Tin tức

Quả trám: thức quà dân dã làm giàu cho sức khỏe

Ngày 18/08/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung
Quả trám là loại trái cây dân dã đã được đưa vào ẩm thực và y học dân gian từ bao đời nay. Vậy thức quả này có giá trị gì đối với sức khỏe và nên sử dụng như thế nào để khai thác tối đa công dụng? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua chia sẻ dưới đây.

1. Một số đặc điểm của quả trám

Cây trám được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang,... và Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, trám còn được trồng ở một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Quả trám có hai loại chính: trám đen và trám trắng.

- Trám đen: màu đen hoặc tím đậm khi chín, vị ngọt bùi. Loại trám này thường được dùng để nấu chè, làm mứt, ngâm rượu.

- Trám trắng: màu xanh nhạt khi còn non và xanh nhưng chuyển sang màu vàng nhạt khi chín, vị chua và hơi đắng. Trám trắng thường được dùng trong các món ăn mặn như canh, gỏi.

Quả trám đen và trám trắng

Quả trám đen và trám trắng

2. Giá trị sức khỏe quả trám mang lại

Quả trám từ lâu đã được y học dân gian xem là một vị thuốc quý không chỉ bởi hương vị độc đáo mà còn nhờ vào những giá trị sức khỏe mà nó mang lại:

2.1. Trị ho và viêm họng

Trong quả trám có chứa nhiều chất có tác dụng làm dịu, giảm cảm giác đau rát và khó chịu ở cổ họng. Người ta thường sử dụng quả trám tươi, ngâm muối hoặc phơi khô để ngậm hoặc sắc nước uống. 

Cách sử dụng quả trám trị ho và viêm họng khá đơn giản là dùng 5 - 7 quả trám, rửa sạch, đun sôi lấy nước uống trong ngày. Nước sắc từ quả trám giúp giảm ho, làm loãng đờm và cải thiện tình trạng viêm họng, đặc biệt hiệu quả đối với những người bị viêm họng mãn tính.

2.2. Giảm đầy hơi, khó tiêu

Quả trám còn được biết đến với khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu. Chất chua nhẹ trong quả trám kích thích dịch vị, tăng cường chức năng tiêu hóa. Dân gian thường ăn trực tiếp hoặc dùng nước ép từ quả trám, uống sau bữa ăn để giảm cảm giác khó chịu khi bụng bị đầy hơi.

2.3. Giải độc, thanh nhiệt

Vào những ngày hè nóng bức, uống nước ép từ quả trám hoặc ăn quả trám sẽ giúp giải nhiệt, làm mát cơ thể, ngăn ngừa các triệu chứng sốt, cảm nóng. Ngoài ra, quả trám còn được sử dụng trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị ngộ độc thực phẩm mức độ nhẹ giải độc và thanh nhiệt trong mùa hè.

Ăn quả trám có thể giải nhiệt, giảm đầy hơi

Ăn quả trám có thể giải nhiệt, giảm đầy hơi

2.4. Chống lão hóa

Nhờ thành phần chống oxy hóa nên quả trám có thể bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Cũng vì thế mà việc sử dụng quả trám có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa, giữ gìn sự tươi trẻ và khỏe mạnh cho làn da. Các chất chống oxy hóa trong quả trám cũng góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch và ung thư.

2.5. Hỗ trợ điều trị bệnh gan

Quả trám cũng được dân gian dùng trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Nước sắc từ quả trám giúp gan hoạt động hiệu quả hơn trong việc thải độc và chuyển hóa chất dinh dưỡng. Đặc biệt, quả trám được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm gan và gan nhiễm mỡ. 

2.6. Hỗ trợ giảm cân

Hàm lượng calo thấp và giàu chất xơ khiến cho quả trám trở thành thực phẩm lý tưởng cho những ai đang muốn giảm cân. Chất xơ trong quả trám không chỉ giúp duy trì cảm giác no lâu, mà còn hỗ trợ quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón - một vấn đề thường gặp ở những người ăn kiêng. Bên cạnh đó, quả trám còn giúp điều chỉnh mức độ đường huyết, hạn chế tình trạng tăng cân do đường huyết tăng cao.

2.7. Tăng cường sức khỏe tim mạch

Các chất chống oxy hóa trong quả trám giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol LDL - nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch và các vấn đề tim mạch khác. Thêm vào đó, quả trám còn giúp hạ huyết áp và cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

2.8. Tăng cường sức đề kháng

Quả trám giàu vitamin C - thành phần quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Việc bổ sung quả trám vào chế độ ăn uống hàng ngày giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là cảm lạnh và cúm. 

2.9. Lợi sữa

Nhiều người còn truyền miệng rằng quả trám có tác dụng lợi sữa cho phụ nữ sau sinh. Các bà mẹ có thể sử dụng quả trám nấu cháo hoặc làm nước uống hàng ngày để tăng lượng sữa. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng với liều lượng vừa phải để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

2.10. Hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp

Quả trám còn được sử dụng trong y học dân gian để hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp như viêm khớp, đau nhức xương khớp. Thành phần có trong quả trám có thể tăng độ linh hoạt cho khớp bằng cách giảm đau, giảm viêm trong các bệnh lý về khớp. Người bệnh có thể sử dụng quả trám trong chế độ ăn uống hoặc dưới dạng bài thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị và làm giảm triệu chứng của bệnh.

Trám kho - món ăn dân giã yêu thích của nhiều người

Trám kho - món ăn dân giã yêu thích của nhiều người

3. Một vài lưu ý khi dùng quả trám

Mặc dù quả trám có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng khi sử dụng cần lưu ý một số điểm sau:

- Quả trám có tính mát, nếu ăn quá nhiều có thể gây lạnh bụng, đau dạ dày, đặc biệt là ở những người có cơ địa nhạy cảm. Vì vậy, cần ăn với liều lượng vừa phải, tránh lạm dụng.

- Mặc dù có thể dùng quả trám trị ho và viêm họng, nhưng tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cần lựa chọn bài thuốc, nguyên liệu kết hợp sao cho phù hợp.

- Trám tươi nên được rửa sạch, ngâm nước muối trước khi chế biến để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.

Quả trám không chỉ là một loại trái cây dân dã mà còn là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Với những lợi ích sức khỏe và giá trị dinh dưỡng mà thức quả này mang lại, nếu yêu thích hương vị của quả trám, bạn có thể tìm hiểu để bổ sung đúng cách vào chế độ ăn uống thường ngày cho bản thân và gia đình. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.