Tin tức
Phương pháp điều trị giảm bạch cầu hạt trung tính
- 22/12/2022 | Giảm bạch cầu có sao không, làm sao để chẩn đoán?
- 01/07/2023 | Giảm bạch cầu có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
- 01/07/2023 | Tìm hiểu nguyên nhân giảm bạch cầu trung tính
1.
Chức năng của bạch cầu hạt trung tính
Cùng với hồng cầu và tiểu cầu, bạch cầu chính là thành phần quan trọng góp mặt vào nhiều hoạt động bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Dựa trên đặc điểm hình dáng, có hay không có nhân mà bạch cầu được phân thành 3 loại chính sau đây:
Bạch cầu hạt:
Hay còn được gọi là bạch cầu đa nhân bao gồm nhiều hạt lớn tồn tại trong bào tương. Theo đó bạch cầu hạt lại chia thành 3 loại nhỏ khác đó là:
● Bạch cầu hạt trung tính (Neutrophil): nó được tủy xương tạo ra với số lượng đông đảo bậc nhất trong số các tế bào bạch cầu, với nhiệm vụ chính là tham gia tiêu diệt các loại vi khuẩn, nấm, virus ở trong cơ thể;
● Bạch cầu ái kiềm: thường gia tăng khi cơ thể phát sinh một phản ứng dị ứng nào đó;
● Bạch cầu ái toan: đảm nhận vai trò đáp ứng nhiễm trùng do một loại ký sinh trùng nào đó gây ra, đồng thời nó cũng tăng cao khi cơ thể xảy ra phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch.
Mô phỏng bạch cầu hạt trung tính
Bạch cầu không hạt:
Tên gọi khác là bạch cầu đơn nhân, trong bào tương của bạch cầu này không có hạt và chúng sẽ xuất hiện khi cơ thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng mạn tính.
Tế bào lympho:
● Tế bào lympho T: giúp nhận diện và loại bỏ những tác nhân dẫn đến nhiễm trùng. Khi được kích hoạt, các bạch cầu lympho T sẽ tấn công kháng nguyên của virus, vi khuẩn thông qua giải phóng một loại chất tên là lymphokin. Sau đó lymphokin sẽ báo động cho các bạch cầu hạt kéo tới để tiêu diệt kháng nguyên;
● Tế bào lympho B: nhiệm vụ của những tế bào này là giúp sản xuất ra các kháng thể để chống lại nhiễm trùng.
2. Tình trạng giảm bạch cầu hạt trung tính
Như đã đề cập trước đó, bạch cầu hạt trung tính chiếm một tỷ lệ rất lớn trong cơ thể với nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Đôi khi số lượng bạch cầu này có thể tăng giảm bất thường. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và đó đồng thời là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
Tình trạng giảm bạch cầu hạt trung tính xảy ra khi số lượng của nó thấp hơn 2000/μl. Hiện nay có 4 dạng bạch cầu hạt trung tính phổ biến đó là: dạng tự miễn, dạng bẩm sinh, dạng vô căn hoặc dạng mạn tính. Một số nguyên nhân chính gây giảm bạch cầu thường là:
Do giảm khả năng sản xuất bạch cầu:
● Xuất phát từ yếu tố gây cản trở hay làm gián đoạn quy trình sản xuất bạch cầu trong tủy xương. Vì vậy khi bị giảm bạch cầu cần phải xét đến các bệnh lý liên quan đến tủy xương để điều trị, ví dụ như bị thâm nhiễm tủy xương, loạn sản tủy, suy tủy, thiếu máu bất sản, bệnh bạch cầu,...;
● Chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu hụt chất dinh dưỡng đặc biệt là vitamin, khoáng chất (B12, folate) cũng có thể khiến người bệnh bị giảm bạch cầu;
● Trẻ bị giảm bạch cầu hạt trung tính bẩm sinh (Kostmann) ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất các loại tế bào máu;
● Mắc một số bệnh lý như thiếu máu bất sản, loạn sản tủy.
Tình trạng suy dinh dưỡng có thể khiến người bệnh bị giảm bạch cầu
Do bạch cầu bị phá hủy bởi các yếu tố ngoại vi:
● Bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus như sốt xuất huyết, viêm gan B, HIV, lao, các loại virus Cytomegalovirus, Epstein-Barr,... cũng gây ra triệu chứng giảm bạch cầu hạt trung tính;
● Cường lách: lách to sung huyết, hội chứng Felty, bệnh Gaucher,...;
● Do mắc bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống,...
● Do dùng các loại thuốc như: thuốc tâm thần, thuốc huyết áp, thuốc kháng sinh, thuốc động kinh,...
3. Các phương pháp điều trị giảm bạch cầu trung tính
Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của giảm bạch cầu sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhân chỉ bị giảm bạch cầu nhẹ thì có thể không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu giảm mạnh thì cân phải can thiệp ngay bằng những phương pháp sau:
● Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh nếu nguyên nhân gây giảm bạch cầu là do nhiễm trùng;
● Nếu giảm bạch cầu là do tác dụng của thuốc thì cần phải thay đổi loại thuốc điều trị;
● Kích thích dòng bạch cầu hạt: đây là phương pháp giúp hỗ trợ tủy xương sản xuất ra nhiều bạch cầu hơn, áp dụng được cho nhiều loại giảm bạch cầu hạt trung tính, bao gồm cả giảm bạch cầu bẩm sinh ở trẻ;
● Cấy ghép tế bào gốc trong những trường hợp bị giảm bạch cầu nặng vì mắc phải các bệnh về tủy xương;
● Truyền bạch cầu hạt.
Nếu nguyên nhân gây giảm bạch cầu là do nhiễm trùng thì sẽ điều trị bằng kháng sinh
Hy vọng rằng những thông tin do MEDLATEC chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm, chức năng quan trọng của tế bào bạch cầu hạt trung tính cũng như tình trạng suy giảm loại bạch cầu này.
Phương pháp hiệu quả nhất giúp kiểm tra và đánh giá chất lượng hoạt động của các loại bạch cầu nói riêng và các tế bào máu trong cơ thể nói chung đó là tiến hành xét nghiệm định kỳ. Nếu bệnh nhân gặp phải bất kỳ bệnh lý nào liên quan tới bạch cầu thì nhờ việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm những vấn đề này, nhờ đó áp dụng được các biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Nếu bạn đang có những triệu chứng cảnh báo nguy cơ mắc các bệnh về máu và còn băn khoăn trong việc lựa chọn địa chỉ thăm khám thì có thể liên hệ đặt lịch khám ngay cùng các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Để được tư vấn và hỗ trợ thêm, quý bạn đọc vui lòng liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900565656 ngay hôm nay!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!