Tin tức

Nước tiểu đục - dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý

Ngày 18/07/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Ở người bình thường, nước tiểu có màu trong suốt hoặc hơi ngả màu vàng nhạt, thể hiện tình trạng sức khỏe nói chung và hệ tiết niệu nói riêng hoạt động tốt. Nước tiểu có thể thay đổi màu sắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên nước tiểu đục là tình trạng bất thường mà bạn cần chú ý. Vậy nước tiểu đục do nguyên nhân gì và xử lý ra sao? 

1. Thành phần nào có thể khiến nước tiểu đục?

Nước tiểu đục có thể là màu trắng hoặc màu vàng, khi nhìn giống như nước vo gạo thay vì nước tiểu trong như bình thường.

Nước tiểu bình thường có màu trong suốt hoặc hơi ngả vàng

Nước tiểu bình thường có màu trong suốt hoặc hơi ngả vàng

Tính chất đục của nước tiểu có thể do 3 yếu tố sau tạo ra:

1.1. Do tiểu phosphate

Tiểu phosphate là hiện tượng phosphate bị lắng đọng nhiều trong nước tiểu, khiến nước tiểu có màu đục giống như nước vo gạo. Nếu để nước tiểu lắng đọng trong thời gian dài có thể thấy lắng cặn giống như cặn vôi.

Hiện tượng tiểu phosphate có thể thỉnh thoảng xảy ra do chế độ ăn uống bất thường, tuy nhiên nếu thường xuyên và kéo dài, đi kèm với thói quen uống ít nước thì nguy cơ hình thành sỏi thận là rất cao. Do vậy người bệnh cần sớm đi kiểm tra xác định nguyên nhân và cải thiện tình trạng này, tránh sỏi thận hình thành gây nguy hiểm.

1.2. Do tiểu mủ

Tình trạng nước tiểu đục có thể do mủ tiết ra từ viêm nhiễm niệu đạo, tiết niệu do sỏi thận, lao thận, thận ứ mủ, lậu, Chlamydia,... Khi đó, ngoài dấu hiệu tiểu mủ thì người bệnh thường gặp các dấu hiệu viêm nhiễm khác như sốt, đau vùng hông lưng, tiểu dắt, tiểu buốt,...

Nước tiểu đục có thể do chứa mủ viêm nhiễm

Nước tiểu đục có thể do chứa mủ viêm nhiễm

1.3. Do tiểu dưỡng chấp

Tính chất đục có trong nước tiểu có thể do dưỡng chấp bị rò từ hệ thống mạch bạch huyết vào đường tiết niệu, thậm chí có thể lắng cặn ở nước tiểu. Nguyên nhân gây tiểu dưỡng chấp thường do giun chỉ, đặc điểm là nước tiểu đục như sữa, có váng mỡ bất thường. Nếu lưu trữ nước tiểu này, dưỡng chấp có thể lắng đọng tạo thành mảng keo trên bề mặt giống như váng sữa.

Những thành phần bất thường trên xuất hiện trong nước tiểu sẽ gây đổi màu và tính chất của nước tiểu. Người bệnh cần chú ý theo dõi triệu chứng này, nếu thấy nước tiểu đục kéo dài, đặc biệt đi kèm với dấu hiệu sức khỏe bất thường khác thì nên sớm đi khám.

2. Cẩn thận nước tiểu đục là dấu hiệu bệnh lý

Những bệnh lý niệu đạo, âm đạo, tiết niệu,... sau đây có thể là nguyên nhân gây nước tiểu đục, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

2.1. Nhiễm khuẩn đường tiểu dưới

Đường tiếu dưới rất dễ bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập gây nhiễm trùng, đặc biệt là nữ giới đã có gia đình do đường niệu ngắn. Tình trạng nhiễm khuẩn này dẫn đến tiết dịch mủ vào đường niệu, hòa với nước tiểu làm đục màu nước tiểu. Người bệnh còn gặp các triệu chứng nhiễm trùng khác như: tiểu đau, cảm giác nóng rát khi đi tiểu, cơ thể mệt mỏi, sốt,...

Viêm nhiễm đường tiểu dưới có thể là nguyên nhân gây nước tiểu đục

Viêm nhiễm đường tiểu dưới có thể là nguyên nhân gây nước tiểu đục

2.2. Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận là bệnh nhiễm trùng hệ tiết niệu khá hiếm gặp nhưng nguy hiểm, đây thường là biến chứng của nhiễm trùng đường tiểu không được điều trị tốt. Triệu chứng ban đầu của nhiễm trùng thận khá giống nhiễm trùng đường tiểu thông thường nên rất khó phát hiện sớm.

Ở giai đoạn tiến triển, nhiễm trùng thận sẽ gây đổi màu, làm đục nước tiểu đi kèm với 1 số triệu chứng khác như:

  • Cơ thể mệt mỏi, buồn nôn và nôn ói.

  • Sốt cao, cảm giác ớn lạnh thường xuyên.

  • Đau vùng hông lưng, bẹn hoặc háng.

  • Nước tiểu sẫm màu, nước tiểu có kèm theo máu hoặc có mùi hôi khó chịu.

Nếu do nhiễm trùng thận, người bệnh cần sớm đi khám để được can thiệp y tế càng sớm càng tốt, nếu can thiệp muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng do biến chứng nhiễm khuẩn huyết, suy thận,...

2.3. Các bệnh lây qua đường tình dục

Các bệnh xã hội do vi khuẩn, nấm lây qua đường tình dục cũng là nguyên nhân bệnh lý phổ biến gây triệu chứng nước tiểu đục, điển hình là lậu và Chlamydia. Cơ thể nhận diện các tác nhân lạ này tấn công vào hệ tiết niệu, do đó sẽ sản xuất tế bào bạch cầu chống lại vi khuẩn nên chúng tồn tại trong nước tiểu. Khi lượng bạch cầu nhiều, bị chết đi do chống lại tác nhân gây bệnh có thể lắng trong nước tiểu gây đục màu.

Cẩn thận nước tiểu đục do bệnh lậu

Cẩn thận nước tiểu đục do bệnh lậu

Tùy từng bệnh lý mà người bệnh sẽ cùng gặp triệu chứng khác đi kèm với chứng nước tiểu đục như:

  • Tăng tiết dịch bất thường ở dương vật hoặc âm đạo.

  • Cảm giác ngứa ngáy, ngứa rát, khó chịu ở bộ phận sinh dục.

  • Cảm giác đau rát, khó chịu khi quan hệ tình dục.

  • Phát ban, nổi mụn nước, loét ở bộ phận sinh dục

Khi có các dấu hiệu này, cần làm xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cơ quan sinh dục để chẩn đoán chính xác bệnh xã hội và giai đoạn bệnh.

2.4. Sỏi thận

Sỏi thận có thể là nguyên nhân bệnh lý khiến nước tiểu bị đục, nguyên nhân gây bệnh là do sự kết tụ bất thường của các khoáng chất tại thận. Sỏi thận lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và nhiễm trùng, dịch mủ tiết ra cùng nước tiểu sẽ làm đục màu.

Triệu chứng điển hình để nhận biết sỏi thận là tình trạng đau dữ dội ở vùng hông lưng đi kèm với đau rát khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi, sốt, ớn lạnh thường xuyên.

2.5. Đái tháo đường

Đái tháo thường khiến trong nước tiểu của người bệnh có chứa lượng đường lớn, có thể làm đục màu nước tiểu. Người bệnh cần điều trị tốt bệnh cùng với kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể mới có thể cải thiện triệu chứng bệnh nói chung và tình trạng nước tiểu đục nói riêng.

Bệnh đái tháo đường khiến đường đọng nhiều trong nước tiểu

Bệnh đái tháo đường khiến đường đọng nhiều trong nước tiểu

Như vậy, nước tiểu đục có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bạn cần chú ý nếu tình trạng này kéo dài và đi kèm với dấu hiệu bất thường có thể do bệnh đường tiết niệu gây ra. Dù tình trạng nước tiểu đục thường không nguy hiểm song không nên chủ quan, nếu do bệnh lý tiết niệu không được điều trị sớm có thể khiến người bệnh gặp biến chứng nguy hiểm.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn điều trị từ chuyên gia.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.