Tin tức
Paget ở xương là bệnh gì? Có thể chữa được không?
- 01/12/2023 | Mọi vấn đề nên biết về tủy xương
- 12/11/2024 | Điều trị viêm tủy xương bằng những phương pháp nào?
- 13/11/2024 | Đa u tủy xương và những điều cần lưu ý
1. Khái niệm bệnh Paget ở xương
Bình thường ở một người khỏe mạnh, hệ xương khớp sẽ phát triển liên tục, trải qua quá trình phân hủy và rồi sau đó lại được tái tạo. Điều này sẽ được cơ thể “lập trình” để tái diễn lặp đi lặp lại, giúp củng cố sự chắc khỏe của cấu trúc xương.
Các tế bào xương mới sau khi hình thành sẽ dần thay thế các tế bào xương cũ. Nhưng ở những bệnh nhân mắc bệnh Paget xương thì chu trình này sẽ gặp trở ngại. Lúc đó tốc độ tạo ra những tế bào xương mới sẽ bị giảm dần, các vị trí xương trong cơ thể bắt đầu yếu đi và nguy cơ gãy cũng cao hơn.
Paget ở xương là một loại bệnh lý gây ra bởi tình trạng rối loạn cấu trúc xương
Bất kỳ vị trí xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh Paget ở xương, trong đó thường gặp nhất là xương cổ, xương cột sống, xương sọ, xương chậu hay xương chân. Đây đều là những cấu trúc xương quan trọng nên sẽ khiến bệnh nhân phải trải qua những triệu chứng khó chịu, đau đớn và khả năng vận động cũng bị hạn chế ít nhiều.
2. Bệnh Paget xương xuất phát từ nguyên nhân nào?
Hiện vẫn chưa thể xác định được rõ ràng nguyên nhân dẫn đến bệnh Paget ở xương. Nhưng theo các nhà khoa học thì tình trạng này là do hai yếu tố đó là yếu tố môi trường và di truyền kết hợp tạo nên. Có sự liên quan giữa các gen và cơ chế bệnh sinh trong trường hợp này.
Bên cạnh đó còn có một số yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh nhân có khả năng bị Paget ở xương đó là;
● Giới tính: nam giới có tỷ lệ mắc bệnh Paget ở xương cao hơn so với nữ giới.
● Tuổi tác: bệnh Paget ở xương xảy ra nhiều hơn ở những người ngoài 40 tuổi.
● Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình bạn có người thân mắc bệnh Paget ở xương thì nguy cơ bạn có thể mắc phải căn bệnh này cũng sẽ cao hơn bình thường.
● Chủng tộc: người dân châu Âu dễ bị bệnh Paget ở xương hơn so với người dân châu Á.
3. Bệnh Paget ở xương có những triệu chứng như thế nào?
Không chỉ xảy ra ở một vị trí nhất định trên cơ thể, bệnh Paget ở xương có thể lan rộng tới nhiều bộ phận xương khác nhau và dấu hiệu của bệnh phụ thuộc vào vùng xương bị ảnh hưởng. Cụ thể:
● Hộp sọ: nếu xương bên trong hộp sọ phát triển quá mức có thể khiến bệnh nhân thường xuyên bị đau đầu, dần dần dẫn tới tình trạng mất thính giác.
● Xương chậu: đau hông là biểu hiện thường thấy nhất ở những bệnh nhân bị Paget ở xương cùng chậu.
● Xương chân: xương chân có thể bị uốn cong do bị Paget. Người bệnh sẽ có triệu chứng là chân vòng kiềng, khi xương to ra, biến dạng sẽ càng làm tăng áp lực cho những vùng khớp lân cận. Theo thời gian khớp xương ở hông và đầu gối sẽ gặp phải tình trạng viêm.
● Cột sống: Paget ở xương không chỉ gây ảnh hưởng tới cột sống còn chèn ép cả vào rễ thần kinh, từ đó gây châm chích, râm ran, đau nhức và tê bì tay chân.
Paget ở xương hộp sọ có thể khiến người bệnh gặp triệu chứng đau nhức đầu
Nếu bạn bị đau xương khớp, biến dạng xương, yếu hay ngứa ran vùng cột sống thì hãy chủ động đi khám càng sớm càng tốt.
4. Bệnh Paget ở xương - điều trị bằng cách nào?
Nếu Paget ở xương chưa biểu hiện triệu chứng gì thì người bệnh sẽ tạm thời theo dõi tình trạng bệnh. Trong trường hợp bệnh đang ở thể tiến triển với chỉ số phosphatase kiềm trong máu tăng cao, có nguy cơ ảnh hưởng tới hộp sọ, cột sống thì sẽ cần phải có phương án điều trị thích hợp nhằm ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
2 phương pháp chính thường được chỉ định trong điều trị bệnh Paget ở xương đó là:
2.1. Dùng thuốc
Phương pháp điều trị chủ yếu trong những trường hợp bị bệnh Paget ở xương đó là dùng thuốc điều trị loãng xương - Biophosphonates. Thuốc có 2 dạng là thuốc đường tiêm và thuốc dùng theo dạng uống. Đa phần bệnh nhân sẽ dung nạp khá tốt các loại thuốc Biophosphonates đường uống nhưng thuốc lại có tác dụng phụ là có thể gây kích ứng cho đường tiêu hóa của bạn. Một số loại thuốc trị loãng xương điển hình:
● Axit Zoledronic (Reclast, Zometa).
● Alendronate (Fosamax).
● Risedronate (Actonel).
● Ibandronate (Boniva).
● Pamidronate (Aredia).
Có những trường hợp sau khi ngừng thuốc thì vẫn phải chịu một số triệu chứng của bệnh, đơn cử là phản ứng đau nhức cơ xương khớp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thuốc bisphosphonates còn có một tác dụng phụ đó là có thể làm phát sinh một số vấn đề hiếm gặp như hoại tử xương hàm.
Thuốc loãng xương là phương pháp chủ yếu được chỉ định khi điều trị bệnh Paget ở xương
Đối với những bệnh nhân bất dung nạp bisphosphonates thì có thể thay thế bằng calcitonin (Miacalcin). Loại hormone này được sinh ra tự nhiên, đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa xương cũng như điều hoà canxi. Bệnh nhân có thể dùng theo dạng xịt mũi hoặc tiêm. Cần lưu ý về một số tác dụng không mong muốn của calcitonin đó là buồn nôn, đỏ bừng mặt hay kích ứng ở vị trí tiêm.
2.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ là phương pháp được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp như bị viêm khớp nặng và cần phải thay phần khớp bị tổn thương, giúp thúc đẩy xương gãy mau lành hơn. Ngoài ra, phẫu thuật còn được áp dụng để căn chỉnh những phần xương đang bị biến dạng, giảm áp lực lên dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi Paget ở xương.
Có thể bạn chưa biết, bệnh Paget ở xương còn có khả năng kích thích sự sản sinh ra nhiều mạch máu mới ở vùng xương bị tổn thương. Điều này dẫn đến nguy cơ mất máu tăng cao khi thực hiện phẫu thuật. Do đó, để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra thì bệnh nhân sẽ được kê đơn một số loại thuốc có tác dụng kiểm soát sự tiến triển của bệnh, giảm thiểu lượng máu có thể bị mất khi thực hiện phẫu thuật.
Như vậy, những thông tin trong bài viết nêu trên đã giúp chúng ta hiểu thêm về căn bệnh Paget ở xương. Nếu được điều trị và kiểm soát tốt ngay từ sớm, bệnh có thể được chữa khỏi và không gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì tốt nhất là bạn nên đi khám ngay. Nếu chưa lựa chọn được địa chỉ thăm khám phù hợp thì bạn có thể liên hệ hotline 1900565656 để đăng ký khám tại Chuyên khoa Cơ xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC ngay hôm nay!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!