Tin tức

U tủy sống: Triệu chứng, mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị

Ngày 13/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
U tủy sống lành tính hay ác tính đều có nguy cơ gây biến chứng, ảnh hưởng đến khả năng vận động và sức khỏe của người bệnh. Khi kích thước của khối u lớn dần, chúng sẽ chèn ép tế bào thần kinh ở tủy sống, gây tổn thương dẫn đến các khiếm khuyết thần kinh. Để hạn chế biến chứng không mong muốn, bệnh nhân cần được theo dõi và can thiệp điều trị phù hợp.

1. Thế nào là u tủy sống? 

U tủy sống là những khối u hình thành bên trong tủy sống hoặc phần bao phủ phía ngoài tủy sống (hay còn gọi là màng cứng). Các khối u này thường gây chèn ép lên mạng lưới dây thần kinh, tác động đến cấu trúc thần kinh phía trong ống sống. 

U tủy sống thường gây tình trạng chèn ép dây thần kinh

U tủy sống thường gây tình trạng chèn ép dây thần kinh

Nếu kích thước khối u ngày càng lớn dần, tủy sống dễ bị chèn ép nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh.

2. Phân loại bệnh lý

Dựa theo vị trí xuất hiện, u tủy sống bao gồm 2 dạng cơ bản sau đây:

  • U nội tủy: Hình thành từ những tế bào phía trong tủy sống. Khối u nội tủy có thể xâm lấn, phá hủy phần nhu mô tủy sống. Khối u nội tủy có thể xuất hiện tại nhiều đoạn tủy sống, gây rỗng tủy. 
  • U ngoại tủy: Đây là dạng khối u hình thành tại lớp phủ bên ngoài tủy sống. Trong phần lớn trường hợp, u ngoại tủy đều là u lành tính. Tuy nhiên, chúng vẫn có khả năng gây chèn ép, ảnh hưởng ít nhiều đến tủy sống. Trong một số trường hợp, u ngoại tủy có thể là u ác tính nguy hiểm. 

3. Triệu chứng cảnh báo

Khi mới ở giai đoạn đầu phát triển, khối u ít khi gây triệu chứng rõ ràng. Cơn đau đôi khi xuất hiện nhưng dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với tình trạng đau nhức bình thường. Dấu hiệu cảnh báo ở tất cả người bệnh không phải lúc nào cũng giống nhau, các triệu chứng có thể thay đổi. Trong đó, một số triệu chứng phổ biến phải kể đến là: 

  • Vùng cổ hoặc vùng lưng xuất hiện cơn đau xu hướng tăng nặng theo thời gian. 
  • Suy giảm chức năng vận động, người bệnh di chuyển khó khăn, dễ bị vấp ngã. 
  • Yếu cơ, thậm chí là liệt cơ nếu không kịp thời can thiệp điều trị. 
  • Xuất hiện tình trạng rối loạn cảm giác, kém nhạy cảm với nóng/lạnh, không cảm thấy đau ngay cả khi bị tác động vật lý vào lưng và cổ. 
  • Khó đi tiểu hoặc tiểu không tự chủ. 
  • Cột sống bị biến dạng. 

Đau tại vùng cổ và vùng lưng là triệu chứng khá đặc trưng ở bệnh nhân bị u tủy sống

Đau tại vùng cổ và vùng lưng là triệu chứng khá đặc trưng ở bệnh nhân bị u tủy sống 

4. Nguyên nhân gây bệnh

Cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của khối u tủy sống chưa được xác định rõ. Tuy vậy, một số chuyên gia đồng tình rằng sự khiếm khuyết về gen có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. 

Ngoài ra, ảnh hưởng của u sợi thần kinh type 2 và bệnh Von Hippel-Lindau có khả năng làm tăng nguy cơ xuất hiện khối u tủy sống. Cụ thể: 

  • U sợi thần kinh type 2: Liên quan đến tình trạng rối loạn di truyền dễ dẫn đến sự hình thành của khối u tại phần mô thần kinh. Bệnh lý này có thể di truyền qua các thế hệ. 
  • Bệnh Von Hippel-Lindau: Ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan, tăng nguy cơ xuất hiện u tủy sống. Nếu không điều trị sớm, bệnh lý này dễ dẫn đến tình trạng mất thị lực, tổn thương não, thậm chí là tử vong. 

5. Biến chứng người bệnh phải đối mặt

U tủy sống lành tính hay ác tính đều có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh như: 

  • Rối loạn chức năng vận động, yếu hay liệt vận động chi trên, chi dưới hoặc toàn thân nếu tổn thương tủy cổ cao. 
  • Rối loạn cảm giác: giảm cảm giác nông (cảm giác nóng lạnh, sờ chạm, tăng hay mất cảm giác đau,...) giảm hay mất cảm giác sâu (mất cảm giác rung, cảm giác tư thế...). 
  • Rối loạn cơ tròn: bí đại tiểu tiện hay đại tiểu tiện không tự chủ. 
  • Tử vong nếu khối u gây chèn ép mạnh vào tủy sống vùng cổ cao ảnh hưởng đến các chức năng sống còn cơ bản về hô hấp, tim mạch,... khi không được điều trị kịp thời. 

Liệt vận động là biến chứng có thể xuất hiện ở người bị u tủy sống

Liệt vận động là biến chứng có thể xuất hiện ở người bị u tủy sống 

6. Chẩn đoán 

Khi nhận thấy người bệnh xuất hiện dấu hiệu cảnh báo u tủy sống, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phù hợp như: 

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Một trong những phương pháp giúp phát hiện khối u tủy sống, u trong não hiệu quả nhất. 
  • Chụp CT: Hỗ trợ đánh giá tình trạng tổn thương xương quanh tủy sống. 
  • Chụp PET: Phương pháp chẩn đoán tiên tiến cho phép theo dõi tình hình chuyển hóa của khối u. Mặt khác, chụp PET còn hỗ trợ xác định giai đoạn, vị trí khối u thích hợp làm sinh thiết. 
  • Sinh thiết: Thông qua quá trình phân tích mẫu mô tủy sống, bác sĩ có thể xác định khối u chứa tế bào ác tính hay không. 

Chụp cộng hưởng từ MRI giúp phát hiện hiệu quả khối u tủy sống

Chụp cộng hưởng từ MRI giúp phát hiện hiệu quả khối u tủy sống

7. Điều trị

Phác đồ điều trị u tủy sống xem xét theo đặc điểm, vị trí của khối u. Ngoài ra, tình hình sức khỏe của người bệnh cũng là yếu tố quyết định đến phương pháp điều trị. Trong đó, phẫu thuật, xạ trị và hóa trị vẫn là ba phương pháp điều trị phổ biến nhất. 

7.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật giúp loại bỏ khối u, phục vụ quá trình lấy mẫu sinh thiết, hỗ trợ xạ trị và hóa trị về sau. Bên cạnh đó, phẫu thuật còn giúp phòng ngừa biến chứng, hạn chế biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. 

Trong phần lớn trường hợp, người bệnh cần phẫu thuật loại bỏ khối u

Trong phần lớn trường hợp, người bệnh cần phẫu thuật loại bỏ khối u

Phương pháp phẫu thuật cụ thể được chỉ định dựa theo vị trí, kích thước của khối u. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể kết hợp xạ trị để tối ưu hiệu quả điều trị. 

7.2. Xạ trị 

Xạ trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng loại tia mang năng lượng cao. Thông thường, xạ trị được tiến hành sau khi người bệnh đã phẫu thuật loại bỏ khối u. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phương pháp này có thể tiến hành đồng thời trong khi phẫu thuật. Trường hợp bệnh nhân không thể phẫu thuật, bác sĩ cũng thường cân nhắc chỉ định xạ trị. 

Trong quá trình xạ trị, người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với những tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi,... Tuy nhiên sau khi kết thúc quá trình trị liệu, tác dụng phụ sẽ dần biến mất. 

7.3. Hóa trị 

Đây là phương pháp điều trị ung thư bằng thuốc. Các loại thuốc được truyền vào cơ thể theo đường tĩnh mạch hoặc người bệnh dùng theo đường uống. Sau khi xâm nhập vào mạch máu, thuốc sẽ tiêu diệt các tế bào, kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khối u. 

Tuy vậy, bên cạnh tiêu diệt tế bào gây bệnh, hóa chất còn ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Thời gian điều trị, hóa chất hay thuốc được truyền vào cơ thể có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như rụng tóc, mệt mỏi, chán ăn,... 

Thực tế, không phải phương pháp điều trị nào cũng phát huy hiệu quả trong lần đầu áp dụng. Người bệnh cần điều trị nhiều lần theo hướng dẫn của bác sĩ để loại bỏ khối u, phòng ngừa nguy cơ tái phát. 

Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, bệnh nhân vẫn phải duy trì tái khám theo lịch hẹn. Trường hợp nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng, người bệnh nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt, để kịp thời điều trị nếu khối u tái phát. 

U tủy sống hình thành trong hoặc ngoài tủy sống. Với khối u ngoại tủy, tỷ lệ ác tính thường thấp hơn. Tuy nhiên, dù là u lành tính hay ác tính thì chúng vẫn có thể chèn ép tủy sống, tăng nguy cơ tổn thương thần kinh, gây ra các biến chứng nguy hiểm. 

Do đó ngay khi nhận thấy cơ thể biểu hiện dấu hiệu cảnh báo, bạn nên chủ động đi khám để xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chưa tìm được địa chỉ thăm khám uy tín, bạn có thể tham khảo lựa chọn chuyên khoa Thần kinh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ