngoài ra, cơn đau có thể luân chuyển giữa hai bên đầu (lúc thì tập trung ở nửa đầu bên này, lúc lại chuyển sang nửa đầu bên kia). Mức độ đau diễn biến từ nhẹ đến nặng, cơn đau kéo dài trong nhiều giờ, tuy nhiên thường dưới 72h. 

Cơn đau có xu hướng xuất hiện một cách bất chợt hoặc xuất hiện sau khi cơ thể biểu hiện triệu chứng cảnh báo như hoa mắt, chóng mặt, đầu tê buốt, ù tai, lóe sáng trước mắt. Mỗi khi di chuyển, làm việc nặng, thay đổi tư thế, ho hoặc hắt hơi, mức độ cơn đau lại càng nghiêm trọng. 

1.2. Đau đầu do căng thẳng 

Đây chắc chắn là tình trạng đau đầu thường gặp nhất. Các cơn đau thường diễn biến âm ỉ, đau tại cả hai bên đầu. Đôi khi, cơn đau còn lan xuống vùng cổ, vùng mặt,... kèm theo đó là triệu chứng nhạy cảm với tiếng ồn cũng như ánh sáng. Mỗi cơn đau có xu hướng kéo dài trong khoảng 30 phút, hoặc trong vài ngày. 

Nếu thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, bạn dễ bị đau đầu

Nếu thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, bạn dễ bị đau đầu

1.3. Đau đầu do gắng sức 

Cơn đau đầu do hoạt động gắng sức chủ yếu xuất hiện khi mọi người vận động mạnh, quan hệ tình dục, bị ho hoặc hắt hơi. Cảm giác đau nhói xuất hiện khắp vùng đầu. 

Sử dụng những loại thuốc giảm đau thông thường, thuốc chẹn beta sẽ giúp giảm cơn đau đầu do gắng sức. Tuy nhiên, tình trạng đau đầu này đôi khi còn là do bệnh lý tim mạch và cần đi thăm khám sớm. 

1.4. Đau đầu mạn tính

Tình trạng đau đầu mạn tính xuất hiện ở nhiều đối tượng. Số ngày xuất hiện cơn đau đầu trong tháng thường từ 15 ngày. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do căng thẳng, lạm dụng các loại thuốc. Để phòng tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tâm thần, bạn nên chú ý điều trị chứng đau đầu mạn tính sớm. 

1.5. Đau đầu do lạm dụng thuốc

Việc lạm dụng một số loại thuốc gây co mạch như thuốc tăng cường sinh lí, thuốc chứa hormon như thuốc tránh thai, thuốc chứa cafein,… có thể là thủ phạm gây đau đầu. Tình trạng này hay xuất hiện ở người bị Đau nửa đầu, người đau đầu do căng thẳng. Các cơn đau chủ yếu tập trung vào buổi sáng. Kèm theo đó là triệu chứng như buồn nôn, kém tập trung. 

Trong một số trường hợp, đau đầu là hệ quả của việc lạm dụng thuốc

Trong một số trường hợp, đau đầu là hệ quả của việc lạm dụng thuốc

Nếu ngừng dùng thuốc, triệu chứng đau thường thuyên giảm. Tuy nhiên trước khi ngừng dùng thuốc, bạn cần tham khảo tư vấn của bác sĩ, sử dụng thuốc thay thế trong trường hợp cần thiết. 

1.6. Đau đầu khi ngủ

Tình trạng đau đầu khi đi ngủ có xu hướng xuất hiện ở đối tượng trong độ tuổi 50. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể xuất hiện sớm hơn, ảnh hưởng đến giấc ngủ. 

Triệu chứng kèm theo cơn đau đầu là buồn nôn, nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng và kéo dài trong khoảng vài tiếng. Nếu tình trạng đau đầu khi đi ngủ diễn biến dai dẳng, bạn nên đi khám sức khỏe.

1.7. Đau đầu do ảnh hưởng của chu kỳ kinh

Ở nhiều chị em, tình trạng đau đầu có xu hướng xuất hiện quanh chu kỳ kinh. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do sự thay đổi của nồng độ Estrogen. Thời điểm tập trung cơn đau là trong thời kỳ cơ thể rụng trứng hoặc sau 2 đến 3 ngày xuất hiện hành kinh. 

Cơn đau đầu do ảnh hưởng của chu kỳ kinh không quá đáng lo. Bởi sau khi lượng hormone ổn định bình thường, cơn đau sẽ dần biến mất. 

1.8. Một số dạng đau đầu khác

Bên cạnh các loại đau đầu kể trên, tình trạng đau đầu còn được chia thành những dạng khác tùy theo nguyên nhân gây ra, cụ thể như: 

  • Đau đầu do cai caffeine: Nếu thường xuyên tiêu thụ đồ ăn hoặc thức uống chứa caffeine, nhưng sau đó lại cai hoặc giảm lượng tiêu thụ, bạn có thể bị đau đầu. Cơn đau có xu hướng kéo dài trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Khi đó, cơ thể còn biểu hiện những triệu chứng như mệt mỏi, mất tập trung, buồn nôn. 
  • Đau đầu do dây thần kinh bị chèn ép, tổn thương: Dây thần kinh chẩm bị chèn ép hoặc tổn thương là nguyên nhân dẫn đến cơn đau đầu dữ dội. Cơn đau tập trung tại vùng đầu và vùng cổ.
  • Đau đầu do đốt sống cổ bị thoái hóa: Khi đốt sống cổ bị thoái hóa, bạn có thể phải đối mặt với các cơn đau đầu khó chịu. Ngoài đau đầu và đau cổ, bạn đôi khi còn bị cứng khớp. 
  • Đau đầu lo lạm dụng rượu: Histamine trong rượu là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ viêm toàn cơ thể. Mặt khác, lượng etanol trong rượu có khả năng tác động đến hệ miễn dịch, kích thích các cơn đau nửa đầu. 
  • Đau đầu do tăng huyết áp: Huyết áp tăng cao kèm triệu chứng đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng tăng huyết áp khó kiểm soát, đột quỵ hoặc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. 
  • Đau đầu do cơ thể mất nước: Khi cơ thể bị mất nước, bạn thường cảm thấy đau đầu kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, choáng váng, khô miệng,... Lúc này, bạn nên bổ sung nước và nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Một số loại đau đầu khác như đau đầu do xoang, đau đầu do chấn thương, đau đầu do rối loạn chuyển hóa, đau đầu liên quan đến bệnh lý nội sọ,...

2. Bị đau đầu có cần đi khám bác sĩ không? 

Phần lớn mọi người đều chủ quan trước những cơn đau đầu. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, đây lại là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý, tình trạng tổn thương nghiêm trọng. 

Nếu cảm thấy đau đầu kèm tình trạng sốt cao, bạn tốt nhất nên đi khám

Nếu cảm thấy đau đầu kèm tình trạng sốt cao, bạn tốt nhất nên đi khám

Vì vậy, nếu cơn đau đầu xuất hiện liên tục, diễn biến ngày càng nghiêm trọng, bạn hãy đi khám. Ngoài ra nếu nhận thấy triệu chứng như cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội kèm theo dấu hiệu khó thở, mắt nhìn mờ, sốt cao, cứng cổ, tê yếu tay chân, chóng mặt,... bạn cần nhanh chóng nhờ người thân mang đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý, tránh các biến chứng không mong muốn. 

3. Cách phòng ngừa tình trạng đau đầu

Nếu cơn đau đầu không phải triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng, bạn có thể chủ động phòng ngừa thông qua một vài biện pháp như:

  • Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng đồ uống chứa nhiều caffeine. 
  • Tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. 
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể hàng ngày. 
  • Duy trì thói quen ngủ đủ giấc, không ngủ quá muộn. 
  • Tránh tiếp xúc trong thời gian dài với thiết bị điện tử. 
  • Cố gắng tránh xa căng thẳng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. 
  • Tập thể dục vừa sức hàng ngày. 
  • Sử dụng thuốc đúng cách để tránh tác dụng phụ như đau đầu. 
  • Hạn chế vận động, làm việc gắng sức. 

Bổ sung đủ nước hàng ngày là một trong những cách giúp bạn phòng ngừa đau đầu

Bổ sung đủ nước hàng ngày là một trong những cách giúp bạn phòng ngừa đau đầu

Như vậy, bài viết đã chia sẻ đến bạn các loại đau đầu thường gặp, trường hợp cần thăm khám bác sĩ và cách phòng tránh, khắc phục. Nếu nhận thấy tình trạng đau đầu xuất hiện với tần suất thường xuyên, kèm theo triệu chứng bất thường khác, bạn tốt nhất hãy đi kiểm tra sức khỏe. Một địa chỉ y tế uy tín bạn nên lựa chọn là chuyên khoa Thần kinh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo tổng đài tư vấn 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ