Tin tức

Quả cọ: Thức quà dân dã khó quên từ miền rừng núi

Ngày 12/09/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung
Cây cọ chủ yếu có nhiều ở các tỉnh miền Trung và khu vực miền núi Bắc Bộ nước ta. Quả cọ được người dân nơi đây chế biến thành những món ăn rất riêng và biến món ăn ấy thành đặc trưng khó lẫn, lưu luyến người con xa quê. Nếu bạn chưa biết tới những món ăn mang hương vị núi rừng ấy, hãy theo dõi bài viết sau đây để có thêm thông tin về nền văn hóa ẩm thực giàu màu sắc này.

1. Một số đặc điểm của cây cọ và quả cọ

Cây cọ gai thuộc dạng thân cột, nhiều gai, màu xanh, chủ yếu sinh trưởng ở vùng đồi núi. Thân cây cọ cao trung bình 10 - 15m, nếu có điều kiện phát triển tốt có thể cao đến 20m. Loài cây này phân bố ở nhiều vùng của nước ta nhưng nhiều nhất là miền Trung và miền núi trung du phía Bắc. 

Quả cọ gồm cọ thường và cọ nếp, hình dáng bên ngoài giống nhau nhưng độ mềm dẻo của lớp thịt vàng bên trong lại khác nhau. Tháng 10 - 11 là thời điểm quả cọ chín rộ. 

Mỗi quả cọ chỉ to chừng bằng ngón tay, hình bầu dục. Vỏ quả cọ khi non có màu xanh đậm nhưng khi chín sẽ chuyển sang màu đen, căng bóng. Bên trong quả là lớp cùi dày màu vàng có mùi thơm đặc trưng. Cùi cọ nếp thường dẻo, khi ăn sẽ có cảm giác dính răng.

Cây cọ có hình dáng tương đối giống với cây dừa

Cây cọ có hình dáng tương đối giống với cây dừa

2. Giá trị dinh dưỡng của quả cọ

Có thể tìm thấy trong quả cọ rất nhiều thành phần dinh dưỡng có giá trị đối với cơ thể:

- Vitamin E: Trong quả có chứa Tocotrienol - chất thuộc nhóm vitamin E với hoạt tính sinh học cao hơn vitamin E thông thường gấp 60 lần. Nhờ vậy mà quả cọ rất tốt cho làn da và giúp cơ thể phòng ngừa tình trạng oxy hóa.

- Vitamin A: So với cà rốt thì hàm lượng tiền vitamin A trong quả cọ cao hơn 15 lần. Đây là thành phần rất tốt cho mắt.

- Axit Lauric và Capric: Có tác dụng kháng khuẩn.

- Chất chống oxy hóa: Axit Oleic, Phenolic, Squalene,… tốt cho sức khỏe làn da.

3. Các món ăn đặc trưng từ quả cọ và lưu ý khi sử dụng

3.1. Món ăn phổ biến từ quả cọ

- Cọ om

Quả cọ được rửa sạch, cho vào nước 80 độ, đảo nhẹ đến khi thấy có lớp dầu nổi trên mặt nước thì tắt bếp. Khi quả cọ đã được om chín sẽ có màu nâu sậm, bóp vào cảm thấy mềm, thịt vàng ươm. Có thể chấm cọ om với muối vừng hoặc nước mắm để tăng hương vị thơm ngậy. 

Cọ om - món ăn đặc sản được người dân vùng núi ưa chuộng

Cọ om - món ăn đặc sản được người dân vùng núi ưa chuộng

- Xôi cọ

Để có được món xôi cọ thơm ngon, bạn hãy đem quả cọ om bóc bỏ phần vỏ, lấy phần thịt vàng bên trong, trộn với gạo nếp, xóc thêm một chút muối nữa rồi cho vào chõ đồ trên lửa nhỏ. Hãy chờ đến khi thấy phần gạo nếp chuyển màu gạch cua do ngấm tinh dầu và cùi cọ, mùi thơm ngậy bốc lên là có thể tắt bếp. 

Lấy phần xôi cọ đã chín này trộn thêm chút hành củ đã được phi thêm vào để món ăn thêm hấp dẫn. Bạn có thể chấm xôi cọ với muối vừng để tăng thêm độ ngậy cho món ăn. Dùng lá dong gói xôi cọ sẽ giúp món ăn này giữ được hương thơm và độ nóng lâu hơn.

- Dưa cọ

Người dân miền núi Tây Bắc rất thích món dưa cọ trong ngày Tết. Vị chua, ngậy và bùi của cọ lên men cùng chút vị mặn của muối khiến cho món dưa cọ có hương vị rất riêng. 

Để muối dưa cọ, hãy cạo lớp vỏ bên ngoài cho hết vị chát rồi ngâm với nước ấm khoảng 30 phút sau đó xóc cùng muối hạt và cho vào chum, nén chặt, để yên trong vài ngày. Khi quả cọ chuyển sang màu vàng sẫm thì có thể đem ăn.

- Bánh dày cọ

Vẫn với phần thịt của món cọ om, bạn có thể dùng để làm bánh dày. Cách làm món này rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy phần thịt cọ nếp được om chín đem giã nhuyễn rồi trộn với bột nếp sau đó làm bánh dày như bình thường.

Ngoài những cách chế biến nêu trên, thịt của quả cọ om còn có thể dùng để kho thịt, kho cá vừa giúp món ăn bớt mùi tanh, bớt ngấy vừa có thêm hương vị ngọt bùi.

Phần thịt của quả cọ om có thể dùng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn

Phần thịt của quả cọ om có thể dùng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn

3.2. Món ăn khác từ cây cọ

Ngoài quả cọ, thân và lá cọ cũng có thể dùng để chế biến món ăn:

- Cọ non xào

Chọn phần thân non của cây cọ rồi bóc lấy lõi trắng mềm bên trong, thái thành từng lát mỏng, rửa sạch và xào cùng với rau mùi tàu giống như xào các loại rau khác.

- Cơm nắm lá cọ

Chọn lá cọ bánh tẻ đem rửa sạch rồi hơ trên lửa cho lá mềm. Dùng khăn sạch lau lá và cho cơm nóng vào, nắm thật chặt. Tốt nhất nên nấu cơm bằng loại gạo thơm, dẻo để món cơm nắm lá cọ thêm hấp dẫn. Bạn có thể chấm cơm nắm lá cọ với muối vừng lạc để món ăn thêm phần thơm, ngậy.

3.3. Sử dụng quả cọ nên lưu ý

- Lưu ý khi chế biến:

+ Đối với món cọ om, bạn cần canh nhiệt độ của nước chỉ trong khoảng 70 - 80 độ. Nếu thấp hơn nhiệt độ này sẽ rất khó làm chín quả và nước nóng quá thì dễ làm teo cọ, mất hết vị ngậy béo. 

+ Quả cọ luộc chín nhưng trong phần thịt có các đường chân chim màu đỏ hoặc nâu thì không nên ăn vì đây là quả bị sâu.

+ Chọn ăn quả cọ nếp, được thu hoạch từ cây cọ chưa từng bị chặt lá sẽ thơm ngon hơn. Quả cọ phát triển từ cây đã bị chặt lá thường chát đậm, hạt to, kích thước nhỏ, không có mùi vị đặc trưng.

- Lưu ý về sức khỏe:

+ Không nên ăn các món ăn từ quả cọ khi đang mang thai, bị đầy bụng hay khó tiêu.

+ Không nên dùng quá nhiều quả cọ vì có nguy cơ ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể như: gan, thận,... 

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn biết thêm về thức quả được người dân miền núi ưa chuộng. Hãy thử chế biến các món ăn khác nhau từ quả cọ và cho vị giác của mình có cơ hội trải nghiệm, biết đâu bạn cũng sẽ bị chinh phục bởi món ăn dân dã này.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.