Tin tức

Nhận diện triệu chứng Gout cấp tính để đi thăm khám

Ngày 09/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Gout không quá nguy hiểm và có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm và có phương án điều trị thích hợp. Tuy nhiên, khi gout cấp tính khởi phát, người bệnh cần được điều trị ngay để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt. Do vậy, việc nắm được triệu chứng của bệnh để đi thăm khám là điều cần thiết.

1. Tổng quan về bệnh gout cấp tính

Gout cấp tính được xem là một dạng của bệnh viêm khớp khi các acid uric ở trong máu tăng cao bất thường. Khi acid uric bị dư thừa kết hợp với các tác nhân từ bên ngoài, chúng sẽ tích tụ lại ở khớp và gây nên tình trạng sưng viêm. Những khu vực khớp thường bị gout là khớp ngón chân cái. 

Gout cấp tính khiến các khớp xương bị sưng viêm, đau nhức

Gout cấp tính khiến các khớp xương bị sưng viêm, đau nhức

Bệnh gout có thể xuất hiện mọi đối tượng và các độ tuổi khác nhau nhưng thường gặp hơn ở nam giới, nằm trong nhóm tuổi trung niên. Những người phụ nữ hậu mãn kinh cũng có nguy cơ bị gout cao hơn so với các nhóm tuổi khác. 

2. Nguyên nhân gây bệnh 

Nguyên nhân hình thành gout cấp tính thường là do sự rối loạn của quá trình chuyển hóa acid uric. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là do chế độ ăn quá giàu đạm. 

Thông thường, hàm lượng acid uric ở bên trong cơ thể sẽ được thận lọc và đưa ra ngoài qua nước tiểu. Khi hàm lượng acid uric quá cao sẽ hình thành các hạt urat ở xương, khớp, bao hoạt dịch và cả các nhu mô thận gây nên tình trạng đau nhức. 

Bên cạnh nguyên nhân trên thì một vài yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ bị gout: 

  • Chế độ ăn uống kém lành mạnh, ăn quá nhiều hải sản, thịt đỏ, đồ uống có cồn, nước ngọt,...
  • Những người thừa cân, béo phì rất dễ bị tiểu đường, bị rối loạn chuyển hóa hoặc những bệnh lý khác có liên quan đến gan và thận, trong đó có gout.
  • Trong gia đình có người từng bị mắc bệnh gout
  • Những loại thuốc có thể làm tăng nồng độ của acid uric ở trong máu và làm khởi phát gout cấp tính có thể kể đến như: thuốc lợi tiểu, các loại thuốc chẹn beta, aspirin,...
  • Giới tính: tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn.
  • Những người mới bị chấn thương hoặc hậu phẫu thuật.
  • Thời tiết lạnh hơn cũng sẽ khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, nhất là các khớp xương khiến bệnh gout cấp khởi phát. 

Nhiều yếu tố khiến bạn trở thành đối tượng có nguy cơ cao bị gout

Nhiều yếu tố khiến bạn trở thành đối tượng có nguy cơ cao bị gout

3. Những triệu chứng nhận diện điển hình

Thời gian đầu, đa số người bệnh vẫn hoạt động được bình thường và không có triệu chứng cụ thể nào của bệnh lý. Vì vậy, khi bệnh biến chuyển nặng hơn, một số triệu chứng lâm sàng mới dần rõ ràng. Một vài biểu hiện đặc trưng của gout cấp tính có thể nhận diện như: 

  • Cơn đau thường xuất hiện ở ngón cái và khởi phát khi bệnh nhân ăn một lượng lớn protid, sử dụng đồ uống có cồn, bị nhiễm lạnh hoặc vận động quá mức,...
  • Thường hay bị ớn lạnh, sốt nhẹ và sức khỏe yếu hơn. 
  • Chán ăn, không có cảm giác ngon miệng
  • Thường thấy đau khớp dữ dội từng cơn, trở nặng hơn về đêm khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng.
  • Các cơ bị đau nhức kéo dài trong khoảng 1 tuần và thuyên giảm rồi biến mất. Khi cơn đau chấm dứt, các khớp xương vẫn hoạt động được bình thường. 
  • Có biểu hiện bị sưng viêm, đi kèm với cảm giác nóng ở khu vực quanh các khớp xương. 
  • Khi chạm vào những khu vực khớp xương bị sưng viêm bạn sẽ cảm thấy đau nhức, tê ngứa, cứng khớp,... ở ngón chân cái hoặc ở những vùng bị viêm khác. 

Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức ở các khớp xương bị sưng viêm

Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức ở các khớp xương bị sưng viêm

Các cơn đau do bệnh gout cấp tính gây nên thường xuất hiện đột ngột. Theo ghi nhận, có khoảng hơn 60% các trường hợp phải chịu những cơn đau của bệnh lý trong khoảng 1 - 3 năm. Bên cạnh đó, có những trường hợp chỉ phải chịu cảm giác đau một lần rồi sau đó chuyển biến sang giai đoạn tiếp. 

4. Cách thức chẩn đoán bệnh lý

Để chẩn đoán gout, bác sĩ thường dựa trên các triệu chứng đặc trưng của bệnh lý. Ngoài ra, bác sĩ cũng xem xét thêm về bệnh sử, kết quả thăm khám và những biểu hiện mà bạn đang mắc phải. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để có thể đưa ra kết luận về tình trạng bệnh. 

  • Xét nghiệm máu: Nếu nồng độ acid uric trong máu cao thì có thể bệnh nhân đã bị gout. Bác sĩ cũng sẽ kết hợp với các triệu chứng bạn đang mắc phải để đưa ra kết luận. Bởi lẽ, có những trường hợp nồng độ acid uric cao nhưng không ghi nhận thêm bất cứ triệu chứng nào của bệnh lý. 
  • Chẩn đoán bằng hình ảnh: Phương pháp siêu âm hoặc CT đều giúp phát hiện các tổn thương khớp, các tinh thể ở trong khớp cũng như những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Trong khi, phim chụp X-quang sẽ giúp xác định được các tổn thương ở xương khớp khi bệnh đã phát triển lâu dài. 
  • Kiểm tra các dịch khớp: Giúp loại bỏ tình trạng tinh thể khác và đưa ra chẩn đoán. Nếu trong dịch khớp có hạt tophi, bác sĩ sẽ lấy một trong số đó để tìm kiếm tinh thể urat và đưa ra kết luận cuối cùng. 

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, sau đó chỉ định một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ tổn thương

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, sau đó chỉ định một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ tổn thương

5. Các phương án điều trị gout cấp tính

Khả năng phục hồi của căn bệnh này sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Trong đó, gout cấp tính là thời điểm cần phải được điều trị nhanh, mạnh nhằm ngăn chặn sự biến chuyển của bệnh cùng nhiều biến chứng khác. Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng như: 

5.1. Dùng thuốc

Đây là giải pháp hữu hiệu và cần thiết nhất đối với các bệnh nhân bị gout. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh lý mà bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Những loại thuốc thường được dùng trong điều trị gout như: NSAIDs, Corticosteroid, Colchicin, thuốc đào thải acid uric,...

5.2. Thay đổi lối sống lành mạnh

Một lối sống lành mạnh, một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng cùng thời gian biểu nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bệnh gout được cải thiện đáng kể. Vì vậy, bệnh nhân cần kết hợp sử dụng thuốc cùng những thói quen sống khoa học như:

Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp cải thiện tình trạng bệnh lý

Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp cải thiện tình trạng bệnh lý

  • Hạn chế các thực phẩm có nồng độ purin và đạm cao. Người bệnh cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất xơ. 
  • Uống đủ nước mỗi ngày. 
  • Hạn chế hoặc bỏ thói quen sử dụng các loại đồ uống có cồn, có chất kích thích. 
  • Có thói quen tập luyện để giảm cân, phòng tránh nguy cơ bị béo phì và giúp nâng cao sức khỏe. 
  • Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, phòng ngừa stress, căng thẳng,...
  • Không sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng acid uric máu.
  • Nếu bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường hay huyết áp cao,... thì cần được điều trị song song. 

Thực tế, những biến chứng của bệnh gout cấp tính là rất phức tạp. Vì vậy, ngay khi có những triệu chứng đáng ngờ, bạn hãy tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và hỗ trợ. Chuyên khoa Cơ Xương Khớp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ bạn có thể lựa chọn để thăm khám và điều trị. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Từ khoá: tiểu đường

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.