Tin tức

Sốt siêu vi có lây được không? Cần làm gì khi trẻ bị sốt siêu vi?

Ngày 11/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Sốt siêu vi là cụm từ được dùng để chỉ chung các trường hợp bệnh nhân bị sốt khi nhiễm các loại virus khác nhau. Đa số tình trạng này không gây nguy hiểm cho người bệnh và có thể tự khỏi sau khi mắc vài ngày. Tuy nhiên, cũng có khi bệnh tiến triển nhanh nếu không điều trị sớm có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh, nhất là đối tượng trẻ em. 

1. Khái niệm sốt siêu vi

Sốt siêu vi (hay sốt virus) khởi phát khi cơ thể chúng ta bị nhiễm các loại virus gây bệnh. Bệnh có tính chất cấp tính và hay xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu, bao gồm cả người lớn và trẻ em.

Khác với vi khuẩn, virus có kích thước nhỏ và cấu trúc đơn giản hơn rất nhiều. Nó không có khả năng tồn tại lâu bên ngoài môi trường nên cần phải xâm nhập vào vật chủ (có thể là động vật hoặc con người thông qua đường hô hấp, tiếp xúc với các dịch tiết, chất thải của người bệnh hoặc do muỗi đốt hay côn trùng cắn), để sinh sản, phát triển và gây bệnh.

Virus gây sốt siêu vi có rất nhiều loại, nổi bật nhất là Coronavirus, Adenovirus, Rhinovirus, virus cúm, Enterovirus,... Tùy vào loại virus mà chúng có thể gây nên thể bệnh khác nhau, nhưng cũng có những loại tuy khác nhau lại có biểu hiện bệnh tương đồng nhau.

Virus là tác nhân chính gây bệnh sốt siêu vi

Virus là tác nhân chính gây bệnh sốt siêu vi

Khi thời tiết thay đổi đột ngột vào những lúc giao mùa sẽ là thời điểm lý tưởng để sốt siêu vi hoành hành. Thông thường bệnh sẽ kéo dài trong khoảng từ 7 - 10 ngày, có thể thuyên giảm nhanh chóng và tự khỏi nếu bệnh nhân được điều trị tích cực. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chủ quan trước sốt siêu vi vì nếu không được điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến rất nhanh và nguy cơ cao gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng.

2. Khả năng lây truyền của sốt siêu vi 

Do tác nhân gây bệnh là các loại virus nên sốt siêu vi có thể lây từ người bệnh sang người lành. Vì thế, nếu người lớn bị sốt siêu vi thì không nên tiếp xúc trực tiếp với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh vì các bé thường có hệ miễn dịch yếu. Trong trường hợp trẻ bị sốt siêu vi, các bậc phụ huynh nên cho bé nghỉ học, tránh nơi đông người để không lây bệnh cho người khác.

Sốt siêu vi lây lan trực tiếp từ người này sang người khác thông qua 2 con đường chính là đường tiêu hóa và đường hô hấp, thông qua các hoạt động thường ngày như ăn uống, giao tiếp, ho, hắt hơi, sổ mũi, tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, nước bọt từ người bệnh nhân. Do đó sốt siêu vi rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch.

Bên cạnh đó, virus cũng có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua việc gián tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh trên các vật dụng nơi công cộng như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, nhà vệ sinh,...

Ngoài ra, sốt siêu vi còn lây được qua đường máu thông qua hoạt động truyền máu, tiêm chích, muỗi đốt, côn trùng và động vật cắn, từ mẹ truyền sang con hoặc khi quan hệ tình dục.

3. Các biểu hiện khi trẻ bị sốt siêu vi

Các triệu chứng điển hình khi trẻ bị sốt siêu vi:

  • Sốt theo mức độ từ nhẹ tới cao, có thể lên tới 39 - 40 độ C. Sốt theo từng cơn hoặc liên tục kéo dài;

  • Cơ thể chán ăn, mệt mỏi;

  • Hắt hơi, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi;

  • Trẻ nhỏ quấy khóc, bỏ bú;

  • Trẻ lớn hơn thường đau đầu, đau sau gáy và 2 bên thái dương.

Bên cạnh các dấu hiệu điển hình trên, trẻ có thể có những biểu hiện khác nhau tùy vào loại virus mà trẻ bị nhiễm:

  • Đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy;

  • Chảy nước mắt, mắt có ghèn, mắt đỏ và nhạy cảm với ánh sáng;

  • Nổi ban sau khi hạ sốt trong giai đoạn hồi phục;

  • Có trường hợp trẻ chảy máu mũi, xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng,...

Sốt siêu vi sẽ khiến trẻ bị sốt kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác

Sốt siêu vi sẽ khiến trẻ bị sốt kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác

Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng ở trẻ và nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau cần đưa đi viện ngay:

  • Sốt cao liên tục 2 ngày không giảm, chân tay lạnh, người run rẩy;

  • Bụng đau và nôn nhiều;

  • Lơ mơ, ngủ nhiều, ngủ li bì khó đánh thức;

  • Phát ban toàn thân;

  • Có biểu hiện thở mệt, tím tái;

  • Đi ngoài thấy phân màu đen hoặc có lẫn máu;

  • Trẻ hay bị hoảng hốt, giật mình.

4. Chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi đúng cách tại nhà 

Do sốt siêu vi có thể do các chủng virus khác nhau gây ra nên việc tìm hiểu cụ thể nguyên nhân gây bệnh là vô cùng khó khăn và không cần thiết bởi việc điều trị hầu như là tương tự. Chủ yếu là giúp bệnh nhân điều trị giảm triệu chứng, tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng và phòng ngừa các biến chứng.

Để theo dõi cũng như chăm sóc trẻ khi bị sốt siêu vi tại nhà, các bậc phụ huynh cần:

  • Kiểm tra thường xuyên nhiệt độ cơ thể bé. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C thì dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ;

  • Trẻ cần được nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, yên tĩnh. Quần áo dễ chịu, thấm mồ hôi. Cha mẹ nên lau người cho trẻ bằng khăn ấm đã vắt ráo nước, đặc biệt tại vùng nách và bẹn;

  • Cho trẻ uống nhiều nước và bù điện giải trong ngày vì khi sốt trẻ rất dễ bị mất nước;

  • Trẻ nên được ăn các loại thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hoá, dễ nuốt như cháo hoặc súp. Chia thành nhiều bữa nhỏ cho trẻ ăn trong ngày;

  • Bổ sung vitamin C từ các loại nước ép hoa quả giúp trẻ tăng cường sức đề kháng;

  • Không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị khi trẻ bị sốt siêu vi vì loại thuốc này chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn.

Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ khi trẻ bị sốt siêu vi và cần đưa bé tới viện ngay nếu có những biểu hiện nghiêm trọng

Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ khi trẻ bị sốt siêu vi và cần đưa bé tới viện ngay nếu có những biểu hiện nghiêm trọng

Cha mẹ phải theo dõi sát sao các biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ, nếu có các biểu hiện bất thường như đã nêu ở trên, hãy đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng.

5. Phòng ngừa sốt siêu vi sao cho hiệu quả

Các biện pháp sau đây sẽ giúp chúng ta giảm thiểu được nguy cơ bị sốt siêu vi:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để củng cố hệ miễn dịch cho cơ thể;

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên rèn luyện thói quen không cho đồ chơi vào miệng cho trẻ em;

  • Nhà cửa luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát để các tác nhân gây bệnh không có cơ hội hình thành và phát triển;

  • Tiêm phòng đầy đủ;

  • Khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi thì nên dùng tay hoặc khăn giấy che miệng lại để không văng các giọt bắn có khả năng chứa virus ra ngoài không khí. Sau khi che xong hãy sát khuẩn tay bằng xà phòng;

  • Không tới chỗ nơi đông người khi dịch bệnh đang lưu hành, không tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.

Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể bị mắc sốt siêu vi. Để tiện cho việc theo dõi bệnh tại nhà, bạn và người thân hãy sử dụng dịch vụ thăm khám trực tuyến với bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trên ứng dụng MedOn của chúng tôi, hoặc nếu muốn thăm khám trực tiếp, bạn có thể đặt lịch khám thông qua tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể hơn!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.