Tin tức
Nhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không? Phòng ngừa bệnh như thế nào?
- 04/05/2021 | Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
- 11/03/2021 | Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai
- 09/06/2023 | Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Nhiễm trùng đường tiểu là gì?
Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Nhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không”, bạn cần hiểu rõ nhiễm trùng đường tiểu là như thế nào?
Người bệnh đi tiểu nhiều lần do nhiễm trùng đường tiểu
Đây là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi và mọi giới tính, trong đó phụ nữ là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, chúng sẽ ngày càng sinh sôi, phát triển và gây viêm nhiễm.
Các cơ quan trong đường tiểu hay đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Vi khuẩn có thể xâm nhập và gây ảnh hưởng đến bất cứ cơ quan nào trong hệ thống đường tiết niệu. Tuy nhiên, niệu đạo và bàng quang (phần dưới của hệ tiết niệu) là những cơ quan dễ bị viêm nhiễm hơn.
Các trường hợp viêm niệu quản, viêm thận (viêm đường tiết niệu trên) thường ít gặp hơn nhưng lại thường nghiêm trọng hơn so với viêm đường tiết niệu dưới. Tình trạng viêm thận – viêm bể thận ở trẻ là rất nghiêm trọng vì nó có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp và trong tương lai có thể dẫn đến suy thận.
Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, bệnh nhân thường có những triệu chứng như sau:
- Nóng rát, khó chịu và thậm chí bị đau buốt khi đi tiểu.
- Đi tiểu nhiều lần, số lượng mỗi lần đi ít.
- Nước tiểu bất thường: Đục hơn, có lẫn máu hay có mùi nồng.
2. Nhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không?
Bệnh cần được điều trị sớm và đúng cách. Nếu chủ quan và đi khám muộn, bệnh sẽ rất khó chữa trị, dễ dàng tái phát và đáng lo ngại hơn khi có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng. Do đó, với thắc mắc “nhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không” thì câu trả lời là “có”. Cụ thể, bệnh có thể gây ra những biến chứng như sau:
- Viêm bể thận cấp: Bệnh cần được điều trị sớm. Nếu để lâu ngày, có thể gây tử vong.
Nhiễm trùng đường tiểu có thể gây biến chứng nghiêm trọng
- Áp xe thận, suy nhược cơ thể, suy thận, gây hoại tử thận.
- Nhiễm trùng huyết: Khi vi khuẩn di chuyển vào máu có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây hạ huyết áp, sốt và tử vong. Khi bị biến chứng nhiễm trùng huyết, bệnh nhân thường có một số triệu chứng như đau ở lưng trên, đau vùng 2 bên hông, sốt, buồn nôn và nôn, có thể suy đa tạng, hôn mê, suy hô hấp.
- Suy thận cấp: Đây là biến chứng nguy hiểm do nhiễm trùng đường tiểu gây ra. Thận là cơ quan vô cùng quan trọng với chức năng lọc các chất độc hại trong máu. Do đó, nếu xảy ra tình trạng suy thận cấp, người bệnh sẽ gặp nguy hiểm, có thể dẫn tới tắc mạch phổi hay tình trạng tai biến mạch máu não, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
- Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiểu có thể gặp phải một loạt biến chứng nguy hiểm như sinh non, sảy thai, thai nhi phát triển kém.
3. Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu
Để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, bạn nên thực hiện một số lưu ý như sau:
Uống nhiều nước rất tốt cho sức khỏe đường tiết niệu
- Uống nhiều nước mỗi ngày: Người trưởng thành nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Đây là cách đơn giản hỗ trợ thận lọc bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
- Tuyệt đối không nhịn tiểu: Nhiều người có thói quen nhịn tiểu. Tuy nhiên, đây là thói quen rất xấu có thể gây hại cho đường tiết niệu. Khi bạn nhịn tiểu, vi khuẩn sẽ có điều kiện tốt để phát triển và gây bệnh. Do đó, bạn nên đi tiểu thường xuyên khi có cơn buồn tiểu và không nên nhịn tiểu.
- Không nên uống bia rượu, cà phê vì các loại đồ uống này sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều lần và tăng nguy cơ mất nước.
- Giữ vệ sinh vùng kín. Đặc biệt với phụ nữ, sau khi đi tiểu nên loại bỏ thói quen lau vùng kín theo chiều từ sau ra trước và nên dùng khăn sạch để lau vùng kín từ trước ra sau.
- Không nên tắm bồn mà hãy tắm bằng vòi hoa sen.
- Khi chọn đồ lót nên lựa chọn những sản phẩm được làm từ chất liệu vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và vừa vặn với cơ thể. Nếu thường xuyên mặc những loại quần lót chật và không thâm hút thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
- Trước và sau khi quan hệ nên vệ sinh vùng kín để đào thải mầm bệnh hiệu quả.
- Những lưu ý giúp phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em:
- Mẹ nên cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời để giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn và phòng tránh nguy cơ bị lây nhiễm nhiều loại bệnh lý.
- Mẹ nên thường xuyên thay bỉm và tã cho trẻ để hạn chế sự phát triển vi khuẩn.
- Nếu trẻ bị hẹp bao quy đầu (bé trai) hoặc bị dính môi (bé gái) thì cần điều trị sớm và triệt để.
- Cho trẻ uống nhiều nước và nhắc nhở trẻ thường xuyên đi tiểu, không nhịn tiểu.
- Mẹ nên cho trẻ ăn nhiều các loại trái cây, rau củ để hạn chế nguy cơ táo bón.
- Nếu trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu và bị dị dạng cơ quan đường tiểu thì cần điều trị phối hợp để hạn chế nguy cơ tái phát và nguy cơ biến chứng.
- Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao thì cần đưa trẻ đi khám sớm.
Bạn nên đi khám nếu có biểu hiện nhiễm trùng đường tiểu
Như vậy, những thông tin trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi “nhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không” và một số lưu ý để giảm nguy cơ phòng bệnh. Các chuyên gia khuyên bạn nên đi khám nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu. Nếu có bệnh cần thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.
Để được tư vấn thêm về căn bệnh này hoặc có nhu cầu đặc lịch thăm khám sớm, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ hỗ trợ chi tiết cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!