Tin tức
Phương pháp điều trị bạch cầu mạn dòng tủy
Key: bạch cầu mạn dòng tủy
Phương pháp điều trị bạch cầu mạn dòng tủy
Bạch cầu mạn dòng tủy rất hiếm gặp và có diễn biến chậm. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong. Vậy phải làm sao để nhận biết bệnh và điều trị bệnh bằng cách nào?
1. Bạch cầu mạn dòng tủy là bệnh gì?
Tủy xương có vai trò sản sinh ra các tế bào máu để thay thế những tế bào đã chết đi. Tuy nhiên, bệnh bạch cầu mạn dòng tủy xảy ra sẽ khiến cho quá trình khép kín này không diễn ra như bình thường mà sẽ bị xáo trộn. Tủy xương sản sinh ra quá nhiều bạch cầu, nhưng bạch cầu vẫn duy trì thực hiện những chức năng của nó. Đó chính là lý do bệnh diễn biến chậm hơn và không có nhiều triệu chứng như bệnh bạch cầu cấp tính.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra gen đột biến BCR-ABL
Bệnh có thể do nhiễm sắc thể số 9 và 22 bị đột biến chuyển đoạn và chúng không còn ở vị trí ban đầu mà hoán đổi vị trí cho nhau, hình thành nhiễm sắc thể đột biến, tạo ra gen BCR-ABL. Gen này phát triển thành những tế bào không bình thường khiến cho tế bào bạch cầu tăng sinh mất kiểm soát và không tự chết đi theo quy luật. Có thể nói rằng sự đột biến gen này chính là mầm mống gây ra bệnh bạch cầu mạn dòng tủy.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến đột biến gen này. Tuy nhiên, yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tạo ra gen BCR-ABL, có thể kể đến như tiếp xúc thường xuyên với hóa chất và tia xạ.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch cầu dòng tủy
Đây là căn bệnh mạn tính và phát triển chậm nên ở giai đoạn đầu, những bạch cầu bất thường vẫn hoàn thành được những nhiệm vụ của nó và người bệnh sẽ không xuất hiện những triệu chứng rõ ràng. Những trường hợp có biểu hiện bất thường thì sẽ chỉ cảm thấy hơi mệt và do lách gia tăng kích thước nên có thể xảy ra tình trạng đau vùng mạn sườn trái.
Bệnh có thể gây ra triệu chứng mệt mỏi
Đến giai đoạn phát triển, những tế bào bạch cầu sẽ dần suy giảm chức năng và người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng hơn, có thể kể đến như khó thở, sụt cân không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi về đêm, lách to, xanh xao, chịu nhiệt kém,... Khi ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện đặc trưng như da xanh xao, sốt, và xuất huyết,...
3. Chẩn đoán bệnh bạch cầu mạn dòng tủy
Ngoài những triệu chứng bệnh bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để có thêm căn cứ chẩn đoán bệnh, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sinh hóa máu.
- Chọc tủy xương làm tủy đồ, đánh giá gen đột biến BCR-ABL.
- Siêu âm ổ bụng, chụp X-quang ngực,...
Phương pháp đánh giá tủy xương rất quan trọng, phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao và cần được tiến hành tại những bệnh viện uy tín, chất lượng.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định thực hiện chẩn đoán phân biệt bạch cầu mạn tính thể tủy mới hay tăng bạch cầu phản ứng trong nhiễm khuẩn, do viêm nhiễm hay do bệnh ung thư. Sau khi có chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị với từng bệnh nhân cụ thể.
4. Phương pháp điều trị bạch cầu mạn dòng tủy
2 loại thuốc điều trị bệnh đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam đó là thuốc Glivec thế hệ thứ nhất và thuốc Tasigna thế hệ thứ 2. Tác dụng của những loại thuốc này là ức chế những sản phẩm tạo ra do den đột biến BCR-ABL, từ đó hạn chế nguy cơ hình thành những tế bào ung thư máu.
Người bệnh dùng thuốc để hạn chế hình thành những tế bào bạch cầu bất thường mới
Tuy nhiên, khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
● Giảm số lượng tế bào máu.
● Xuất huyết bất thường.
● Chuột rút.
● Mệt mỏi.
● Da khô và ngứa hoặc phát ban.
● Đau bụng và đau nhức xương khớp.
Nếu trong quá trình dùng thuốc, gặp phải những triệu chứng nêu trên thì cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời. Người bệnh có thể được điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc tạm ngừng dùng thuốc.
Sau một thời gian điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh để xem có tiếp tục điều trị bằng thuốc hay không. Trường hợp người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc, bệnh diễn tiến nặng hơn và người bệnh có đủ điều kiện tiến hành, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp hóa trị liệu, dị ghép tế bào gốc, thay thế tủy xương bị bệnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý tủy xương cần được ghép từ cha mẹ hoặc anh chị em ruột hoặc trường có tủy phù hợp và tình nguyện cho ghép tủy. Trong quá trình tiến hành ghép tủy, người bệnh có thể được điều trị song song với những loại thuốc hóa trị liệu cao để tiêu diệt triệt để những tế bào ung thư máu. Khi quá trình này được hoàn thành, bác sĩ sẽ ghép tế bào gốc từ người hiến tủy vào cơ thể bệnh nhân. Những tế bào mới và khỏe mạnh sẽ từ từ thay thế những tế bào bất thường và giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe.
Nên lựa chọn thăm khám, xét nghiệm tại địa chỉ y tế uy tín, có hệ thống máy móc hiện đại
Hi vọng rằng, bài viết nêu trên đã giúp bạn cập nhật những thông tin cơ bản về bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Nếu cảm nhận thấy những thay đổi bất thường trong cơ thể, xuất hiện những biểu hiện nghi ngờ bệnh, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm. Việc phát hiện bệnh sớm cũng như can thiệp các phương pháp điều trị tích cực sẽ làm tăng cơ hội điều trị hiệu quả, phòng tránh những nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người bệnh.
Nếu cần được tìm hiểu thêm về căn bệnh này hoặc các bệnh lý về máu hay cần kiểm tra một số vấn đề sức khỏe khác, mời quý khách hàng liên hệ đến tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn chi tiết cho bạn 24/7.
BS Chỉnh đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!