Tin tức

Những trường hợp thai ngoài tử cung có sinh được không?

Ngày 18/03/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Hành trình mang thai và mong đợi trẻ chào đời là một trải nghiệm khó khăn nhưng đầy ắp yêu thương của cha mẹ. Thế nhưng nếu không may gặp phải, liệu thai ngoài tử cung có sinh được không? Bài viết sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc.

1. Thai ngoài tử cung là tình trạng gì?

Thai ngoài tử cung được xác định là những trường hợp trứng được thụ tinh làm tổ và phát triển tại vị trí ở ngoài buồng tử cung. Mặc dù chỉ chiếm 1 - 2% trường hợp trong những ca thai sản nhưng tỷ lệ gây tử vong có thể đến 4 - 10%, nhất là trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ. 

Những vị trí thai làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung thường gặp nhất là: 

  • Vòi tử cung: chiếm từ 95 - 98%, trong đó phôi thai có thể là tổ tại những vị trí như đoạn bóng là 78%, đoạn eo 12%, đoạn loa 5% và đoạn kẽ là 2%.

  • Một số trường hợp khác: phôi thai ở buồng trứng (0,7 - 1%), ống cổ tử cung (0,5 - 1%), ổ bụng (rất hiếm gặp).

Vị trí thai làm tổ bên ngoài tử cung

Vị trí thai làm tổ bên ngoài tử cung

2. Vậy thai ngoài tử cung có sinh được không và dấu hiệu cảnh báo

Vì điều kiện cấu tạo của niêm mạc ở những vị trí ngoài tử cung không đảm bảo cho sự sinh trưởng của thai, bởi chúng không đủ dày để thai làm tổ. Do vậy, khi thai phát triển được một thời gian thì sau đó những biến chứng sẽ xảy ra. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc, lựa chọn biện pháp can thiệp mổ lấy thai ra ngoài. 

Mẹ bầu có thể nhận thấy một số dấu hiệu của thai ngoài tử cung như sau:

  • Rối loạn kinh nguyệt: biểu hiện thường gặp là chậm kinh hoặc thậm chí tắt kinh, kèm theo dấu hiệu ốm nghén, căng vú.

  • Đau bụng: đau với tính chất âm ỉ hoặc từng cơn, thường xuất hiện một bên tại vùng hạ vị, lúc thai lớn hơn sẽ làm tăng cường độ đau. 

  • Xuất huyết: có số lượng ít hoặc nhiều tùy theo tính chất, có thể rỉ rả hoặc chảy ồ ạt, màu nâu đen, máu có lẫn màng nhưng không đông.

  • Một số dấu hiệu khác: vã mồ hôi, da xanh xao, nhợt nhạt, mệt mỏi, ngất xỉu,…

  • Trường hợp thai nằm trong ổ bụng: người mẹ thường bị đau bụng nhất là khi có cử động thai; có triệu chứng bán tắc ruột (buồn nôn, bí đại tiện,…); thường gặp nhất là ra máu. Nếu thai còn sống sau 28 tuần có thể vẫn còn cơ hội chào đời.

Ngoài ra, thai phụ cũng cần được bác sĩ có chuyên môn thăm khám và làm các xét nghiệm thêm, mới có thể đưa ra kết luận chắc chắn thai ngoài tử cung có sinh được không.

Phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu bất thường, cho dù là nhỏ nhất

Phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu bất thường, cho dù là nhỏ nhất

3. Tình trạng tiến triển lâu ngày sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Bên cạnh thắc mắc thai ngoài tử cung có sinh được không, những hậu quả có thể xảy ra liên quan đến tình trạng nếu không được can thiệp kịp thời có thể kể đến như:

Vỡ thai ngoài tử cung

Vỡ thai ngoài tử cung gây ra tình trạng xuất huyết ồ ạt, nếu bệnh nhân không được xử trí và cấp cứu có thể dẫn đến choáng, sốc với các biểu hiện như mạch nhanh, huyết áp tụt nhanh, vật vã,… Tình trạng này thậm chí có thể khiến người mẹ trụy mạch và tử vong vì bị mất một lượng máu lớn.

Tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung

Nhiều trường hợp có tiền sử mang thai ngoài tử cung sẽ có khả năng cao sẽ mắc lại tình trạng này cao hơn so với những người chưa từng gặp các vấn đề về sản phụ khoa. Nguyên nhân có thể liên quan đến một số những yếu tố nguy cơ liên quan khó can thiệp và điều trị triệt để (các bệnh lý viêm nhiễm, sẹo mổ, tác dụng phụ của thuốc tránh thai,…).

Vô sinh

Thường gặp trong những trường hợp muộn, thai vỡ khiến cấu trúc của cơ quan sinh sản không được nguyên vẹn. Chưa kể, nếu sản phụ được phát hiện sớm và điều trị, vết sẹo để lại sau cuộc phẫu thuật cũng có thể ngăn cản quá trình phôi được thụ thai hoặc làm tổ.

4. Yếu tố nguy cơ dẫn đến thai ngoài tử cung 

Bạn nên lưu ý những yếu tố nguy cơ có khả năng dẫn đến việc thai làm tổ ngoài tử cung sau đây:

  • Tiền sử bệnh: từng mắc các bệnh liên quan như lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm phụ khoa,... trước khi mang thai, nhất là bệnh chlamydia trachomatis sinh dục, ảnh hưởng sâu vào trong cơ quan sinh sản và vùng chậu, đặc biệt có tác động đến vòi tử cung.

  • Khối u: mắc các khối u, polyp xuất hiện bên trong hoặc bên ngoài tử cung, gây chèn ép.

  • Dị tật cơ quan sinh sản: vòi tử cung có cấu tạo dị dạng bẩm sinh, co thắt bất thường.

  • Do các xơ dính, mô sẹo từ hậu quả của bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc các cuộc phẫu thuật được thực hiện trước đó.

  • Từng được thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ như kích thích rụng trứng bằng Gonadotropin, thụ tinh trong ống nghiệm, sử dụng dụng cụ tử cung,…

  • Các yếu tố nguy cơ khác: nghiện thuốc lá, đã được chẩn đoán vô sinh, mang thai muộn (trên 35 tuổi), đã từng nạo phá thai nhiều lần,...

Thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ thai phát triển ngoài tử cung

Thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ thai phát triển ngoài tử cung

5. Nên áp dụng những biện pháp nào để phòng bệnh 

Việc mang thai ngoài tử cung là một điều không mong muốn và khó chấp nhận, nhất là đối với những người phụ nữ chịu cảnh hiếm muộn. Để phòng ngừa cho cơ thể không mắc phải tình trạng này, bạn nên duy trì những lời khuyên như sau:

Giữ vệ sinh 

Chị em cần lựa chọn và sử dụng các loại dung dịch phù hợp để vệ sinh cơ thể thật tốt, nhất là trong những ngày hành kinh, sau khi giao hợp, trong những ngày nắng nóng hoặc sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn.

Phòng ngừa các yếu tố nguy cơ

Hạn chế việc nạo phá thai, duy trì lối sống chung thủy, sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn để tránh cho cơ thể khỏi mắc các bệnh về sinh dục, là yếu tố nguy cơ hàng đầu của thai ngoài tử cung.

Khám phụ khoa định kỳ hoặc ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm và can thiệp điều trị.

Nếu bạn có thai, hãy thực hiện việc thăm khám sớm ngay khi nhận thấy dấu hiệu chậm kinh, giúp kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các tai biến sớm của thai nghén, bao gồm chứng thai ngoài tử cung để có biện pháp can thiệp, giúp giảm tỷ lệ tử vong cho thai phụ cùng những biến chứng về sau.

Đối với những trường hợp từng mắc các bệnh sản phụ khoa khác, cần áp dụng nghiêm túc những lời dặn dò của bác sĩ và đi tái khám đúng hẹn, đồng thời duy trì việc thăm khám sức khỏe định kỳ.

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bạn phòng ngừa các rủi ro cùng những như biến chứng của bệnh

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bạn phòng ngừa các rủi ro cùng những như biến chứng của bệnh

Thai ngoài tử cung có sinh được hay không cần phải có các bác sĩ chuyên môn, có kinh nghiệm thăm khám cẩn thận, chẩn đoán và tiên lượng cho bạn. Hãy đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, là cơ sở y tế uy tín, chất lượng để được chăm sóc tận tình và chu đáo. Liên hệ 1900.56.56.56 để được tư vấn mọi thông tin chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.