Tin tức
Suy giảm tuần hoàn máu - 7 dấu hiệu nhận biết điển hình
- 25/04/2022 | Dấu hiệu nhận biết cơn thiếu máu não thoáng qua điển hình nhất
- 18/04/2022 | Nguyên nhân dẫn đến chảy máu chân răng và cách khắc phục
- 18/04/2022 | Những điều cần biết về hội chứng tan máu bẩm sinh
1. Suy giảm tuần hoàn máu là gì?
Máu là dịch lỏng gồm nhiều thành phần, thành phần chính là hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy và CO2, bạch cầu có vai trò miễn dịch, tiểu cầu có vai trò đông máu và huyết tương. Huyết tương lại gồm nhiều thành phần như: protein, nước, yếu tố đông máu, hormone, chất điện giải,... Mỗi thành phần của máu đều có vai trò riêng, thiếu hụt bất cứ thành phần nào cũng gây ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe.
Suy giảm tuần hoàn máu là bệnh rối loạn lưu thông máu
Máu được vận chuyển liên tục đến các tế bào ở khắp các cơ quan trên cơ thể qua hệ thống mạch máu dày đặc. Việc tuần hoàn máu phải diễn ra liên tục với tốc độ phù hợp để duy trì hoạt động sống nói chung và đảm bảo chức năng cho các hệ cơ quan, quan trọng có thể kể tới như:
-
Hệ hô hấp: Hồng cầu trong máu vận chuyển O2 và CO2 giữa phế nang và tế bào.
-
Dinh dưỡng: Máu vận chuyển các chất dinh dưỡng được hấp thu từ hệ tiêu hóa và cuối cùng là ruột non đến các tế bào.
-
Đào thải: máu vận chuyển các chất cặn bã đến cơ quan bài tiết như phổi, thận, ruột, tuyến mồ hôi,...
Suy giảm tuần hoàn máu ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể
-
Điều hòa nhiệt độ và bảo vệ cơ thể thông qua các thành phần bạch cầu, tế bào miễn dịch và hoạt chất chữa bệnh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và mầm bệnh.
-
Điều hòa hoạt động của các cơ quan thông qua các hormone được cơ thể sản xuất, có thể làm tăng hoặc giảm hoạt động của các cơ quan.
Suy giảm tuần hoàn máu là tình trạng máu không được lưu thông tốt đến một số cơ quan trong cơ thể, trong đó phổ biến là rối loạn tuần hoàn não, rối loạn tuần hoàn đến các chi,... Chứng bệnh này rất phổ biến ở người cao tuổi do hoạt động bơm máu của tim giảm cùng với hệ mạch máu đã bị lão hóa.
Tuy nhiên những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ mắc chứng suy giảm tuần hoàn máu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, năng suất học tập và lao động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do các thói quen không tốt như: ít vận động, tập luyện, không ngủ đủ giấc, chế độ nghỉ ngơi không tốt, áp lực công việc lớn,...
Những người béo phì có nguy cơ suy giảm tuần hoàn máu cao hơn bình thường
Ngoài ra, ở những người béo phì, người mắc bệnh mạch máu dễ bị suy giảm tuần hoàn máu do mạch máu bị xơ hóa, cản trở lưu thông máu. Chứng bệnh này còn thường đi kèm với các bệnh như: tăng huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, stress, béo phì,...
Chứng suy giảm tuần hoàn máu có thể chưa gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng nhưng nếu chủ quan, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là những người mắc bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch,...
2. Nhận biết dấu hiệu suy giảm tuần hoàn máu
Suy giảm tuần hoàn máu gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể do máu lưu thông kém khiến hoạt động của cơ quan bị rối loạn, suy giảm và từ đó gây triệu chứng tương ứng. Một số triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân suy giảm tuần hoàn máu gồm:
2.1. Triệu chứng ở não
Não là cơ quan cần cung cấp lượng máu nhiều nhất mặc dù kích thước không phải là lớn nhất, do vậy nếu lưu thông máu kém thì não thường chịu ảnh hưởng đầu tiên. Thiếu máu tới não gây ra nhiều triệu chứng như: chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, rối loạn tiền đình, mất ngủ kinh niên, ù tai, suy giảm trí nhớ, suy nhược thần kinh, sa sút trí tuệ,...
Biến chứng nguy hiểm nhất của thiếu máu não là đột quỵ não, hay còn gọi là tai biến mạch máu não.
2.2. Triệu chứng ở tim
Mặc dù là cơ quan bơm máu nuôi qua các mạch máu đến các cơ quan trong cơ thể nhưng do vấn đề mạch máu, cơ thể hoàn toàn có thể bị thiếu máu cơ tim. Khi đó, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: đau thắt ngực, đau nhói, vùng xương ức, đau khi hoạt động gắng sức,... Tình trạng này kéo dài là nguyên nhân gây suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, hoại tử cơ tim,...
Suy giảm tuần hoàn máu ảnh hưởng đến máu nuôi tim
2.3. Triệu chứng ở mắt
Mắt không được cung cấp đủ máu nuôi dưỡng sẽ gặp vấn đề về khả năng nhìn, người bệnh có các dấu hiệu như nhìn mờ, khó nhìn,... Võng mạc là bộ phận quan trọng của mắt cần được nuôi dưỡng bởi hệ thống mao mạch nhỏ, các mạch máu này dễ bị tổn thương do áp lực hoặc đường huyết cao dẫn đến thiếu máu.
2.4. Triệu chứng ở thận
Thiếu máu nuôi dưỡng tới thận thường biểu hiện với các tình trạng tăng huyết áp, tăng chỉ số ure và creatinin,... dẫn đến nhiễm độc tế bào. Bệnh nặng hơn sẽ gây ra nhiều triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, hôn mê, biến chứng suy thận, teo thận,...
2.5. Triệu chứng phổi
Phổi là cơ quan quan trọng của hệ hô hấp, khi bị thiếu máu người bệnh sẽ có dấu hiệu khó thở, tím tái các chi, suy hô hấp, giảm hấp thụ Oxy,.. rất rõ ràng. Thiếu máu nuôi dưỡng lâu ngày còn dẫn đến hoạt tử nhu mô phổi, nhồi máu, xẹp phổi, viêm phổi,...
2.6. Triệu chứng ở các cơ quan tiêu hóa
Dạ dày, ruột non hay ruột già nếu bị thiếu máu sẽ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, triệu chứng điển hình như: đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, phân nát, sống, rối loạn tiêu hóa,... Nghiêm trọng hơn nếu thiếu máu mạn tính, biến chứng có thể gặp gồm nhồi máu ruột, teo niêm mạc ruột, hoại tử ruột, thủng ruột,...
Suy giảm tuần hoàn máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp
2.7. Triệu chứng ở các khớp tay, chân, xương sống
Các chi nói chung và các khớp tay, chân nói riêng ở vị trí khá xa tim, do vậy cũng là một trong những bộ phận chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu bị suy giảm tuần hoàn máu. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: khô khớp, dính khớp, thoái hóa khớp, xương giòn, dễ lún gãy,...
Bệnh nhân bị suy giảm tuần hoàn máu cần sớm đi khám để xác định nguyên nhân, cần thiết phải điều trị bằng thuốc kết hợp với cải thiện lối sống, sinh hoạt và thể thao. Không nên chủ quan bởi suy giảm tuần hoàn máu gây ảnh hưởng lâu dài đến nhiều cơ quan và sức khỏe nói chung.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!