Tin tức

Nồng độ acid uric trong máu tăng là do những nguyên nhân nào?

Ngày 23/04/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chúng ta đều biết rằng, tình trạng tăng acid uric trong máu có liên quan rất mật thiết với bệnh Gout. Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến nồng độ acid uric trong máu tăng cao, đặc biệt là thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây để hiểu hơn về vấn đề này. 

1. Nồng độ acid uric trong máu bao nhiêu là bị bệnh Gout?

Acid uric chính là sản phẩm được chuyển hóa từ các chất có nhân purin. Cụ thể, nguồn gốc tạo ra acid uric bao gồm: 

Nồng độ acid uric trong máu tăng cao có thể dẫn đến bệnh Gout

Nồng độ acid uric trong máu tăng cao có thể dẫn đến bệnh Gout

- Nguồn gốc ngoại sinh: Chính là những thực phẩm có chứa nhân purin chẳng hạn như hải sản, bia rượu, nội tạng động vật,….

- Nguồn gốc nội sinh: Chính là quá trình chuyển hóa acid nucleic, thường được diễn ra tại gan và niêm mạc ruột.

Thông thường, Acid uric sẽ được lọc qua thận, sau đó sẽ được đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu và mồ hôi. Nồng độ acid uric bình thường như sau: 

- Ở nam giới: Nồng độ acid uric nằm trong khoảng từ 210 đến 420 umol/L.

- Ở nữ giới: Nồng độ acid uric nằm trong khoảng từ 150  đến 350 umol/L.

Trong những trường hợp nồng độ acid uric trong máu tăng cao nhưng chưa gây ra những triệu chứng lâm sàng thì được gợi là tình trạng tăng acid uric máu và chưa được gọi là bệnh Gout. 

Nồng độ acid uric ở nam giới được cho là bình thường khi nằm trong khoảng từ 210 đến 420 umol/L

Nồng độ acid uric ở nam giới được cho là bình thường khi nằm trong khoảng từ 210 đến 420 umol/L

Những trường hợp nồng độ acid uric trong máu tăng cao trong thời gian dài gây ra tình trạng kết tinh tạo thành các tinh thể urat. Những tinh thể này lắng đọng lại ở các khớp và gây ra bệnh Gout cấp tính. Khi bị Gout cấp tính, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng như sau: Đau khớp dữ dội, nhất là vào ban đêm, quanh khớp có dấu hiệu bị viêm, sưng tấy và có cảm giác nóng, những cơn đau khớp cấp thường chỉ kéo dài trong khoảng vài ngày sau đó cơn đau giảm dần và bệnh nhân lại có thể sinh hoạt bình thường trở lại. 

2. Những nguyên nhân khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao

Ngoài bệnh Gout thì còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Bao gồm: 

- Nồng độ acid uric trong máu tăng do tình trạng tăng sản xuất acid uric:

+ Nhiều trường hợp tăng acid uric trong máu mà không thể tìm rõ nguyên nhân. Tình trạng này còn được gọi là tăng acid uric máu tiên phát. 

+ Những trường hợp có khối u phát triển nhanh cũng có nguy cơ làm tăng acid uric máu, có thể kể đến như các trường hợp mắc bệnh ung thư ở giai đoạn di căn, trường hợp mắc bệnh bạch cầu, u xơ đa bào,… Các trường hợp bệnh nhân ung thư có khối u kích thước lớn hoặc đang trong quá trình hóa trị tiêu diệt một lượng lớn tế bào ung thư trong khoảng một thời gian ngắn có thể giải phóng nội chất tế bào trong máu và làm tăng acid uric.

+ Các trường hợp thiếu máu do tan máu, chẳng hạn như bệnh sốt rét, thiếu  G6PD,… cũng có thể gặp phải tình trạng tăng acid uric trong máu. 

Tiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều purin gây tăng nồng độ acid uric trong máuTiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều purin gây tăng nồng độ acid uric trong máu

+ Do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa purin, nhất là nội tạng động vật, các loại thịt đỏ, các loại cá, hoặc có thói quen uống nhiều bia,…

+ Do béo phì, ít vận động thể chất. 

+ Do thường xuyên nhịn đói, ăn kiêng quá mức hoặc vận động nặng, tập thể dục quá sức. 

- Nồng độ acid uric trong máu tăng do giảm đào thải lượng acid uric qua thận: Thường gặp ở những trường hợp mắc bệnh suy thận, tổn thương các ống thận xa, người nghiện rượu, lạm dụng thuốc lợi tiểu, nhiễm toan,…

- Do di truyền: Yếu tố di truyền cũng được cho là một trong nguyên nhân dẫn đến tăng nồng độ acid uric tuy nhiên rất ít gặp. Trong cơ thể của chúng ta, tồn tại một loại protein quan trọng có tên là hypoxanthine phosphoribosyltransferase 1 giúp cơ thể đào thải acid uric. Nhưng một số người ngay từ khi sinh ra đã gặp phải tình trạng khiếm khuyết trong một gen có tác dụng tạo ra loại enzyme này. Từ đó, khiến dẫn tới hiện tượng tăng acid uric trong máu gây bệnh gout, bệnh thận và một số vấn đề sức khỏe khác. 

- Một số nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên, tình trạng tăng acid uric trong máu còn do một số nguyên nhân khác như nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật, chấn thương, ngộ độc chì, suy giáp,…

3. Những phương pháp điều trị tăng nồng độ acid uric trong máu

Với những trường hợp nồng độ acid uric trong máu tăng cao, việc cần thiết nhất là giảm bớt lượng purin vào cơ thể để hạn chế tình trạng tăng acid uric trong máu. Một số loại thực phẩm có chứa purin mà bạn nên hạn chế ăn ở thời điểm này là các loại hải sản, các loại thịt đỏ và nội tạng động vật,… Đồng thời hạn chế uống bia và uống các loại thực phẩm có gas. 

Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp uống nhiều nước để hạn chế sự kết tủa muối urat đồng thời giúp cơ thể tăng cường khả năng đào thải acid uric. Tốt nhất, nên uống khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày. 

Nếu cơ thể đang bị thừa cân, béo phì thì bạn nên giảm cân để giảm áp lực lên các khớp, tránh nguy cơ bị đau khớp do tăng acid uric. Lưu ý, cần giảm cân khoa học bằng chế độ ăn và tập luyện hợp lý, tuyệt đối không giảm cân bằng cách nhịn ăn.  

Ăn uống vận động hợp lý để giảm nồng độ acid uric trong máu

Ăn uống vận động hợp lý để giảm nồng độ acid uric trong máu

Duy trì lối sống khoa học chẳng hạn như vận động nhẹ nhàng mỗi ngày bằng các bài tập yoga, ngủ đủ giấc, không thức khuya, tránh áp lực, căng thẳng, bổ sung nhiều loại trái cây và rau xanh trong bữa ăn hàng ngày,… 

Trong trường hợp bạn đã áp dụng những phương pháp trên nhưng nồng độ acid uric vẫn tăng cao thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị. Những bệnh nhân ung thư đang trong quá trình điều trị bằng các phương pháp như hóa trị hay xạ trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt và phòng tránh nguy cơ suy thận cấp do tăng acid uric. 

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là đơn vị y tế uy tín, được người dân thủ đô và nhiều tỉnh thành lân cận tin tưởng lựa chọn. Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm. Trung tâm xét nghiệm của Bệnh viện đạt song hành 2 chứng chỉ về năng lực phòng xét nghiệm là ISO 15189:2012 và CAP. Điều này đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.

Nếu bạn có nhu cầu kiểm tra nồng độ acid uric trong máu, hãy liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.