Tin tức
Quy trình khám phụ khoa và những lưu ý chị em nên biết
- 01/03/2024 | Các bệnh phụ khoa thường gặp: triệu chứng nhận diện
- 31/08/2024 | Có nên dùng thuốc đặt phụ khoa cho bà bầu 3 tháng đầu không?
- 13/09/2024 | Nữ giới cần biết: khám phụ khoa là khám những gì
1. Khám phụ khoa là gì?
Khám phụ khoa là một trong những danh mục khám sức khỏe chỉ dành riêng cho nữ giới. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra cơ quan sinh dục dưới (âm đạo, âm hộ, tầng sinh môn, cổ tử cung) và cơ quan sinh dục trên (tử cung, buồng trứng). Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm nội tiết tố,… khi cần thiết.
Có thể nói khám phụ khoa là rất quan trọng với chị em phụ nữ, giúp phát hiện tình trạng viêm nhiễm phụ khoa ở giai đoạn sớm nhất để điều trị tích cực. Bởi viêm nhiễm phụ khoa thường phát triển “âm thầm” nên nhiều chị em chủ quan không đi thăm khám. Đến khi bệnh diễn tiến nặng, trở thành mạn tính hoặc phát triển thành ung thư thì đã muộn, không chỉ điều trị khó khăn, tốn kém mà còn tiềm ẩn các nguy cơ, biến chứng cho sức khỏe sinh sản.
Khám phụ khoa mang ý nghĩa quan trọng với chị em phụ nữ
2. Khi nào cần khám phụ khoa?
Tất cả chị em trong độ tuổi sinh sản cần khám phụ khoa mỗi năm 2 lần, đồng thời, nên khám trước khi kết hôn và trước khi có ý định mang thai. Ngoài ra, nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu dưới đây thì không nên trì hoãn việc thăm khám.
- Vùng kín sưng, ngứa, khó chịu.
- Âm đạo tăng tiết dịch và dịch lợn cợn, có mùi hôi, màu xanh hoặc vàng.
- Chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh, đặc biệt là chảy máu sau quan hệ.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Đau ở bụng dưới và thắt lưng.
- Đau khi tiểu tiện.
- Giảm ham muốn.
- Khó thụ thai.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân và phát hiện tình trạng viêm nhiễm hay bệnh lý mà bạn đang gặp phải. Từ đó tư vấn phương pháp điều trị cũng như hướng dẫn chăm sóc, vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng tránh biến chứng.
Nên khám phụ khoa định kỳ và khám ngay khi có bất thường ở vùng kín
3. Quy trình khám phụ khoa
Quy trình khám phụ khoa bao gồm các bước sau.
Khai thác tiền sử bệnh
Bạn sẽ được bác sĩ hỏi thăm về tiền sử bản thân và gia đình, tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như độc thân hay đã kết hôn, sinh con hay chưa, sinh con bằng phương pháp nào, hiện tại có mấy bé, chu kỳ kinh nguyệt ra sao, đang áp dụng biện pháp tránh thai gì, đã từng phẫu thuật ở cơ quan sinh sản chưa,…
Kiểm tra và khám ngoài
Ở bước khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra tầng sinh môn, âm hộ, âm vật,... để phát hiện bất thường về cấu trúc, hình thái, tổn thương, viêm nhiễm.
Kiểm tra và khám trong
Nếu bạn đã quan hệ tình dục thì sẽ được khám trong âm đạo. Lúc này, bác sĩ dùng dụng cụ có tên mỏ vịt (đã được khử trùng và bôi trơn) để mở rộng âm đạo và quan sát sâu bên trong. Đồng thời, tiến hành lấy một ít dịch trong âm đạo để đem đi xét nghiệm. Bước khám này có thể khiến bạn cảm thấy hơi đau và khó chịu một chút.
Bác sĩ khám trong âm đạo bằng dụng cụ chuyên dụng đã được khử trùng, bôi trơn
Siêu âm
Bao gồm siêu âm đầu dò nếu bạn đã quan hệ tình dục và siêu âm ổ bụng nếu bạn chưa quan hệ tình dục. Mục đích của siêu âm là kiểm tra tình trạng tử cung và buồng trứng, phát hiện và đánh giá các yếu tố nguy cơ. Trường hợp siêu âm có phát hiện tổn thương bất thường như u buồng trứng,.. bác sĩ có thể chỉ định bạn cần chụp MRI hoặc cắt lớp vi tính để khảo sát thêm.
Xét nghiệm
Bao gồm các xét nghiệm sau: xét nghiệm dịch âm đạo kiểm tra các tác nhân gây viêm nhiễm, xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu,…
Đọc và tư vấn kết quả
Bạn sẽ được bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe phụ khoa hiện tại cũng như bệnh lý đang gặp phải nếu có. Với những xét nghiệm chưa có kết quả thì bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám cụ thể cho bạn. Trường hợp kết quả bất thường, bác sĩ sẽ có hướng dẫn chi tiết về phác đồ điều trị.
4. Lưu ý quan trọng khi khám phụ khoa
Thời điểm khám phụ khoa tốt nhất là sau khi sạch kinh được 3 - 5 ngày. Và nếu có thể được, bạn nên đi khám vào buổi sáng để vừa thuận tiện cho việc xét nghiệm, vừa đảm bảo khám xong trong ngày. Ngoài ra, trước khi đi khám cần tránh:
- Quan hệ tình dục: Theo các bác sĩ sản phụ khoa thì trước khi kiểm tra sức khỏe phụ khoa, bạn nên kiêng quan hệ tình dục trong 2 - 3 ngày.
- Thụt rửa âm đạo: Tương tự, bạn không được thụt rửa hay đặt thuốc âm đạo trước khi đi khám vì thuốc và dịch thụt rửa có thể làm thay đổi môi trường âm đạo tạm thời và sai lệch kết quả xét nghiệm.
- Dùng chất kích thích: Thuốc lá, bia rượu, caffeine và chất kích thích làm rối loạn nội tiết tố, tăng tiết dịch âm đạo, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển. Tất cả điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xét nghiệm.
- Uống thuốc: Bạn cần thông báo với bác sĩ một số loại thuốc bạn đang sử dụng để xem có liên quan, ảnh hưởng gì đến quá trình khám và điều trị không.
Trước khám 2 - 3 ngày nên kiêng quan hệ tình dục
Bên cạnh đó, bạn có thể sẽ phải nhịn ăn sáng khi làm các xét nghiệm, hoặc đối với siêu âm ổ bụng bạn cần nhịn tiểu trước khi siêu âm. Và sau khi khám xong thì có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Trên đây là quy trình khám phụ khoa chi tiết. Nếu bạn đang có nhu cầu thăm khám, hãy đến Hệ thống Y tế MEDLATEC để các bác sĩ kiểm tra. Quý khách có thể chủ động đặt lịch trước qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!