Từ điển bệnh lý

Bệnh béo phì : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh béo phì

Béo phì là tình trạng tăng trọng lượng cơ thể mạn tính do tăng khối lượng mỡ quá mức và không bình thường, liên quan đến dinh dưỡng và chuyển hóa.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, chế độ dinh dưỡng ngày càng được cải thiện, cùng với đó là lối sống tĩnh tại, ít vận động đã làm tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng trên toàn thế giới.

Béo phì là yếu tố nguy cơ cao của rất nhiều bệnh lý khác như tim mạch, nội tiết. Đặc biệt, những nghiên cứu gần đây cho thấy những người béo phì có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, tăng nguy cơ nhập viện gấp 3.07 lần và nguy cơ diễn biến nặng (nhập viện chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong) cao gấp 1.42 lần những đối tượng khác.

Béo phì là tình trạng tăng trọng lượng cơ thể mạn tính do tăng khối lượng mỡ quá mức và không bình thường

Béo phì là tình trạng tăng trọng lượng cơ thể mạn tính do tăng khối lượng mỡ quá mức và không bình thường

Đại cương

Tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. So với năm 1975, tỷ lệ béo phì hiện nay đã tăng gấp 3 lần. Năm 2016 trên thế giới có khoảng 1.9 tỷ người trên thế giới bị thừa cân chiếm 39%, trong đó có 650 triệu người béo phì chiếm tỷ lệ 13%. Một điều đáng lưu ý là tỷ lệ béo phì ở trẻ em cũng gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu năm 2020 có khoàng 39 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì.

Tại Mỹ tỷ lệ béo phì đang ở mức 42,4% và tỷ lệ này chỉ ở mức 30.5% vào những năm 1999-2000.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng ngày một tăng. Trong năm 2020 tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị khoảng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2020 đã tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.


Nguyên nhân Bệnh béo phì

1. Yếu tố môi trường

Khi năng lượng được cung cấp qua chế độ ăn cao hơn năng lượng tiêu hao đi trong quá trình hoạt đông, lượng năng lượng dư thừa sẽ được dự trữ chủ yếu dưới dạng mỡ dưới da.

- Ăn nhiều: Khẩu phần thức ăn là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, các giác quan như khứu giác, vị giác là những yếu tố kích thích tại não. Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt thức ăn nhanh như pizza, humberger…Ngoài ra một số bệnh lý về tâm thần kinh cũng có triệu chứng cuồng ăn.

Ăn nhiều thức ăn nhanh, lười vận động có thể gây béo phì

Ăn nhiều thức ăn nhanh, lười vận động có thể gây béo phì

- Giảm vận động thể lực: do đặc điểm nghề ngiệp, hạn chế vận động do tuổi tác hoặc một số bệnh lý.

- Các yếu tố tác động từ môi trường xã hội: có nhiều yếu tố trong môi trường tác động đến hành vi ăn uống và hoạt động thể lực của con người. Có quá nhiều loại thức ăn trên thị trường, đặc biệt với xu hướng phát triển kinh tế xã hội thì các thức ăn được chế biến sẵn được sử dụng thường xuyên hơn. Nhiều quảng cáo về đồ ăn, hình thức hấp dẫn cũng kích thích cảm giác thèm ăn nhiều hơn. Ngoài ra, tác động của của quá trình công nghiệp hóa, con người càng ít vận động hơn: làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ, đi lại bằng các phương tiện đưa đón. Tất cả những điều này làm gia tăng nguy cơ béo phì.

2. Di truyền

Một số nghiên cứu cho thấy di truyền cũng là một trong những yếu tố gây béo phì. Một số chủng tộc có tỷ lệ béo phì cao gấp nhiều lần so với những chủng tộc khác. Tại Mĩ, người da đen gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ béo phì khoảng 49.6% trong khi tỷ lệ này chỉ là 17.4% ở người gốc Châu Á.

Theo ước tính có khoảng 40% các thay đổi trong trọng lượng cơ thể chịu sự chi phối bởi các yếu tố di truyền. Năm 2005, 176 trường hợp báo phì được xác định là do đột biến cùng một gen. Ngoài ra, nhiều hội chứng di truyền có kết hợp với béo phì như hội chứng Prader-Willi, hội chứng Barder-Biedl và hội chứng Alstrom.

Trong gia đình, nếu cả bố và mẹ đều bị béo phì thì nguy cơ béo phì của con lên đến 80%, còn nếu bố mẹ đều có cân nặng bình thường thì nguy cơ béo phì của con chỉ là 7%.

3. Béo phì thứ phát do một số bệnh lý nội tiết

Một số bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý nội tiết có thể gây ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn cũng như tăng quá trình dự trữ mỡ dưới da gây gia tăng nguy cơ béo phì.

- Hội chứng Cushing gây tăng cảm giác thèm ăn, rối loạn phân bố mỡ gây béo phì trung tâm.

- U tụy tăng tiết insulin: tăng dự trữ glucid dưới dạng mỡ dưới da.

- Suy giáp: tăng dư thừa năng lượng do chuyển hóa cơ bản giảm.


Triệu chứng Bệnh béo phì

Phân loại béo phì

1. Theo tuổi

- Béo phì thể phì đại: gặp ở người trưởng thành, số lượng tế bào mỡ không tăng, các tế bào phì đại và tăng tích tụ mỡ trong tế bào. Béo phì thể này thường có thể kiểm soát bằng chế độ ăn giảm carbonhydrat.

- Béo phì thể tăng sản- phì đại: vùa tăng số lượng tế bào mỡ, vừa có sự phì đại tế bào. Loại béo phì này thường gặp ở thiếu niên và khó điều trị hơn.

2. Theo vị trí phân bố mỡ

- Béo phì trung tâm hay còn gọi là béo phì dạng nam: mỡ tập trung phần trên rốn

- Béo phì dạng nữ: mỡ tập trung ở vùng dưới rốn, mông, đùi.

Phân loại béo phì

Phân loại béo phì

- Béo phì hỗn hợp


Các biến chứng Bệnh béo phì

Béo phì là yếu tố nguy cơ của rất nhiều các bệnh lý và hội chứng nội khoa nghiêm trọng. Do đó, ở bệnh nhân béo phì cần được sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi các bệnh lý kèm theo này.

1. Biến chứng thần kinh:

- Tăng áp lực nội sọ không rõ căn nguyên

- Đột quỵ

2. Biến chứng hô hấp

- Hội chứng ngừng thở khi ngủ

- Hội chứng giảm thông khí

- Hen phế quản

3. Biến chứng tim mạch

Biến chứng tim mạch ở người bị béo phì rất thường gặp

Biến chứng tim mạch ở người bị béo phì rất thường gặp

- Bệnh động mạch vành

- Tăng huyết áp

- Tăng áp lực động mạch phổi

- Thuyên tắc mạch và huyết khối nguồn gốc tĩnh mạch.

4. Biến chứng tiêu hóa

- Hội chứng trào ngược dạ dày- thực quản

- Viêm tụy cấp

- Gan nhiễm mỡ không do rượu

- Sỏi mật

5. Biến chứng nội tiết

- Đái tháo đường type 2

- Rối loạn chuyển hóa mỡ máu

- Hội chứng buồng trứng đa nang

6. Biến chứng cơ xương khớp

- Gút

- Thoái hóa khớp đặc biệt là thoái hóa khớp gối và khớp háng.

- Đau lưng

7 Biến chứng trên da

- Búi giãn tĩnh mạch

- Chứng gai đen

- Rạn da

- Viêm dạ do ứ trệ tuần hoàn

- Phù bạch huyết

- Viêm mô tế bào

8. Biến chứng khác

- Tăng tỷ lệ nhiễm Covid-19

- Tăng tỷ lệ nhập viện gấp 3 lần so với người không béo phì

- Tăng tỷ lệ tiến triển nặng và tử vong gấp 1.42 lần

- Tăng nguy cơ ung thư: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, thực quản, gan, thận, tụy, đại tràng.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh béo phì

1. Lâm sàng

Việc chẩn đoán béo phì trên lâm sàng dựa vào việc đo các chỉ số nhân trắc.

- Chỉ số khối cơ thể ((Body Mass Index-BMI): là phép đo cân nặng của một người so với chiều cao. Chỉ số này gián tiếp phản ánh lượng mỡ trên cơ thể.

BMI = Cân nặng ∕ (Chiều cao)2

Phân loại BMI theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới:

Tuy nhiên, thể trạng người châu Á nói chung thường thấp bé hơn so với các chủng tộc khác. Do dó, từ năm 2000, việc phân loại BMI đã được điều chỉnh lại như sau:

- Phân loại theo công thức Lozen:

Công thức Lozen=(trọng lượng thực ∕ trọng lượng lý tưởng) x 100

Tỷ lệ 120-130%; thừa cân

Tỷ lệ >130%: béo phì.

- Đo độ dày các nếp gấp da: các vị trí thường đo là cơ tam đầu cánh tay, giữa hai vai và đùi. Chỉ số bình thường độ dày nếp gấp cơ tam đầu là 16,5 đối với nam và 12,5 đối với nữ.

- Đo chỉ số cánh tay đùi: bình thường ở nam chỉ số này là 0.58 và ở nữ là 0.52

- Đo chỉ số vòng bụng/vòng mông: bình thường ở nam <0.9 và ở nữ <0.8

2. Cận lâm sàng

- Siêu âm: đo độ dày lớp mỡ dưới da.

- Chụp CLVT đánh giá lớp mỡ và sự phân bố mỡ ở tạng


Các biện pháp điều trị Bệnh béo phì

Nguyên tắc điều trị

- Kiểm soát chế độ ăn, hạn chế năng lượng cung cấp

- Tăng cường hoạt động thể lực

- Nếu chưa kiểm soát được cần chỉ định thuốc và các phương pháp điều trị khác

Mục tiêu điều trị

- Giảm cân nặng

Giảm cân nặng, kiểm soát biến chứng của béo phì

Giảm cân nặng, kiểm soát biến chứng của béo phì

- Kiểm soát các bệnh lý do biến chứng của béo phì

Điều trị cụ thể

1. Chế độ ăn

- Kiểm soát chế độ ăn: duy trì mức năng lượng 20-25kcal/kg/ngày. Mức năng lượng điều chỉnh theo cân nặng và mức độ hoạt đông thể chất.

- Đảm bảo cân đối giữa các thành phần glucid-protid-lipid. Tránh cung cấp quá nhiều glucid trong khẩu phần ăn, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường đơn và mỡ bão hòa.

- Hạn chế bia rượu

- Bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, yếu tố vi lượng và chất xơ đầy đủ

- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.

- Không nhịn đói hoàn toàn.

2. Chế độ vận động

- Thời gian vận động 60-75 phút/ ngày.

- Thời gian và mức độ luyện tập phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, các bệnh lý kèm theo

- Cần luyện tập đều đặn, bền bỉ.

3. Chế độ dùng thuốc

Một số các thuốc được FDA cấp phép trong điều trị béo phì dựa trên cơ chế gây chán ăn hoặc ức chế men Lipase.

- Sibutramine gây chán ăn

- Orlistat: giảm hấp thu mỡ

Đặc biệt, từ ngày 4/6/2021 FDA đã chấp thuận Semaglutaide- Một thuốc điều trị tiểu đường thuộc nhóm GLP-1 là thuốc điều trị béo phì mới. theo các nghiên cứu gần đây, thuốc này có tác dụng làm giảm 6.2% cân nặng.

Một điều cần đặc biệt chú ý là KHÔNG BAO GIỜ được điều trị giảm cân bằng thuốc lợi tiểu, thuốc gây tiêu chảy, các hormon tuyến giáp.

4. Các điều trị khác

- Thu nhỏ dạ dày: đây là một trong những biện pháp được áp dụng ở những bệnh nhân béo phì nặng.

- Đặt bóng vào trong dạ dày: tăng cảm giác đầy dạ dày giảm cảm giác đói

- Phẫu thuật nối hỗng tràng- dạy dày: rút ngắn thời gian hấp thu thức ăn.

- Phẫu thuật lấy mỡ dưới da.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ