Tin tức
Quả khế: Vị thuốc chữa bệnh, món ăn giàu dinh dưỡng cho gia đình
- 19/08/2024 | Quả trám: thức quà dân dã làm giàu cho sức khỏe
- 23/08/2024 | Tác dụng phụ của quả măng cụt và những lưu ý khi tiêu thụ
- 26/08/2024 | Quả bồ hòn có thể chữa bệnh không?
1. Khái quát đặc điểm quả khế
Tên Hán ngữ của cây khế là ngũ lăng tử, ngũ liễm tử. Thầy thuốc người Ả Rập mang tên Averroes đã phát hiện ra cây khế là dược liệu quý vào thế kỷ thứ 12 và từ đó tên khoa học của loài cây này cũng mang tên ông .
Quả khế đặc trưng bởi hình dáng tạo múi 5 cánh như hình ngôi sao. Quả khế sẽ chuyển dần sang màu vàng khi chín. Có 2 loại·khế: khế chua và khế ngọt, khế chua thường có kích thước nhỏ hơn.
Cả phần vỏ và thịt của quả khế đều có thể ăn được. Đặc biệt, quả khế vị chua nhẹ thường được dùng kết hợp với các loại thực phẩm khác để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Quả khế có 5 múi, khi cắt lát ngang sẽ tạo thành hình ngôi sao
2. Thành phần dinh dưỡng có trong quả khế
Trong thành phần của quả khế chứa: chất xơ 3g, chất đạm 1g và các loại khoáng chất, vitamin đáp ứng nhu cầu khẩu phần ăn hàng ngày của cơ thể theo RDI:
- 52% vitamin C.
- 4% vitamin B5.
- 3% folate.
- 6% đồng.
- 3% kali.
- 2% magie.
3. Công dụng và bài thuốc chữa bệnh từ quả khế
3.1. Công dụng của quả khế đối với sức khỏe
Quả khế là nguồn thực phẩm giàu hợp chất thực vật lành mạnh như: axit gallic, epicatechin, quercetin. Đây đều là hợp chất có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh. Nghiên cứu được thực hiện trên chuột cho thấy đây là các hợp chất tự nhiên có thể giảm nguy cơ tăng cholesterol và gan nhiễm mỡ. Lượng đường từ quả khế cũng có thể giảm viêm trên động vật.
Theo ông Averroes - người phát hiện ra những tác dụng chữa bệnh của cây khế thì các bộ phận của loài cây này có thể chữa ho, viêm họng, viêm tuyến nước bọt, đổ mồ hôi, ngứa, đau khớp, phù thũng, bải hoải mệt mỏi,...
Y học cổ truyền cho rằng quả khế có tính bình, vị chua ngọt, khi chín có tính ôn giúp giải khát, sinh tân dịch, trị phong nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Các bộ phận khác của cây khế cũng có thể dùng như thảo dược chữa bệnh, nhất là lá khế trị ngứa da rất tốt.
Uống nước ép khế vừa giúp giải nhiệt vừa có thể chữa ho
3.2. Bài thuốc chữa bệnh từ quả khế
- Chữa dị ứng tiếp xúc
Rửa sạch quả khế sau đó thái miếng nhỏ rồi vò nát và xát lên vùng da bị tổn thương.
- Sát trùng vết thương lở loét
Lấy lượng quả khế vừa đủ đem nấu lấy nước rửa vết thương.
- Chữa nước ăn chân
Nướng chín quả khế rồi áp trực tiếp lên vùng da bị nước ăn chân.
- Chữa bí tiểu
Lấy 1/3 phía gần cuống của 7 quả khế chua đem nấu cùng 600ml nước đến khi còn lại khoảng 300ml nước thì chắt uống khi nước còn ấm. Bài thuốc này được kết hợp với bài thuốc giã nhuyễn 1 củ tỏi và 1 quả khế rồi đắp lên rốn để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Hạ sốt, chữa cảm cúm
Nướng 3 quả khế cho chín rồi cho vào chiếc túi vải, vắt lấy phần nước cốt, pha thêm 50ml rượu để uống.
- Thanh nhiệt giải độc cho bệnh nhân ung thư điều trị hóa trị, xạ trị
Rửa sạch quả khế rồi gói vào túi vải sạch, vắt lấy phần nước cốt sau đó thêm đường vào, nấu cho sôi thì cho thêm một ít lát táo tây, nho, múi cam, chuối thái lát vào, tiếp tục nấu sôi cho hỗn hợp chín và sánh lại thì múc ra ăn.
- Sơ cứu cho người bị ngộ độc mã tiền
Rửa sạch quả khế sau đó đem ép lấy phần nước để uống từ từ chút một. Nên uống thật nhiều nước ép khế để tăng công dụng giải độc. Ngộ độc mã tiền có thể gây tử vong do co giật nên sau bước sơ cứu này cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
- Chữa đau họng, ho
Ép nước 1 - 2 quả khế tươi, không bị sâu hay bị dập nát để uống trong vòng 3 - 5 ngày.
- Thanh lọc phổi, chữa xương khớp
Lấy lượng đường phèn vừa đủ theo tỷ lệ 2kg khế: 200g đường, thêm nước vào rồi nấu sôi cho đường tan. Rửa sạch khế, chẻ dọc rồi cho vào lọ thủy tinh sạch, lần lượt 1 lớp khế 1 lượt nước đường, cuối cùng cho thêm vài lát gừng rải lên trên.
4. Một số tác hại của quả khế cần lưu ý
Người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn khế
Hàm lượng oxalat trong quả khế tương đối lớn nên có thể gây ra tác dụng phụ như co giật, lú lẫn,... Đặc biệt thận trọng khi sử dụng cho người mắc bệnh thận để tránh làm tổn thương ở thận thêm nghiêm trọng. Trước khi dùng khế để chữa bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng đúng cách.
Người đang trong quá trình dùng thuốc chữa bệnh cũng cần thận trọng với quả khế. Loại quả này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình dùng và phân hủy thuốc. Do đó, nên thông báo với bác sĩ về loại thuốc đang dùng khi sử dụng khế để có sự điều chỉnh.
5. Cách sử dụng quả khế
- Ăn tươi
Quả khế có thể ăn tươi, chỉ cần rửa sạch và cắt thành từng lát. Khế chua có thể chấm cùng đường hoặc chút muối để làm dịu vị, khế ngọt có thể ăn trực tiếp.
- Ép nước
Nước ép khế là một thức uống giải khát tuyệt vời, đặc biệt là vào ngày nắng nóng. Chỉ cần ép quả khế và thêm vào một ít đường hoặc mật ong để tăng thêm vị ngọt là được.
- Chế biến món ăn
Khế có thể được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau: canh chua, gỏi, xào,... Hương vị chua nhẹ của khế giúp tăng thêm sự phong phú cho món ăn.
- Làm mứt
Khế cũng có thể được chế biến thành mứt, một món ăn vặt ngon miệng và bảo quản được lâu. Mứt khế có vị chua ngọt, thích hợp để ăn kèm với bánh mì hoặc dùng trong các món tráng miệng.
Quả khế là một nguồn dinh dưỡng dồi dào, một vị thuốc lành với sức khỏe. Biết cách sử dụng thức quả này, bạn sẽ khai thác tối đa được lợi ích từ quả khế để đưa vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh của gia đình mình.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng liên hệ đặt lịch qua tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!