Tin tức
Những bài test trẻ chậm nói và cách đọc kết quả
- 01/06/2023 | 7 cách dạy trẻ chậm nói tại nhà hiệu quả nhất
- 01/05/2024 | Trẻ chậm nói khi nào cần đi khám? Biện pháp khắc phục là gì?
- 18/10/2024 | Trẻ chậm nói do đâu? Dấu hiệu và cách can thiệp
- 16/11/2024 | Dạy trẻ chậm nói tại nhà: Bí quyết hiệu quả giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
1. Vì sao trẻ chậm nói?
Tình trạng trẻ chậm nói không quá hiếm gặp và có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó những nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Cấu trúc miệng của trẻ có bất thường, chẳng hạn như tình trạng dính thắng lưỡi hay một số khiếm khuyết ở vòm miệng,…
- Trẻ gặp phải một số vấn đề về thính lực dẫn đến nghe kém hoặc nghe không hiệu quả.
- Do trẻ không được thường xuyên tương tác ngôn ngữ với cha mẹ và mọi người xung quanh.
Trẻ chậm nói vì nhiều nguyên nhân khác nhau
Cha mẹ cần lưu ý phân biệt tình trạng trẻ chậm nói với trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Đây là 2 khái niệm khác nhau, cụ thể:
- Trẻ chậm nói: Là những trẻ có khả năng hiểu ngôn ngữ, có thể giao tiếp với cha mẹ và mọi người xung quanh bằng ánh mắt, cử chỉ nhưng trẻ bị hạn chế khả năng phát âm từ ngữ.
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Được đánh giá là tình trạng phức tạp hơn. Không những gặp khó khăn trong việc phát âm mà trẻ còn khó có thể hiểu và dùng ngôn ngữ một cách hiệu quả.
2. Bài test trẻ chậm nói là gì?
Để kiểm tra về tình trạng chậm nói của trẻ từ 1 tháng tuổi đến 5,5 tuổi, các bậc phụ huynh có thể thực hiện bài test trẻ chậm nói. Đây là một công cụ có thể giúp sàng lọc quá trình phát triển tổng thể của trẻ dựa trên những bộ câu hỏi về kỹ năng nghe hiểu, kỹ năng phát âm, cách dùng ngôn ngữ và sự tương tác với người khác của trẻ.
Bài test trẻ chậm nói ASQ-3 (viết tắt của cụm từ Ages and Stages Questionnaire, Third Edition, ASQ-3) được cho là tiêu chuẩn “vàng” để đánh giá sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ. Từ kết quả bài test này, các bậc phụ huynh có thể xác định được những điểm mạnh và hạn chế của trẻ để can thiệp kịp thời giúp trẻ cải thiện và phát triển tốt hơn.
3. Các bài test trẻ chậm nói theo từng giai đoạn
Để đánh giá được chính xác tình trạng của trẻ, cha mẹ cần áp dụng bài test trẻ chậm nói phù hợp với độ tuổi của trẻ. Dưới đây là một số bài test cụ thể
3.1. Bài test cho trẻ 0 – 1 tuổi
Qua mỗi tháng tuổi, trẻ sẽ có những biểu hiện ngôn ngữ khác nhau. Để kiểm tra khả năng nói của trẻ, cha mẹ có thể áp dụng các bộ câu hỏi phù hợp với từng giai đoạn như sau:
- Đối với trẻ từ 0 đến 3 tháng tuổi: Mẹ cần kiểm tra một số vấn đề như sau:
+ Trẻ có phát ra âm thanh không?
+ Trẻ có những biểu hiện gì đặc biệt, thái độ cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể khi đói hay cần thay tã.
+ Khi nghe giọng nói của cha mẹ hoặc những âm thanh xung quanh, trẻ có phản ứng gì không?
Mẹ cần kiểm tra trẻ có biểu hiện gì khi con muốn ăn hoặc cần được thay tã không?
- Đối với trẻ 3 - 6 tháng tuổi: Mẹ có thể đặt ra một số câu hỏi dưới đây để kiểm tra khả năng nói của trẻ:
+ Khi nghe giọng nói của cha mẹ, trẻ có ngừng khóc không?
+ Trẻ đã có thể cười thành tiếng chưa?
+ Khi thấy người lạ hoặc đồ chơi, trẻ có phát ra âm thanh không?
- Đối với trẻ 6 đến 9 tháng tuổi: Cha mẹ có thể kiểm tra khả năng nói của trẻ qua bộ câu hỏi sau:
+ Trẻ có biểu hiện gì khi nghe thấy tiếng động lớn không?
+ Từ khi sinh ra trẻ có phát ra các âm thanh nào chưa?
+ Khi cha mẹ bắt chước âm thanh của trẻ, trẻ có phản ứng lặp lại không?
- Đối với trẻ 9 đến 12 tháng tuổi: Để đánh giá tình trạng chậm nói của trẻ, mẹ có thể áp dụng những câu hỏi sau:
+ Khi không hài lòng về một vấn đề gì đó, trẻ có biểu hiện lắc đầu hay không?
+ Khi bố mẹ đưa ra những yêu cầu đơn giản như “đưa cho mẹ”, trẻ có hiểu và thực hiện được hay không?
+ Trẻ có phát âm ra một số âm thanh bập bẹ như baba hay mama không?
3.2. Bài test trẻ chậm nói trong giai đoạn 13 – 36 tháng
Đây là giai đoạn mà các bậc cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết được khả năng ngôn ngữ của trẻ. Dưới đây là một số câu hỏi cụ thể theo từng giai đoạn mà mẹ có thể áp dụng để đánh giá chính xác hơn về tình trạng chậm nói của con:
- Đối với trẻ từ 13 - 18 tháng tuổi: Mẹ có thể kiểm tra trẻ bằng bộ câu hỏi dưới đây:
+ Trẻ có hiểu và thực hiện được những yêu cầu đơn giản của mẹ như “ngồi xuống”, “dừng lại” hay không?
+ Ngoài những từ đơn giản như “bà”, “bố” hay “mẹ”, trẻ có nói thêm được những từ nào hay không?
+ Trẻ có biết chỉ tay vào đồ vật trẻ muốn lấy hay không?
- Đối với trẻ từ 19 - 24 tháng tuổi: Mẹ có thể áp dụng những câu hỏi dưới đây:
+ Trẻ có chỉ đúng đồ vật được người lớn yêu cầu không?
+ Trẻ có thể nói được cùng lúc một cụm 2-3 từ không?
+ Trẻ có thể nói được những câu lệnh như “lấy vật này, lấy vật kia” theo yêu cầu.
- Đối với những trẻ 25 - 36 tháng tuổi: Mẹ có thể nhận biết tình trạng chậm nói của trẻ qua một số câu hỏi sau:
+ Trẻ có biết chỉ các bộ phận trên cơ thể không?
+ Trẻ có dùng ngôn ngữ đúng với hoàn cảnh giao tiếp không?
+ Trẻ có trả lời được tên của mình không?
3.3. Bài test trẻ chậm nói đoạn 4 – 6 tuổi
Những trẻ chậm nói cần được can thiệp ngôn ngữ càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trước năm 3 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ đã bước sang giai đoạn từ 4 – 6 tuổi, cha mẹ vẫn nên thực hiện kiểm tra tình trạng chậm nói để sớm có những giải pháp phù hợp dành cho trẻ.
- Đối với trẻ từ 4 – 5 tuổi: Mẹ có thể kiểm tra tình trạng chậm nói của trẻ qua bộ câu hỏi sau:
+ Trẻ có biết cách phân loại các đồ vật có đặc điểm chung thành từng nhóm không?
+ Trẻ có miêu tả đặc điểm của một đồ vật hay không?
+ Trẻ có thể dùng được những từ chỉ số lượng khi đếm đồ vật không?
- Đối với trẻ từ 5 – 6 tuổi: Mẹ có thể đánh giá về tình trạng chậm nói của con thông qua những câu hỏi sau:
+ Trẻ có biết so sánh được các đồ vật hay con vật không?
+ Trẻ có thể thực hiện đúng khi cha mẹ đưa ra các yêu cầu liên tiếp không?
+ Trẻ có thể nói được những câu dài khoảng 5 đến 6 từ không?
4. Cách đọc kết quả các bài test trẻ chậm nói
Để đánh giá chính xác trẻ có bị chậm nói hay không, mẹ cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Đánh giá trẻ qua từng câu hỏi. Mẹ có thể ghi lại từng câu trả lời trong bộ câu hỏi bài test về tình trạng chậm nói của trẻ.
- Bước 2: Xác định mức độ chậm nói. Nếu nhiều câu hỏi có đáp án trả lời là “không” thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị chậm nói. Càng nhiều câu trả lời “không” thì mức độ chậm nói của trẻ càng nghiêm trọng.
- Bước 3: Đánh giá tổng quan. Đây chỉ là bài test mang tính tham khảo và không thể khẳng định chắc chắn về tình trạng chậm nói của trẻ.
Cha mẹ nên đưa con đi khám nếu trẻ có bất thường
Trên đây là một số thông tin về bài test trẻ chậm nói. Nếu thấy kết quả bài test bất thường, cha mẹ nên đưa con đi khám để được bác sĩ khám chuyên sâu và lên phác đồ điều trị kịp thời, giúp trẻ cải thiện tình trạng ngôn ngữ và phát triển toàn diện hơn.
Mọi thắc mắc về hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể liên hệ đến Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
