Tin tức

Những điều cần biết về bệnh viêm túi mật

Ngày 23/10/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Là cơ quan nằm ngay dưới gan và có hình quả lê, túi mật có chức năng giữ mật và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Sỏi mật hay viêm túi mật là những bệnh lý liên quan và có thể gặp ở mọi đối tượng. Đặc biệt, đối với những người cao tuổi thì nguy cơ mắc các bệnh viêm túi mật còn cao hơn.

1. Viêm túi mật là gì và có những loại nào?

Túi mật là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Dịch mật chứa trong túi mật được gan tổng hợp khi ăn sẽ đổ vào tá tràng, xuống ruột non và hỗ trợ tiêu hóa các chất béo và các vitamin tan trong chất béo như vitamin K, D, A, E cùng với caroten.

Tình trạng nhiễm trùng túi mật được gọi là viêm túi mật. Hai nguyên nhân phổ biến gây ra vấn đề này là do sỏi mật và hiện tượng nhiễm trùng. Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn gồm có: ung thư đường mật, giun ống mật, bệnh thương hàn, nhiễm trùng máu,… Những chấn thương vùng bụng hoặc những khối u cũng có thể gây ra viêm túi mật.

Hình ảnh vị trí túi mật trong khoang bụng

Hình ảnh vị trí túi mật trong khoang bụng

Viêm túi mật có hai loại cơ bản:

  • Viêm túi mật cấp tính: tình trạng viêm nhiễm xảy ra đột ngột kèm các triệu chứng đau bụng quặn, buồn nôn, sốt.

  • Viêm túi mật mạn tính: tình trạng viêm nhiễm mức độ nhẹ nhưng kéo dài, thường là do thường xuyên gặp phải tình trạng viêm túi mật cấp tính khiến túi mật tổn thương.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm túi mật:

  • Sỏi mật.

  • Lao động nặng, quá sức ngay sau những tuần đầu sinh.

  • Chấn thương.

  • Bệnh tiểu đường.

2. Triệu chứng của bệnh viêm túi mật

Túi mật có liên kết chặt chẽ với đường tiêu hóa nên bệnh viêm túi mật ngoài gây đau vùng bụng vị trí túi mật, có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận khác:

  • Đau quặn thắt ở vùng bụng dưới sườn phía bên phải.

  • Đau lan từ bụng đến vai phải.

  • Thường xuyên cảm thấy buồn nôn, ợ hơi.

  • Sốt, hạ thân nhiệt và ớn lạnh, vã mồ hôi.

  • Đau khi hít vào vì khi bị đè vào vùng bụng vị trí của túi mật, cụ thể là khu vực dưới sườn bên phải.

Các biểu hiện của viêm túi mật mãn tính thường rất mờ nhạt, bệnh nhân thường hay đau nhẹ, sợ thức ăn nhiều dầu mỡ, đôi khi chán ăn, hoặc hầu như không có triệu chứng gì.

Bệnh nhân có thể bị đau quặn thắt ở vùng bụng dưới sườn phía bên phải

Bệnh nhân có thể bị đau quặn thắt ở vùng bụng dưới sườn phía bên phải

3. Các biến chứng của bệnh viêm túi mật

Nhiễm trùng

Mật tích tụ nhiều trong màng mật có thể gây viêm mủ, làm tăng nguy cơ chảy máu vào túi mật, lây nhiễm có thể lan rộng với máu đến các cơ quan khác trong cơ thể, hoặc gây áp - xe đường dẫn mật.

Túi mật căng 

Việc mật bị tích tụ bên trong túi mật sẽ khiến túi mật căng và to lên vượt quá kích cỡ bình thường, có thể gây đau, nhiễm trùng và thủng túi mật.

Viêm phúc mạc mật

Viêm phúc mạc mật là tình trạng mật thấm vào ổ bụng do màng túi mật yếu hoặc bị thủng. Sau biến chứng phúc mạc mật, bệnh nhân có thể mắc phải tình trạng tụt huyết áp, sốc nhiễm khuẩn, trụy tim.

Tình trạng hoại tử

Viêm nhiễm khi phát triển nặng có thể gây ra hoại tử, túi mật hoại tử có thể dẫn đến tình trạng túi mật bị thủng và vỡ.

Thủng túi mật

Tình trạng hoại tử mô túi mật hoặc túi mật bị trướng căng có thể gây ra thủng túi mật, dẫn đến việc suy tuần hoàn và hiện tượng chảy máu nội tạng. 

Có rất nhiều yếu tố gây tác động gây ra bệnh viêm túi mật và gây ra các biến chứng trên, bao gồm:

  • Lao động nặng sau sinh: Những tuần đầu sau sinh chính là lúc túi mật nhạy cảm và dễ kích thích viêm nhiễm phát triển nếu người mẹ liên tục lao động hoặc lao động nặng.

  • Chấn thương: Những chấn thương nghiêm trọng vùng bụng có thể ảnh hưởng đến túi mật, gây viêm túi mật và các biến chứng.

  • Bệnh nền tiểu đường: Biến chứng của bệnh tiểu đường có thể kích thích nhiều bệnh lý khác, trong đó bao gồm cả viêm nhiễm ở túi mật.

Phụ nữ sau sinh làm việc nặng liên tục có thể kích thích viêm túi mật

Phụ nữ sau sinh làm việc nặng liên tục có thể kích thích viêm túi mật

4. Các mức độ của viêm túi mật cấp và cách điều trị

Hiện nay, theo Hướng dẫn chẩn đoán và phân loại viêm túi mật cấp Tokyo 2013, viêm túi mật cấp được chia thành 3 cấp độ cơ bản:

  • Viêm túi mật cấp nhẹ: Túi mật viêm nhẹ, có phản ứng viêm tại chỗ như đau khi ấn vào bụng và hít thở sâu, người bệnh vẫn khỏe mạnh bình thường, không có các rối loạn chức năng ở các cơ quan khác.

  • Viêm túi mật cấp trung bình: Sờ thấy sưng to ở vùng bụng dưới phía bên phải, có các tổn thương tại vùng mật như viêm phúc mạc mật, áp - xe túi mật, áp xe gan, hoại tử túi mật, bạch cầu tăng, bệnh khởi phát > 72h,…

  • Viêm túi mật cấp nặng: Túi mật sưng viêm và đã có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác cơ thể như gan, thận, tim mạch, tiêu hóa,… với một số biểu hiện như tụt huyết áp, hôn mê, suy hô hấp, suy thận, suy gan, giảm tiểu cầu,...

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bảo vệ sức khỏe túi mật

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bảo vệ sức khỏe túi mật

Phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh viêm túi mật là cắt bỏ túi mật sớm, với việc lựa chọn kỹ thuật và phương pháp phù hợp với từng giai đoạn viêm nhiễm. 

Phương pháp thông dụng nhất là phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ rạch bốn lỗ nhỏ ở bụng sau đó đưa công cụ xuyên qua đường rạch để cắt bỏ túi mật. Ưu điểm của phương pháp này chính là thời gian thực hiện ngắn và bệnh nhân có thể nhanh chóng phục hồi. 

Đối với người bệnh đang ở tình trạng viêm nhiễm trung bình kèm tình trạng nhiễm trùng tại chỗ như Viêm phúc mạc, áp - xe túi mật,… bác sĩ có thể xem xét để thực hiện mổ hở, phương pháp này đòi hỏi thời gian nằm viện phục hồi của bệnh nhân lâu hơn.

Hãy giữ cho mình những thói quen sinh hoạt phù hợp và tham khảo những kiến thức bổ ích để giữ gìn sức khỏe của bản thân. Mọi thắc mắc của quý độc giả về bệnh viêm túi mật và các bệnh lý liên quan sẽ được MEDLATEC giải đáp miễn phí khi gọi đến hotline 1900565656.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.