Tin tức

Nội soi phế quản: Quy trình và các biến chứng có thể xảy ra

Ngày 14/02/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Nội soi phế quản là một kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán được đa dạng bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, nó còn được áp dụng như một biện pháp điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhất định. Cùng MEDLATEC tìm hiểu về kỹ thuật này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Nội soi là gì? Thế nào là nội soi phế quản?

- Nội soi (Endoscopy) là kỹ thuật y học hiện đại giúp quan sát được các bề mặt bên trong các cơ quan, bộ phận đề chẩn đoán và điều trị bệnh. Kỹ thuật nội soi được ứng dụng để quay phim, chụp hình các cơ quan bên trong, phẫu thuật nội soi, lấy dị vật,… 

- nội soi phế quản là kỹ thuật nội soi giúp quan sát được bên trong bề mặt phế quản và đường dẫn khí bằng việc đưa ống soi phế quản qua mũi, miệng hoặc đường mở khí quản. Ống soi phế quản có cấu tạo là một ống nhỏ có gắn camera và đèn ở đầu giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được bên trong đường dẫn khí. Ngày nay, kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm thường được sử dụng bởi vì tránh làm tổn thương đường hô hấp, được trang bị camera có chất lượng cao, màu sắc chân thực để dễ dàng đánh giá được tình trạng niêm mạc, đồng thời tiến hành trong thời gian ngắn (chỉ 5 - 10 phút) nên hạn chế gây khó chịu cho bệnh nhân.

Nội soi phế quản

Nội soi phế quản

2. Bạn nên thực hiện nội soi phế quản khi nào?

Bạn sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện nội soi phế quản khi nghi ngờ gặp phải các vấn đề về hô hấp, đường dẫn khí, phổi,… Trong một số trường hợp, kỹ thuật này được sử dụng trong điều trị, ứng phó với một số bệnh, có thể dùng để lấy dị vật đường hô hấp.

Mục đích của việc nội soi phế quản:

  • Chẩn đoán bệnh về đường hô hấp, bệnh về phổi (viêm phổi, viêm phế quản cấp, mạn tính, các khối u trong đường thở,…).

  • Chẩn đoán và xác định được mức độ của ung thư phổi, ung thư phế quản.

  • Lấy các dị vật có trong đường hô hấp (trường hợp bị sặc).

  • Phát hiện và tìm ra nguyên nhân của các chứng chảy máu đường thở, ho mạn tính, khó thở,…

  • Lấy mẫu xét nghiệm: mẫu đờm, mẫu mô đường thở.

  • Điều trị chứng hẹp đường hô hấp, điều trị các khối u có trong đường hô hấp.

  • Chữa ung thư đường hô hấp bằng phương pháp xạ trị bên trong.

3. Các kỹ thuật nội soi và quy trình nội soi

Phân loại:

  • Nội soi ống cứng: Thường được sử dụng để lấy các dị vật trong đường hô hấp. Nó cũng cho phép bảo vệ đường dẫn khí, kiểm soát dị vật nên thích hợp cho việc phục hồi đường thở khi hít phải dị vật. Trong trường hợp mất máu nhiều do xuất huyết đường thở, kỹ thuật nội soi ống cứng cho phép thực hiện đốt điện giúp kiểm soát chảy máu nhờ lòng ống rộng.

  • Nội soi ống mềm: Ống mềm dài, nhỏ, mềm hơn ống cứng, bác sĩ dễ dàng điều khiển các kênh vào từng tiểu thuỳ phổi. Hệ thống camera, màn hình, đèn, dây cáp,… giúp cho việc tiếp nhận và truyền tải hình ảnh tốt hơn. Nội soi ống mềm chỉ mất 5 - 10 phút và ít gây khó chịu cho bệnh nhân, được thực hiện dễ dàng và an toàn, vì thế được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh đường hô hấp.

Quy trình thực hiện:

  • Bước 1: 

- Chuẩn bị nơi nội soi: phòng mổ, phòng hồi sức cấp cứu, nơi có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ, nhân lực để có thể xử lý khi xảy ra các trường hợp cấp cứu về hô hấp.

- Chuẩn bị ống nội soi và hệ thống màn hình. Ống nội soi cần được kiểm tra chức năng và vô trùng trước khi tiến hành nội soi. 

Nội soi phế quản cần thực hiện ở nơi đầy đủ thiết bị và nhân lực

Nội soi phế quản cần thực hiện ở nơi đầy đủ thiết bị và nhân lực

  • Bước 2: Dùng atropin hoặc morphin để bệnh nhân an thần, giảm tiết dịch. Mục đích để bệnh nhân đỡ thấy đau, khó chịu, các dịch tiết từ miệng và đường hô hấp nhiều sẽ cản trở quan sát. 

  • Bước 3: Gây tê cục bộ màng nhầy của hầu thanh quản để tránh phản xạ ho khi gặp dị vật (bản thân ống nội soi chính là dị vật).

  • Bước 4: Đưa ống nội soi từ từ vào đường hô hấp trên, rồi tiếp tục đi xuống khí quản, phế quản. Nếu thấy dấu hiệu bất thường thì sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm tại đó bằng kim, bàn chải, kẹp. 

Đối với kỹ thuật nội soi ống cứng thì bệnh nhân cần được thực hiện dưới gây mê bởi vì ống soi cứng có tiết diện lớn, thiết bị gây mê được nối với ống soi và khí được lưu thông qua ống soi.

4. Các biến chứng và nguy cơ có thể xảy ra 

Nội soi phế quản là một thủ thuật khá an toàn đối với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải các nguy cơ về sử dụng thuốc và nguy cơ về thủ thuật, cụ thể như sau:

  • Co thắt đường dẫn khí gây khó thở, ngạt thở.

  • Hiện tượng dị ứng.

  • Loạn nhịp tim, rối loạn tuần hoàn.

  • Nội soi ống cứng có thể làm tổn thương đường hô hấp gây chảy máu, làm rách dây thanh dẫn đến khản tiếng.

  • Nội soi ống mềm có thể gây chảy máu do quá trình sinh thiết lấy mẫu.

  • Rất hiếm trường hợp gây tràn khí màng phổi, co thắt thanh quản.

  • Bệnh nhân có khối u đường hô hấp có thể gây khó thở, phù nề niêm mạc đường hô hấp.

  • Một số trường hợp gây viêm phổi.

Hình ảnh bệnh nhân bị viêm phổi trên phim chụp X - quang

Hình ảnh bệnh nhân bị viêm phổi trên phim chụp X - quang

Tuy nhiên, các biến chứng hầu như có thể được giải quyết trong điều kiện y tế đầy đủ, sử dụng thuốc để điều trị viêm phổi, đặt ống thông nội khí quản khi bệnh nhân khó thở, sử dụng thuốc an thần, thuốc trợ tim, cầm máu,…

5. Những điều nên làm sau khi thực hiện nội soi phế quản

Nếu bạn được sử dụng thuốc an thần, giảm đau thì thuốc sẽ còn tác dụng 1 thời gian sau khi nội soi, thường là 2 giờ.

Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn về kết quả nội soi, bao gồm những gì đã tìm thấy trong đường hô hấp của bạn, đưa ra nhận xét và hướng điều trị tốt nhất.

Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý sau khi thực hiện nội soi:

  • Chỉ nên ăn uống sau 2 giờ kể từ khi thực hiện nội soi phế quản. Sau khi nội soi, tác dụng của thuốc vẫn còn nên khi nuối bạn sẽ có cảm giác nghẹn. Do đó bạn chỉ nên ăn uống sau khi thuốc hết tác dụng, khi đó bạn nuốt sẽ không còn cảm giác nghẹn nữa. Bạn nên uống một ngụm nước trước khi chuẩn bị ăn.

  • Không nên lái xe trong vòng 8 giờ kể từ khi nội soi: cũng do tác dụng của thuốc an thần sẽ có thể ảnh hưởng đến việc điều khiển xe của bạn.

  • Không nên hút thuốc lá trong vòng 24 giờ: Sau khi nội soi, niêm mạc đường thở của bạn đang ở trạng thái kích thích, nếu tiếp xúc với khói thuốc lá là chất độc hại thì sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ quan hô hấp.

Không nên hút thuốc trong 24 giờ sau khi nội soi 

Không nên hút thuốc trong 24 giờ sau khi nội soi 

Nội soi phế quản là một kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh được sử dụng rộng rãi hiện nay. Qua bài viết này chúng tôi hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về kỹ thuật này. Nếu có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ với MEDLATEC chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn miễn phí.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.