Tin tức
Nhận biết triệu chứng của sót nhau thai, tính nguy hiểm và cách xử lý
- 14/09/2022 | Cách điều trị sót nhau thai mẹ sau sinh cần biết
- 01/03/2024 | Thực đơn cho mẹ sau sinh: dinh dưỡng khoa học để sớm phục hồi sức khỏe
- 01/03/2024 | Sau sinh người lúc nóng lúc lạnh là bị làm sao?
1. Những điều mẹ bầu cần biết về sót nhau thai
Nhau thai là bộ phận đặc biệt giúp thai nhi nhận được oxy và chất dinh dưỡng thiết yếu từ mẹ, hỗ trợ sự phát triển của bé trong suốt quá trình mang thai.
Sau khi em bé chào đời, cơ thể người mẹ không còn cần đến nhau thai. Trong trường hợp sinh thường, sau sinh tử cung sẽ tự động co bóp khoảng 30 phút để đẩy nhau thai ra ngoài. Quá trình này được gọi là "sổ rau." Đối với các ca sinh mổ, bác sĩ sẽ lấy nhau thai ra khỏi tử cung của mẹ sau khi lấy thai ra.
Trong một số trường hợp, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhau thai có thể không được đẩy ra ngoài hoàn toàn mà còn sót lại một phần trong tử cung. Tình trạng này được gọi là "sót nhau thai sau sinh”.
Sót nhau thai là tình trạng nhau thai không được đẩy ra ngoài một cách hoàn toàn sau khi sinh
1.1 Nguyên nhân gây ra hiện tượng sót nhau thai sau sinh
Những nguyên nhân phổ biến gây sót nhau thai sau sinh có thể bao gồm:
- Nhau thai bị kẹt lại trong tử cung: Trong một số trường hợp, nhau thai đã được tách ra nhưng bị kẹt lại do cổ tử cung đóng trước khi nhau thai được đẩy hết ra ngoài.
- Đờ tử cung: Khi bị đờ tử cung thì tử cung co bóp yếu hoặc không có bóp nữa khiến cho việc đẩy nhau thai ra ngoài trở nên khó khăn, dẫn đến tình trạng sót nhau.
- Nhau tiền đạo: Thay vì bám ở đáy tử cung như thông thường, nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai bám ở đoạn dưới tử cung hoặc cổ tử cung. Điều này không chỉ cản trở quá trình sinh nở mà còn làm tăng khả năng sót lại nhau trong tử cung.
- Nhau cài răng lược: Đây là tình trạng nhau bám quá sâu vào thành tử cung và khó tách ra, gây khó khăn trong quá trình lấy nhau thai ra ngoài và có thể dẫn đến sót nhau, thậm chí gây băng huyết.
Ngoài các nguyên nhân trên, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ sót nhau, bao gồm:
- Thiếu sót trong quá trình kiểm tra: Nếu trong quá trình lấy nhau thai ra ngoài, nhân viên y tế không kiểm tra kỹ lưỡng, có khả năng vẫn còn sót lại mảnh nhau trong tử cung.
- Tiền sử phẫu thuật tử cung hoặc sinh mổ: Những phụ nữ đã từng trải qua sinh mổ hoặc thủ thuật nạo phá thai có thể gặp tình trạng nhau thai dính vào vết sẹo cũ, làm cho việc đẩy nhau ra ngoài khó khăn hơn.
- Tuổi tác của mẹ: Phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 35, sinh nhiều lần hoặc có tiền sử sinh non cũng dễ gặp tình trạng sót nhau thai sau sinh hơn.
1. 2 Triệu chứng nhận biết sót nhau thai sau sinh
Sau khi sinh sản phụ cần lưu ý nếu có những triệu chứng dưới đây, vì đó có thể là dấu hiệu của sót nhau thai sau sinh:
- Chảy máu âm đạo bất thường: Sau sinh, sản dịch thông thường sẽ dần giảm. Tuy nhiên, nếu bị sót nhau, mẹ có thể gặp hiện tượng chảy máu kéo dài, máu có màu đen hoặc mùi hôi, đôi khi có kèm máu cục.
- Đau bụng dưới: Đau nhiều ở vùng bụng dưới, đặc biệt khi tử cung co lại, là dấu hiệu dễ thấy của tình trạng sót nhau thai.
- Sốt do nhiễm trùng: Sót nhau thai có thể gây ra nhiễm trùng trong tử cung, dẫn đến hiện tượng sốt, mệt mỏi.
- Mất máu: Nếu lượng máu mất đi quá nhiều, sản phụ có thể cảm thấy chóng mặt và kiệt sức.
- Tử cung hồi phục chậm: Tử cung co hồi kém hoặc khó phục hồi hoàn toàn sau sinh có thể là dấu hiệu của sót nhau.
2. Sót nhau thai có nguy hiểm không?
Sót nhau thai có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Đây là một tình trạng y tế cần được xử lý kịp thời, nếu không, sót nhau thai có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm:
Câu trả lời cho “sót nhau thai có nguy hiểm không” là “có”
- Nhiễm trùng tử cung: Khi nhau thai bị sót sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể lan ra các cơ quan khác và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Băng huyết: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sót nhau là tình trạng xuất huyết sau sinh. Nếu không được điều trị, sản phụ có nguy cơ mất máu nặng, suy yếu cơ thể, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Viêm nhiễm kéo dài có thể gây tắc vòi trứng, dính tử cung, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và mang thai trong tương lai.
3. Nên làm gì khi có dấu hiệu sót nhau thai?
Nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ sót nhau thai, điều quan trọng là phải liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Các bước xử lý khi nghi ngờ có sót nhau thai tại bệnh viện thông thường sẽ là:
- Khám lâm sàng: Dấu hiệu sót nhau thai bao gồm ra máu nhiều, đau bụng dưới, có mùi hôi từ âm đạo, sốt và mệt mỏi. Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng để xác định xem sản phụ có nguy cơ sót nhau thai không.
- Siêu âm kiểm tra: Đây là phương pháp hiệu quả để phát hiện nhau thai còn sót lại. Siêu âm giúp bác sĩ có cái nhìn rõ ràng về tình trạng bên trong tử cung.
- Dùng thuốc điều trị: Bác sĩ sẽ giúp mẹ kiểm soát tử cung băng tay kết hợp với dùng thuốc để kích thích tử cung co bóp, giúp đẩy nhau thai ra ngoài.
- Can thiệp ngoại khoa: Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, các biện pháp can thiệp ngoại khoa như hút nạo tử cung có thể được thực hiện để loại bỏ phần nhau thai còn sót. Ngoài ra, phẫu thuật cắt tử cung cũng có thể được thực hiện trong trường hợp sót nhau thai do nhau cài răng lược, rau tiền đạo, hoặc đờ tử cung,...
- Chăm sóc sau điều trị: Sau khi xử lý sót nhau, mẹ bầu cần được nghỉ ngơi và chăm sóc tốt để cơ thể hồi phục. Đồng thời, việc tái khám để kiểm tra tình trạng tử cung là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe được phục hồi hoàn toàn.
4. Câu hỏi thường gặp về tình trạng sót nhau thai
4.1 Sót nhau thai có kinh nguyệt không?
Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ thường trải qua một thời gian để hồi phục trước khi kinh nguyệt trở lại. Tuy nhiên, khi có sót nhau thai, mẹ bầu có thể gặp kinh nguyệt, khiến kinh nguyệt không đều, hoặc ra máu bất thường.
4.2 Sót nhau thai có ảnh hưởng đến lần sinh sau không?
Sót nhau thai nếu không được xử lý đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tử cung, gây ra các biến chứng như viêm tử cung, dính tử cung, hay sẹo tử cung. Những vấn đề này có thể gây khó khăn trong việc mang thai ở lần sau và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Do đó, để đảm bảo sức khỏe sinh sản trong tương lai, mẹ bầu nên điều trị sót nhau thai triệt để và tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đảm bảo sức khỏe sinh sản trong tương lai, mẹ bầu cần điều trị sót nhau thai triệt để
4.3. Sót nhau để lâu có sao không?
Nếu để sót nhau thai kéo dài mà không can thiệp, tình trạng nhiễm trùng và xuất huyết có thể trở nên trầm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị ngay lập tức.
Như vậy, bài viết đã giúp bạn giải đáp tình trạng sót nhau thai có nguy hiểm không và những điều cần biết xoay quanh tình trạng này. Có thể khẳng định, sót nhau thai là một tình trạng nguy hiểm, do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của sót nhau thai, sản phụ cần tìm đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và điều trị ngay.
Nếu có nhu cầu thăm khám sức khỏe sau sinh, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!