Tin tức

Những điều cần biết về tình trạng gãy nén đốt sống

Ngày 07/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Gãy nén đốt sống dễ làm giảm chiều cao và biến dạng hoàn toàn cột sống. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như gãy xương, loãng xương, ung thư xương,... Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhưng gần đây bệnh ngày càng gặp nhiều ở người trẻ. Điều trị sớm là cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ bệnh biến chứng gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

1. Bệnh gãy nén đốt sống - nguyên nhân và triệu chứng 

1.1. Như thế nào là gãy nén đốt sống?

Gãy nén đốt sống còn được gọi là gãy xẹp đốt sống. Đây là tình trạng các đốt sống của cột sống bị nén ép sụp xuống khiến cho đốt xương bị đau dữ dội, biến dạng và giảm chiều cao. Bất cứ phần nào của cột sống cũng có thể bị gãy nén đốt sống nhưng thường gặp nhất ở lưng dưới hoặc đốt sống ngực. Đại đa số trường hợp bị gãy nén đốt sống ở phần xương phía trước nên đốt sống có dạng hình lăng trụ tam giác, khiến cho người bệnh dễ bị gù lưng.

Hình ảnh chụp CT cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị gãy nén đốt sống

Hình ảnh chụp CT cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị gãy nén đốt sống

1.2 Nguyên nhân gây gãy nén đốt sống

- Loãng xương

Khả năng gãy xương sống dù chỉ với một tác động nhỏ ở người bị loãng xương tương đối cao. Đặc biệt, người bị loãng xương tới mức xương giòn và yếu thì gãy nén đốt sống có thể đến chỉ với những cử động rất đơn giản như nâng đồ vật nhẹ, hắt hơi mạnh,…

- Bị chấn thương

Chấn thương có khả năng làm đốt sống gãy do nén ép thường là ngã ở độ cao tương đối và người bệnh tiếp đất bằng mông hoặc chân. Không những thế, một vụ tai nạn xe gây chấn thương cũng dễ làm gãy nén đốt sống.

- Gãy xương do bệnh lý

Đây là tình trạng gãy xương ở đốt sống trước đó đã tồn tại một bệnh lý. Thường gặp nhất là ung thư xương - chủ yếu do di căn ung thư từ một cơ quan khác như phổi, vú hoặc tuyến tiền liệt. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng dẫn đến gãy xương như: nhiễm trùng xương, Paget xương.

1.3. Triệu chứng bệnh gãy nén đốt sống

Người bị gãy nén đốt sống có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng như:

- Bị đau lưng đột ngột.

- Khi đi bộ hoặc đứng, mức độ đau tăng lên.

- Khi nằm ngửa mức độ đau giảm xuống.

- Cột sống vận động kém.

- Chiều cao tổng thể giảm.

- Cột sống bị khuyết tật hoặc biến dạng.

- Cột sống có cảm giác ngứa, tê ran hoặc yếu (do gãy nén đốt sống chèn ép dây thần kinh).

- Bí tiểu, tiểu tiện không kiểm soát (do gãy nén đốt sống khiến cho xương bị đẩy vào trong tủy sống)

2. Điều trị bệnh gãy nén đốt sống bằng cách nào?

2.1. Khi nào người bệnh nên đến bác sĩ thăm khám?

Bệnh gãy nén sống cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm như: gù lưng, từng đoạn cột sống bị mất vững, dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép,... Vì thế, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán gãy nén đốt sống khi:

Đau lưng dữ dội một thời gian dài không thuyên giảm là triệu chứng dễ gặp ở người bị gãy nén đốt sống

Đau lưng dữ dội một thời gian dài không thuyên giảm là triệu chứng dễ gặp ở người bị gãy nén đốt sống

- Dưới 12 tuổi hoặc trên 65 tuổi bị đau lưng kéo dài.

- Cơn đau xuất hiện mọi thời điểm, kể cả khi nghỉ ngơi cũng không thuyên giảm.

- Đau trong khi ngủ trầm trọng hơn khi thức.

- Giảm cân ngoài ý muốn.

- Từng hoặc đang bị ung thư.

- Mất khả năng tự chủ ở ruột và bàng quang.

- Cảm thấy yếu ớt, tê hoặc đau mạnh ở đốt sống.

2.2. Phương pháp điều trị bệnh gãy nén đốt sống

- Điều trị không cần phẫu thuật

Cơn đau do gãy nén đốt sống có thể kéo dài tới 3 tháng nhưng thường cải thiện đáng kể trong khoảng vài ngày đến vài tuần và tự khỏi. Một số trường hợp có thể dùng thuốc giảm đau, nẹp lưng kết hợp nghỉ ngơi tại giường và tham gia hoạt động thể chất.

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm cơn đau xương, cơ và thần kinh nhưng cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Loại thuốc này thường giảm đau tương đối hiệu quả, có 2 loại được khuyến khích dùng là thuốc kháng viêm không steroid và acetaminophen. 

Các loại thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để giảm đau do vấn đề thần kinh. Cần lưu ý rằng thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn.

Trong thời gian điều trị bằng thuốc người bệnh cũng nên tự nghỉ ngơi trên giường để giảm cơn đau cấp tính. Tuy nhiên, việc làm này cũng đồng thời có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương, mất xương và tăng nguy cơ gãy xương vì gãy nén đốt sống. Vì thế, bác sĩ thường chỉ khuyên người bệnh nghỉ ngơi một thời gian ngắn trên giường (khoảng vài ngày) nhưng cần tránh hoạt động quá lâu.

Người bệnh cũng có thể nẹp lưng để hỗ trợ bên ngoài, giúp hạn chế chuyển động của phần đốt sống bị gãy. Lớp khung cố định của nẹp lưng có tác dụng hạn chế đáng kể chuyển động liên quan đến cột sống nên cũng có thể giảm đau. Việc dùng nẹp cũng cần thận trọng và được bác sĩ giám sát. Người bị yếu, mất trương lực cơ có thể dùng nẹp lưng với một thời gian dài.

Đối với trường hợp bị loãng xương, việc dùng thuốc tăng cường mật độ xương như bisphosphonates sẽ làm ổn định và phục hồi nguy cơ mất xương. Đây là bước điều trị rất cần thiết để điều trị ngăn ngừa gãy đốt sống trong tương lai.

Bệnh nhân bị đau trầm trọng do gãy nén đốt sống không đáp ứng điều trị bảo tồn sẽ được chỉ định phẫu thuật

Bệnh nhân bị đau trầm trọng do gãy nén đốt sống không đáp ứng điều trị bảo tồn sẽ được chỉ định phẫu thuật

- Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật gãy nén đốt sống gồm 2 loại: tạo hình đốt sống và tạo hình vùng gù. Cần lưu ý rằng phẫu thuật này có nguy cơ để lại di chứng cho người bệnh và không phải ai bị gãy nén đốt sống nào cũng cần phẫu thuật.

Những trường hợp sau sẽ được bác sĩ xem xét phẫu thuật tạo hình vùng gù hoặc tạo hình đốt sống:

- Bị gãy nén đốt sống do loãng xương trên 2 tuần, đau vừa đến nặng và điều trị bảo tồn không đáp ứng.

- Đau và đa u tủy do ung thư di căn.

- Đau do u máu đốt sống.

- Xương đốt sống bị hoại tử.

- Củng cố thân xương sống bị yếu vì mắc bệnh lý trước khi phẫu thuật ổn định xương.

Tỉ lệ biến chứng của hai loại phẫu thuật gãy nén đốt sống trên đây thường chỉ dưới 2% (với gãy nén đốt sống do loãng xương) và 10% ( với gãy nén đốt sống do khối u ác tính). Việc quyết định phẫu thuật luôn được bác sĩ cân nhắc cẩn thận giữa nguy cơ có thể xảy ra với lợi ích đạt được.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán gãy nén đốt sống có thể đến Chuyên khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đầu ngành sẽ tư vấn những phương pháp cần thiết giúp chẩn đoán chính xác bệnh và tư vấn hướng điều trị tối ưu để đạt được mục đích bảo tồn cao nhất cho quý khách.

Mọi thắc mắc khác về bệnh lý này quý khách cũng có thể trao đổi qua hotline 1900 56 56 56, tổng đài viên của bệnh viện sẽ giải đáp và cung cấp những thông tin cần thiết để quý khách hiểu rõ hơn về vấn đề mà quý khách đang băn khoăn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.