Tin tức
Rối loạn lo âu bệnh tật có thể gây ra những tác hại gì?
Rối loạn lo âu bệnh tật có thể gây ra những tác hại gì?
Trong cuộc sống hiện nay, có không ít người luôn trong trạng thái nghi ngờ bản thân bị mắc bệnh nhưng khi đi khám bác sĩ lại không phát hiện ra bệnh gì. Đây có thể là hiện tượng rối loạn lo âu bệnh tật. Cùng MEDLATEC tìm hiểu về sâu hơn về vấn đề này nhé.
1. Như thế nào là rối loạn lo âu bệnh tật?
Rối loạn lo âu bệnh tật thường liên quan tới việc người bệnh sợ hãi việc bị mắc một căn bệnh nào đó, có thể được gọi với tên khoa học là hypochondria. Đối tượng dễ mắc bệnh thường là người quá quan tâm tới sức khỏe bản thân, dễ bị ám ảnh hoặc hoảng sợ nếu cơ thể xuất hiện một số dấu hiệu bất thường như: đau nhức ở một số vị trí, cồn cào,...
Dù là nhẹ song những người này thường cho rằng đó là dấu hiệu của một căn bệnh rất nghiêm trọng. Và bởi thế, họ có thể đi khám ở nhiều nơi khác nhau, cho dù bác sĩ khẳng định không bị bệnh hoặc bệnh rất nhẹ nhưng họ lại cho rằng do bác sĩ chưa tìm ra.
Sức khỏe rất quan trọng nhưng lo lắng, ám ảnh quá mức lại gây nhiều tác hại
Sau đó, họ có thể tiếp tục đi tìm rất nhiều bác sĩ khác nữa để khám bệnh. Họ sẽ rất hoảng loạn và lo sợ nếu biết được một người nào đó mắc bệnh hoặc tìm hiểu được những tin tức về sức khỏe với các dấu hiệu, triệu chứng như mình đang mắc phải.
Lại có một số trường hợp không dám đi khám, né tránh việc kiểm tra sức khỏe vì họ lo sợ rằng kết quả sẽ phát hiện ra rằng mình mắc phải một bệnh nan y nào đó.
2. Nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng rối loạn lo âu bệnh tật
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể, song theo các chuyên gia, một số yếu tố sau có thể dẫn tới nguy cơ này, cụ thể là:
● Niềm tin: Người bệnh từng trải qua giai đoạn có những cảm giác thiếu thoải mái và không chắc chắn khi cơ thể bắt đầu biểu hiện những triệu chứng bất thường. Sau đó, người bệnh cho rằng những cảm giác bất thường này chính là biểu hiện bệnh tật và tìm cách để chứng minh mình mắc bệnh.
● Gia đình: Nếu cha mẹ quá lo lắng về sức khỏe, bệnh tật của con cái, khi lớn lên, con có nguy cơ mắc chứng rối loạn này.
● Các trải nghiệm từng gặp trong quá khứ: Nếu trong quá khứ, bạn từng mắc phải một, một số căn bệnh nghiêm trọng, có thể sau này, bạn vẫn bị ám ảnh và nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn có xu hướng nghĩ rằng mình bị bệnh.
Áp lực từ đời sống, công việc dễ dẫn tới mệt mỏi, ám ảnh bệnh tật
Rối loạn lo âu bệnh tật thường xuất hiện vào thời điểm con người bước vào tuổi trưởng thành và càng về già, càng có xu hướng nặng nề hơn, không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Đặc biệt, các trường hợp sau có nguy cơ cao hơn:
● Từng bị căng thẳng, stress trong cuộc sống.
● Từng bị nhầm tưởng rằng bị bệnh.
● Khi còn bé, từng bị lạm dụng, từng mắc bệnh nghiêm trọng hoặc cha mẹ bị mắc những bệnh nặng.
● Người hay lo lắng quá nhiều về mọi việc.
● Thường xuyên đọc những bài viết về bệnh tật.
3. Các dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật
Một số dấu hiệu, triệu chứng sau đây có thể là biểu hiện của bệnh:
● Nếu gặp một số dấu hiệu như mệt mỏi, mẩn ngứa, đau bụng,... liền liên tưởng tới các bệnh nghiêm trọng khác như u não, ung thư và càng đọc các tài liệu trên mạng lại càng lo lắng.
● Quá nhạy cảm với các vấn đề sức khỏe.
● Không tin tưởng vào bác sĩ, khi không khám ra bệnh nặng thì cho rằng bác sĩ khám không chính xác.
● Luôn nghĩ tới các nguy cơ bị bệnh nặng.
● Thường tìm kiếm trên Internet về những bệnh nguy hiểm.
● Tránh tiếp xúc với những môi trường, hoạt động hoặc những đối tượng mà bạn cho rằng dễ gây nên bệnh.
Không chỉ gây lo lắng, mệt mỏi, rối loạn lo âu về bệnh tật còn gây tốn kém tài chính
4. Rối loạn lo âu bệnh tật có thể dẫn tới những hệ lụy nào? Khắc phục ra sao?
Đối với những người mắc phải hiện tượng này, ảnh hưởng đầu tiên mà họ có thể gặp phải đó là luôn ở trong tình trạng căng thẳng, lo lắng quá độ về sức khỏe của bản thân. Điều này vô tình khiến cho cơ thể thêm mệt mỏi và khi sự mệt mỏi gia tăng, họ càng tin rằng mình bị bệnh.
Khi lo lắng, căng thẳng, họ có thể gây ra sự bất hòa trong gia đình, đối với những người xung quanh. Đồng thời, giảm năng suất lao động, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là mất khả năng làm việc. Tài chính của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn cho thực hiện thăm khám quá nhiều.
Với những hệ lụy, ảnh hưởng mà bệnh gây ra như đã nói ở trên, khi gặp phải hiện tượng này hoặc nghi ngờ bản thân, những người thân bị mắc, bạn nên tới gặp bác sĩ để được trợ giúp, khắc phục.
Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ xem có đúng bạn đang bị bệnh hay không. Nếu bạn không bị bệnh mà đang tự huyễn hoặc mình, bác sĩ sẽ có thể giới thiệu, hướng dẫn bạn tới gặp các chuyên gia tâm lý để được trợ giúp.
Cùng với đó, nên tự tập cho mình một lối sống tích cực, vui vẻ hơn bằng cách:
● Liệt kê, ghi lại hoặc tâm sự với người mà bạn tin tưởng về những lo lắng của bản thân để được chia sẻ và giúp đỡ.
● Tích cực tham gia các hoạt động bên ngoài như: vui chơi, mua sắm, tập thể dục, chơi thể thao, tham gia các khóa thiền hoặc yoga, đọc sách,...
Nếu người thân của bạn bị mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật, bạn nên thông cảm và thấu hiểu, tránh gây căng thẳng, bực bội. Đồng thời, khuyến khích người thân tới gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để có biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.
Có thể nói, sức khỏe luôn là vốn quý của con người, lo lắng, bảo vệ cho sức khỏe là điều cần thiết nhưng lo lắng thái quá có thể dẫn tới nhiều nguy cơ, thậm chí tác động xấu tới sức khỏe của bản thân.
Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định mức độ tình trạng gặp phải
Nếu gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe, điều cần thiết phải làm là tới gặp bác sĩ để được thăm khám điều trị kịp thời. Bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để mang lại sự yên tâm và tin tưởng cho bản thân mình.
Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ tin cậy mà bạn có thể lựa chọn để chăm sóc sức khỏe toàn diện. Hãy gọi tới Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn sức khỏe và nghe hướng dẫn đặt lịch khám nhanh nhất.
Bs Chỉnh đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!