Tin tức
Suy tủy có phải ung thư máu không? Những lưu ý “sống còn” người bệnh cần ghi nhớ
- 11/03/2025 | Suy tủy có chữa được không và chữa bằng cách nào?
- 17/03/2025 | Người bị suy tủy xương sống được bao lâu và những lưu ý trong điều trị
- 21/06/2024 | Ung thư máu giai đoạn cuối? Những dấu hiệu và cách điều trị bệnh
1. Tìm hiểu về bệnh suy tủy
Trước khi đi giải đáp câu hỏi: suy tủy có phải ung thư không, chúng ta cùng tìm hiểu căn bệnh này là gì? Tủy xương được hiểu là các mô xốp nằm bên trong xương, có vai trò tạo ra ba dòng tế bào máu chính:
Suy tủy được hiểu là bệnh gây ra rối loạn quá trình sản xuất tế bào máu trong cơ thể
- Hồng cầu: Vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
- Bạch cầu: Chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập.
- Tiểu cầu: Giúp làm đông máu.
Suy tủy là trường hợp rất hiếm gặp và được đánh giá là tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng trong y khoa. Khi các tế bào máu cần thiết của cơ thể không sản xuất đủ, suy tủy sẽ diễn ra và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Đồng thời, tủy xương sẽ dần bị thay thế bởi các mô mỡ gây ra giảm các tế bào đầu dòng tạo máu.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh suy tủy
Có thể thấy, suy tủy là bệnh hiếm gặp và rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Vậy suy tủy có phải ung thư máu không? Bạn đọc hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân và triệu chứng của căn bệnh này để có sự so sánh khách quan với bệnh ung thư máu.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tủy có thể do di truyền hoặc mắc phải. Trong đó:
- Suy tủy mắc phải: Đây là nguyên nhân thường gặp hơn, có thể do:
- Tự miễn: Hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh suy tủy.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại thường xuyên như: Benzen, thuốc trừ sâu, arsenic,...
- Nhiễm virus: Viêm gan, HIV, Epstein-Barr, cytomegalovirus (CMV), parvovirus B19,...
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc (như thuốc hóa trị, chloramphenicol,...) có thể gây tác dụng phụ làm suy tủy.
- Mắc bệnh suy tủy trong thai kỳ: Trường hợp này khá hiếm gặp và thường tự khỏi sau khi sinh.
- Tiếp xúc với liều lượng bức xạ cao trong thời gian dài.
- Không rõ nguyên nhân: Trong nhiều trường hợp, không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Trường hợp này chiếm đến 70% nguyên nhân bệnh.
- Suy tủy di truyền: Nguyên nhân này ít gặp hơn, thường do các đột biến gen gây ra, chẳng hạn như:
- Thiếu máu Fanconi: Một bệnh di truyền hiếm gặp gây suy tủy và các dị tật bẩm sinh khác.
- Rối loạn telomere: Các bệnh lý liên quan đến telomere (đoạn cuối của nhiễm sắc thể) bị ngắn bất thường.
- Hội chứng Shwachman-Diamond: Một bệnh di truyền hiếm gặp gây suy tụy ngoại tiết và suy tủy.
3. Triệu chứng phát hiện sớm bệnh suy tủy
Vậy bệnh suy tủy có những triệu chứng như thế nào để chúng ta phát hiện bệnh sớm? Cùng xem ngay các triệu chứng điển hình của bệnh ngay dưới đây:
Triệu chứng của suy tủy phụ thuộc vào loại tế bào máu nào bị thiếu hụt và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụ thể:
- Do thiếu hồng cầu (thiếu máu):
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Da xanh xao, nhợt nhạt.
- Khó thở, thở dốc.
- Chóng mặt, choáng váng.
- Đau đầu.
- Nhịp tim nhanh.
Khi mắc bệnh suy tủy, bạn sẽ có cảm giác thường xuyên bị mệt mỏi, chóng mặt
- Do thiếu Bạch cầu (giảm bạch cầu):
- Dễ bị nhiễm trùng, sốt thường xuyên.
- Vết thương lâu lành.
- Loét miệng.
- Do thiếu tiểu cầu (giảm tiểu cầu):
- Dễ bị bầm tím, chảy máu.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Xuất huyết dưới da (các chấm đỏ hoặc tím trên da).
- Kinh nguyệt nhiều (ở phụ nữ).
- Chảy máu đường tiêu hóa (phân đen hoặc có máu).
Khi suy tủy, các tế bào máu giảm đi dần dần và bạn sẽ cảm nhận rõ ràng sự suy giảm sức khỏe. Nếu có những biểu hiện như trên bộc phát một cách bất thường, không rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám sớm để kiểm tra sức khỏe tổng thể.
4. Giải đáp: Suy tủy có phải ung thư máu?
Sau khi hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của bệnh suy tủy, chúng ta sẽ cùng giải đáp câu hỏi: suy tủy có phải là ung thư máu không? Câu trả lời là: không. Hai căn bệnh này tuy có những biểu hiện tương đồng, nhưng bản chất lại hoàn toàn khác biệt.
Suy tủy và ung thư máu là 2 bệnh khác nhau
Suy tủy là một rối loạn lành tính, khi tủy xương - “nhà máy” sản xuất tế bào máu bị suy yếu, không thể tạo ra đủ số lượng tế bào máu cần thiết. Tuy nhiên, những tế bào máu được sinh ra vẫn hoàn toàn bình thường về hình dáng và chức năng.
Ngược lại, ung thư máu là một bệnh ác tính, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các tế bào máu bất thường. Chúng sinh sôi một cách mất kiểm soát, lấn át các tế bào khỏe mạnh và gây rối loạn nghiêm trọng trong tủy xương, khiến cơ quan này không thể hoạt động bình thường.
Chính vì sự rối loạn trong quá trình tạo máu này mà cả suy tủy và ung thư máu đều có những triệu chứng gần giống nhau, gây ra không ít nhầm lẫn.
5. Bệnh suy tủy có nguy hiểm không?
Thắc mắc “Suy tủy có phải ung thư máu không?” đã được bài viết giải đáp chi tiết bên trên. Tuy là một dạng rối loạn cơ chế sản xuất máu lành tính nhưng đây là căn bệnh nguy hiểm nếu bạn không phát hiện kịp thời.
Suy tủy có thể được điều trị tốt nếu phát hiện sớm nhưng ngược lại, chúng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể của người bệnh nếu bạn chủ quan, không điều trị.
Tế bào bạch cầu không được sản xuất đủ sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng nặng cho người mắc bệnh suy tủy
Những biến chứng suy tủy có thể gặp phải như:
- Nhiễm trùng nặng: Nhiễm trùng máu, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu,... có thể dẫn đến tử vong.
- Chảy máu nghiêm trọng: Xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa,... có thể gây tử vong.
- Suy tim: Do thiếu máu nặng kéo dài.
- Biến đổi thành bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu): Một số trường hợp suy tủy có thể tiến triển thành bệnh bạch cầu cấp, một loại ung thư máu nguy hiểm.
- Các vấn đề liên quan đến truyền máu: Phản ứng truyền máu, quá tải sắt,...
6. Lưu ý dành cho người bị suy tủy
Đối với người bị bệnh suy tủy, việc chăm sóc sức khỏe là điều đặc biệt cần lưu ý để cải thiện tình trạng bệnh và giảm thiểu nguy cơ biến chứng có thể gặp phải. Dưới đây là một số lưu ý mà bạn cần ghi nhớ:
- Tái khám đúng hẹn: Đừng bỏ quên bất kỳ buổi hẹn nào với bác sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị đã đề ra.
- Cảnh giác dấu hiệu bất thường: Nếu bạn có những biểu hiện sốt, chảy máu, mệt mỏi đột ngột, cần đi khám lại ngay.
- Nói không với thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các bài thuốc được quảng cáo trôi nổi trên mạng, không được bác sĩ chỉ định trong phác đồ điều trị.
- Lựa chọn lối sống khoa học và ăn uống “thông minh”:
- Ưu tiên: Thức ăn mềm, dễ tiêu, thịt trắng, rau củ màu sắc.
- Hạn chế: Thực phẩm giàu sắt, muối, chất béo, tinh bột.
- Vệ sinh tuyệt đối: Nấu chín, ăn ngay, không ăn lại thức ăn thừa.
Như vậy, thắc mắc “Suy tủy có phải ung thư máu” hay không đã được bài viết giải đáp chi tiết trong bài viết. Có thể nói, bệnh suy tủy và ung thư máu có rất nhiều triệu chứng tương đồng nhau. Vì vậy, nếu bạn có những dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau đầu,... bạn không nên chủ quan mà cần đi khám ngay. Quý khách có thể gọi ngay Hotline: 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng các chuyên gia, bác sĩ giỏi tại Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
