Tin tức
Sinh thiết hạch - chẩn đoán chính xác các bệnh lý nguy hiểm
- 18/10/2021 | Trẻ bị nổi hạch sau gáy và những điều cha mẹ cần biết
- 26/11/2021 | Bị nổi hạch ở cổ - những vấn đề cần ghi nhớ ngay
- 15/09/2021 | Nổi hạch 2 bên hàm là triệu chứng của bệnh lý gì?
Hạch lympho hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh
1. Hệ bạch huyết có vai trò như thế nào đối với cơ thể
Hạch bạch huyết hay còn được gọi là hạch lympho, có hình thái bầu dục dẹp, các hạch này phân bố rải rác ở khắp nơi trên cơ thể theo các mạch bạch huyết. Chúng có ở dưới hàm, cổ, nách, bẹn, hạch mang tai,… và còn có các hạch nằm sâu bên trong cơ thể như hạch màng treo ruột,…
Hạch lympho có vai trò quan trọng với các hoạt động miễn dịch của cơ thể. Chúng là nơi tập hợp phần lớn các tế bào bạch cầu lympho T, B và các tế bào khác. Hệ thống hạch sẽ được kích hoạt khi cơ thể bị yếu tố lạ bên ngoài cơ thể xâm nhập vào.
Khi phải hoạt động để chống lại những tác nhân này hạch sẽ sưng to, từ đó bác sĩ sẽ thông qua vị trí hạch sưng mà kiểm tra, chẩn đoán và xác định nguyên nhân. Đó có thể xuất phát từ các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, tạo máu, bệnh liên quan đến liên võng nội mạc, thậm chí là ung thư. Hạch khi sưng cũng sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau như có thể đau hay không đau, to bằng hạt đậu hay bằng hạt bắp, có khả năng to bằng quả trứng gà hoặc to hơn nữa.
Như vậy, có thể coi hạch bạch huyết là một hàng rào miễn dịch của cơ thể. Đây cũng là nơi bị tấn công hàng đầu khi có mầm bệnh xâm nhập vào. Biểu hiện hạch khác nhau tương ứng cho các mức độ bệnh khác nhau, từ những bệnh thông thường như viêm họng, viêm amidan cho đến ung thư. Đặc biệt ở những bệnh nhân ung thư, việc lấy mẫu sinh thiết hạch giúp bác sĩ xác định chính xác được bệnh đang ở giai đoạn nào.
Hạch lympho nằm rải rác khắp nơi trong cơ thể
2. Như thế nào là sinh thiết hạch
Sinh thiết hạch bạch huyết hay được gọi ngắn là sinh thiết hạch, đây là thủ thuật xâm lấn để thu lấy mẫu bệnh phẩm tại vị trí hạch nghi ngờ. Hệ thống hạch gồm nhiều cơ quan nhỏ với khoảng từ 500 đến 600 hạch khác nhau, giúp cơ thể nhận biết và chống lại sự nhiễm trùng. Như đã nói, các hạch này có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên cơ thể bằng mắt thường khi chứng sưng lên như ở cổ, bẹn, nách, dưới hàm.
Sinh thiết nói chung và sinh thiết hạch bạch huyết nói riêng là để xác định tình trạng bệnh lý, mức độ của bệnh đang có trong cơ thể. Kết quả của sinh thiết giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, từ đó đưa ra các phương pháp xét nghiệm cần thiết khác và chuẩn bị phương án điều trị.
Sinh thiết hạch lympho sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện khi gặp phải một trong số các trường hợp dưới đây:
-
Hạch có phản ứng quá mẫn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
-
Các bệnh lý hạch ác tính như Lymphoma, bạch cầu cấp,…
-
Hạch di căn ung thư.
-
Lao hạch.
-
Sưng hạch cũng có thể gặp trong một số bệnh ký sinh trùng như giun chỉ, Trypanosoma,…
Hạch sưng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại các tác nhân có hại
3. Quy trình thực hiện sinh thiết
Trước khi thực hiện một thủ thuật nào đó, đặc biệt là sinh thiết thì bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ những việc cần làm để hỗ trợ cho quá trình diễn ra suôn sẻ, an toàn. Dưới đây sẽ là các bước thực hiện:
Trước khi sinh thiết
Trước khi bước vào sinh thiết hạch, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm thông thường như: siêu âm, CT scan, đông máu, các bệnh truyền nhiễm, điện tiêm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc nếu có, cuối cùng là bệnh nhân ký giấy chấp nhận thực hiện thủ thuật.
Đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn dừng sử dụng một số loại thuốc như: Dabigatran, Warfarin, Tinzaparin, Aspirin,… trong một khoảng thời gian ngắn trước khi tiến hành sinh thiết. Đặc biệt, bạn nên đề cập đến việc cơ thể bị dị ứng với thành phần nào đó của thuốc, để bác sĩ có thể đưa ra quyết định thay thế thuốc nếu cần sử dụng trong quá trình làm thủ thuật. Bạn có thể ăn uống bình thường trước khi thực hiện sinh thiết.
Tiến hành sinh thiết
Thời gian thực hiện khá nhanh trong khoảng 20 phút, bạn sẽ được bác sĩ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm tại phòng thủ thuật. Trước đó vị trí hạch cần lấy mẫu đã được xác định thông qua siêu âm.
Trước khi tiến hành đưa kim sinh thiết thì khu vực da xung quanh hạch sẽ được vệ sinh sát trùng sạch sẽ và cạo lông nếu cần. Tiếp đó bạn sẽ được bác sĩ tiêm thuốc gây tê cục bộ tại khu vực cần lấy mẫu. Sau đó bác sĩ sẽ dùng kim sinh thiết chuyên dụng xuyên qua da vào hạch lấy mẫu bệnh phẩm hay dùng dao mổ thực hiện tiểu phẫu để lấy toàn bộ hạch. Cuối cùng dùng gạc vô trùng để che vết thương.
Mẫu sẽ được đem đi phân tích và mất khoảng từ 3 đến 5 ngày để có kết quả. Bệnh nhân sau khi thực hiện sinh thiết có thể sinh hoạt, làm việc, hoạt động thể thao bình thường.
Sau khi tiến hành sinh thiết
Sau khi đã hoàn thành thủ thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy tê tại nơi thực hiện do thuốc tê vẫn còn tác dụng. Sau khi phai thuốc sẽ có thể xuất hiện cảm giác đau. Nếu mức độ đau vượt qua ngưỡng chịu đựng thì người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau. Ngoài ra bạn cần giữ vệ sinh và sát trùng thường xuyên tại vị trí lấy mẫu để tránh bị bội nhiễm.
Kết quả sinh thiết sẽ có trong khoảng từ 3 đến 4 ngày sau khi tiến hành
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cũng đã và đang thực hiện sinh thiết hạch nhằm giúp hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh, từ những dạng nhiễm trùng nhẹ đến ung thư. Nếu bạn cần được tư vấn thêm về thủ thuật này hoặc các thông tin sức khỏe khác, có thể gọi đến số Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!