Tin tức
Những biến chứng của bệnh tiểu đường bạn nên biết để phòng ngừa
- 26/08/2024 | Tư vấn: Ăn nhiều đồ ngọt có bị tiểu đường không?
- 01/08/2023 | Nên ngâm rượu gì tốt cho người tiểu đường
- 28/08/2024 | 5 loại trái cây người bệnh tiểu đường không nên ăn để kiểm soát bệnh hiệu quả
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Glucose được hình thành từ Carbohydrate trong thức ăn và hấp thu qua ruột vào máu. Insulin - một hormone do tuyến tụy sản xuất, có nhiệm vụ chuyển Glucose từ máu đến các tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin một cách hiệu quả, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc đái tháo đường - một rối loạn chuyển hóa liên quan đến Carbohydrate.
Tiểu đường là bệnh xảy ra khi hàm lượng đường glucose trong máu tăng cao
Có ba loại chính của bệnh tiểu đường:
- Tiểu đường type 1: Trong trường hợp này, cơ thể không thể sản xuất insulin vì hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào tạo insulin trong tuyến tụy.
- Tiểu đường type 2: Đây là tình trạng cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, thường liên quan đến các thói quen sống không lành mạnh như thừa cân, béo phì và ít vận động,…
- Tiểu đường thai kỳ: Xuất hiện trong thời kỳ mang thai và thường hết sau khi sinh. Tuy nhiên, phụ nữ từng trải qua tiểu đường thai kỳ có khả năng bị tiểu đường type 2 cao hơn về sau.
2. Các biến chứng của bệnh tiểu đường
Nếu không được kiểm soát hiệu quả, bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể như:
Biến chứng tim mạch
Đường huyết cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương các mạch máu làm giảm độ đàn hồi, khi đó, tim cần phải hoạt động mạnh mẽ hơn dẫn đến tăng huyết áp đồng thời tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
Tiểu đường nếu không kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch
Biến chứng thận
Bệnh thận do tiểu đường (Diabetic nephropathy): Tình trạng này xảy ra với nhiều giai đoạn. Trong thận có chứa rất nhiều mạch máu nhỏ làm nhiệm vụ lọc máu để loại bỏ các chất cặn bã, dư thừa.
Khi đường huyết cao, mao mạch bị tổn thương khiến chức năng lọc máu của thận suy giảm, các chất cặn bã không thể đào thải ra ngoài dẫn đến tích tụ. Nếu bệnh nhân không có biện pháp điều trị tích cực sẽ dẫn đến suy thận. Các triệu chứng của bệnh thận do tiểu đường thường là hiện tượng mệt mỏi, sưng phù tay, chân, mặt, tăng cân do giữ nước, buồn nôn, nôn ói nhiều, trong hơi thở có mùi amoniac do ure tích tụ,…
Biến chứng thần kinh
Tổn thương hệ thần kinh là một trong các biến chứng của bệnh tiểu đường phổ biến và nghiêm trọng. Lượng đường huyết tăng cao trong thời gian dài dẫn đến tổn thương dây thần kinh. Phổ biến nhất thường là tổn thương hệ thần kinh ngoại biên bao gồm chân và tay dẫn đến tê liệt, đau nhức, ngứa râm ran hoặc mất cảm giác.
Nếu hệ thần kinh thực vật bị ảnh hưởng thì tùy theo từng bộ phận mà triệu chứng có thể khác nhau.
- Tiêu hóa: Đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón do rối loạn chức năng dạ dày và ruột (gastroparesis).
- Tim mạch: Nhịp tim nhanh, không đều, huyết áp tụt khi đứng lên (tụt huyết áp tư thế đứng), gây chóng mặt hoặc ngất.
- Hệ sinh dục: Rối loạn cương dương ở nam giới và giảm ham muốn hoặc khô âm đạo ở nữ giới.
- Điều tiết mồ hôi: Ra mồ hôi quá mức hoặc thiếu mồ hôi, ảnh hưởng đến việc điều hòa nhiệt độ cơ thể.
- Bàng quang: Tiểu không tự chủ, khó tiểu, hoặc nhiễm trùng đường tiểu do bàng quang không hoạt động đúng cách.
Nếu biến chứng thần kinh tủy sống, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng yếu cơ, teo cơ, giảm khả năng vận động hay thậm chí là bị liệt. Biến chứng ở chân là vấn đề phổ biến thường xảy ra với bệnh nhân tiểu đường có liên quan hệ thần kinh. Do dây thần kinh bị tổn thương dẫn đến mất cảm giác cùng khả năng lưu thông máu kém, người bệnh dễ bị loét chân, nhiễm trùng và có thể dẫn đến cắt cụt chi nếu không được điều trị kịp thời. Đây là biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết.
Tổn thương ở chân là biến chứng phổ biến thường gặp với người bị tiểu đường
Biến chứng mắt
Một trong các biến chứng của bệnh tiểu đường điển hình là tổn thương ở mắt gây bệnh võng mạc. Bệnh võng mạc do tiểu đường là tình trạng tổn thương hệ thống vi mạch, mạch máu nhỏ trong võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị. Ngoài ra, tiểu đường còn tăng nguy cơ gây đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
Biến chứng da
Người mắc bệnh tiểu đường thường gặp phải các vấn đề về da như nhiễm trùng da, vết loét khó lành và viêm da do ảnh hưởng của các tổn thương ở hệ thống mạch máu và dây thần kinh. Mức đường huyết cao khiến cơ thể mất nước, làm giảm lưu thông máu, và kết hợp với nhiễm trùng gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh.
Bệnh nhân cũng có thể phát hiện các đốm nhỏ màu nâu hoặc đỏ, thường xuất hiện trên cẳng chân, do tổn thương các mạch máu nhỏ dưới da. Các đốm này thường không gây đau hoặc ngứa nhưng có thể kéo dài.
Biến chứng khác
Ngoài các biến chứng của bệnh tiểu đường phổ biến kể trên thì người bệnh còn có thể xuất hiện tình trạng:
- Ketoacidosis: Là một trong những biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê hay thậm chí là tử vong. Ketone là hợp chất được tạo ra để phân hủy chất béo thành năng lượng xuất hiện khi cơ thể không nhận đủ lượng glucose theo nhu cầu. Khi ketone tích tụ quá mức trong máu sẽ dẫn đến ngộ độc.
- Hạ đường huyết: Khi điều trị tiểu đường, người bệnh có thể bị hạ đường huyết do dùng thuốc quá liều hoặc không ăn đủ.
- Sa sút trí tuệ: Hệ thần kinh bị tổn thương sẽ khiến người bệnh dễ bị sa sút trí tuệ hay mắc bệnh Alzheimer, rối loạn cảm xúc, tăng nguy cơ bị trầm cảm,…
Một khi các biến chứng của bệnh tiểu đường phát sinh, chúng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng và tuân thủ các hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa là biện pháp quan trọng nhất để hạn chế rủi ro phát triển các biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng về da
Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ đáng tin cậy để kiểm tra, theo dõi đường huyết thì có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. Đồng thời, MEDLATEC cũng cung cấp dịch vụ xét nghiệm đường huyết tại nhà với chi phí niêm yết như tại bệnh viện, chỉ cộng thêm 10 ngàn đồng cho phí đi lại và trả kết quả. Sau khi có kết quả, bác sĩ của MEDLATEC sẽ gọi điện tư vấn và đưa ra lời khuyên trong chế độ ăn uống, sinh hoạt để kiểm soát tốt đường huyết.
Để biết thêm thông tin về dịch vụ hoặc đặt lịch khám, lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, quý khách vui lòng liên hệ qua hotline 1900 56 56 56, nhân viên tổng đài sẽ hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!