Tin tức

Rối loạn mạch máu tai - Tổng quan thông tin cần biết

Ngày 06/03/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Rối loạn mạch máu tai là là một trong những hiện tượng khá nguy hiểm, có thể gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống người mắc bệnh. Đặc biệt, hiện nay, bệnh đang có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến hơn tại nước ta.

1. Cấu tạo và vai trò cơ bản của tai đối với cơ thể con người

Đối với cơ thể người, khi nói đến tai, thường chúng ta hay nghĩ tới khả năng nghe, cảm nhận âm thanh. Tuy nhiên, tai còn có một chức năng quan trọng không kém nữa, đó là giữ cho cơ thể được thăng bằng. Bởi thế, bộ phận này còn được gọi với tên cơ quan tiền đình ốc tai.

Cùng với thu truyền âm thanh, tai còn giúp giữ thăng bằng

Cùng với thu truyền âm thanh, tai còn giúp giữ thăng bằng

Tai được cấu tạo với 3 phần:

  • Từ ngoài tới màng nhĩ (gọi là tai ngoài): gồm có loa tai, ống tai ngoài. Chúng sẽ đảm nhận chức năng thu nhận và dẫn truyền âm thanh từ bên ngoài tới màng nhĩ.

  • Từ phía trong màng nhĩ tới thành xương ngoài tai trong (gọi là tai giữa): có vai trò như khoang chứa khí trong thái dương, có thể truyền âm thanh tới với tai trong nhờ các xương con.

  • Phần cuối cùng, ở sâu nhất, có tên là tai trong: ốc tai, hệ thống ống bán khuyên, tiền đình thuộc phần này. Không chỉ giữ cho cơ thể luôn trong trạng thái thăng bằng mà chúng còn giúp các xung động âm thanh chuyển thành xung động thần kinh.

Những bất thường ở tai do vậy không chỉ ảnh hưởng tới khả năng nghe, cảm nhận và cảm thụ âm thanh của cơ thể mà còn có thể ảnh hưởng tới việc giữ thăng bằng và một số hoạt động khác nữa.

2. Rối loạn mạch máu tai là gì?

Trong cơ thể của con người có một hệ thống mạch máu chằng chịt, đi tới các cơ quan với mục đích cung cấp oxy, năng lượng cũng như các chất lỏng khác. Điều này giúp cho chúng ta có thể duy trì hoạt động sống một cách bình thường. Đối với tai cũng vậy, tai cũng cần có các mạch máu để có thể thực hiện các chức năng vốn có đối với cơ thể.

 Mặc dù vậy, do một số lý do nhất định, việc lưu chuyển của các mạch máu trong tai không được thực hiện như bình thường, có thể là tắc nghẽn hoặc thiếu máu, khiến cho lưu lượng máu không được duy trì với mức cần thiết và ổn định trong tai.

Hiện tượng này được gọi là rối loạn mạch máu tai hoặc rối loạn tai trong hay một tên khác nữa là rối loạn vận mạch tai trong.

Mạch máu tai rối loạn gây nhiều mệt mỏi

Mạch máu tai rối loạn gây nhiều mệt mỏi

3. Triệu chứng khi bị rối loạn mạch máu tai

Bệnh có thể gây ra những triệu chứng không chỉ biểu hiện ở tai mà có thể trên nhiều vùng khác của cơ thể, điển hình như:

  • Ù tai: Đây là hiện tượng khá thường thấy, phổ biến nhất là ở một bên tai bị bệnh. Ù tai là cảm giác trong tai luôn xuất hiện âm thanh nhưng không xác định, không rõ ràng, có thể như tiếng ồn, có thể là tiếng kêu của côn trùng hoặc máy bay,...

  • Thính lực bị suy giảm: Việc tắc nghẽn các mạch máu tai có thể khiến cho tế bào lông trong tai không được đảm bảo các điều kiện để hoạt động như bình thường. Điều này khiến cho âm thanh không được truyền hoặc truyền kém tới não, kéo theo khả năng nghe suy giảm. Khi kéo dài, có thể gây điếc.

  • Chóng mặt: Khi rối loạn mạch máu tai, cũng có thể gây ra ảnh hưởng tới chức năng giữ thăng bằng. Vì thế, người bệnh hay gặp cơn chóng mặt, có thể thường xuyên hoặc ngắt quãng, cũng có thể còn kéo theo tình trạng buồn nôn, nôn, đi không vững hoặc tiêu chảy, vã mồ hôi.

Khi bệnh mới ở giai đoạn đầu, các hiện tượng này có thể diễn ra với cường độ nhẹ và mức độ không thường xuyên. Tuy nhiên, nếu không để ý, quan tâm, để bệnh kéo dài, các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống của người bệnh.

Không chỉ khiến cho khả năng nghe suy giảm, qua thời gian, có thể gây điếc hoàn toàn. Cùng với đó, khi mạch máu không thể lưu thông bình thường và chuyển vào trong tai, có thể khiến cho động mạch bị xơ cứng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

4. Những nguyên nhân có thể dẫn tới rối loạn mạch máu tai

Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới, cụ thể là:

  • Hậu quả của việc mắc phải các bệnh khác nhau có liên quan tới máu, chẳng hạn như: bệnh về bạch cầu, đa hồng cầu, bệnh truyền nhiễm có liên quan tới mạch máu, viêm tắc mạch máu,...

  • Người từng bị mắc chứng rối loạn tự miễn hoặc có tiền sử của bệnh Meniere, người bị cao huyết áp, đái tháo đường,...

  • Một số trường hợp không phổ biến ở những người bị giang mai cũng có nguy cơ mắc bệnh.

  • Các yếu tố thuộc dị ứng, chấn thương ở bộ phận này, chẳng hạn: bị dị vật rơi vào tai, viêm, nhiễm trùng tai, chấn thương tai, dây thần kinh thính giác bị viêm hoặc tắc mạch máu,...

Ngoài chấn thương, các bệnh về máu cũng có thể là nguyên nhân

Ngoài chấn thương, các bệnh về máu cũng có thể là nguyên nhân

5. Có thể phòng ngừa rối loạn mạch máu tai như thế nào?

Đối với việc phòng bệnh và kể cả những người đã mắc bệnh, bên cạnh tuân thủ chỉ định về dùng thuốc hoặc phẫu thuật của bác sĩ, nên thực hiện các khuyến cáo sau:

Về thói quen trong sinh hoạt hàng ngày

  • Tránh tới các môi trường có nhiều tiếng ồn, khi đeo tai nghe, không bật âm lượng quá lớn.

  • Việc dùng bông ngoáy tai nên được thực hiện cẩn trọng, tránh đưa vào quá sâu, có thể khiến viêm nhiễm.

  • Với những môi trường chứa nhiều bụi bẩn, khi tiếp xúc, cần sử dụng mũ che hoặc nút bịt tai.

  • Một số chuyên gia cho rằng nhạc cổ điển có tiết tấu nhẹ nhàng, được nghe với âm lượng vừa phải có thể mang tới khả năng xoa dịu, kích thích hoạt động của các dây thần kinh thính giác.

  • Chú trọng việc kiểm soát huyết áp đối với người cao huyết áp, chữa trị bệnh đái tháo đường để giảm nguy cơ bệnh.

  • Sắp xếp công việc để có thời gian nghỉ ngơi phù hợp, duy trì tập rèn luyện sức khỏe bằng hoạt động thể dục thể thao.

Âm thanh cường độ lớn gây nhiều nguy hiểm cho tai

Âm thanh cường độ lớn gây nhiều nguy hiểm cho tai

Về chế độ ăn uống

Thực hiện ăn uống lành mạnh, đồng nghĩa với việc:

  • Hạn chế chất kích thích tới thần kinh, chẳng hạn rượu, bia, cà phê,... không sử dụng thuốc lá.

  • Các loại thực phẩm sau đây nên được hạn chế: nhiều muối, nhiều đường, đồ đóng gói, chế biến sẵn,...

  • Các loại nên được tăng cường, bổ sung thêm gồm: thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc chứa thành phần đường bột tự nhiên, chẳng hạn rau, củ, quả, ngũ cốc, bánh mì,...

Cùng với đó, quan tâm tới sức khỏe bằng cách thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc không chủ quan đối với bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào là điều cần được chú trọng.

Hy vọng với những nội dung trên, quý khách đã có thêm một số thông tin liên quan tới rối loạn mạch máu tai. Để được giải đáp hoặc tư vấn thêm, vui lòng gọi tới số 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.