Tin tức
Táo bón sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Táo bón sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Táo bón sau sinh là một trong những nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em, đặc biệt là các trường hợp sinh mổ. Vậy tại sao sau khi sinh, phụ nữ dễ bị táo bón? Cách khắc phục như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng táo bón sau khi sinh em bé và cách khắc phục tại nhà hiệu quả.
1. Vì sao các chị em lại dễ bị táo bón sau sinh?
Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mẹ bỉm bị táo bón sau sinh là:
● Thay đổi hormone: Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ trải qua những thay đổi về nội tiết tố, nồng độ hormone progesterone bắt đầu giảm dần gây táo bón.
● Thay đổi chế độ ăn uống: Việc thay đổi chế độ ăn uống sau khi sinh như nhiều đạm, ít rau củ, chất xơ hoặc uống ít nước để tránh làm loãng sữa có thể làm tăng nguy cơ bị táo bón.
● Hạn chế đi lại: Phụ nữ sau khi sinh thường phải hạn chế đi lại để vết mổ hoặc tầng sinh môn mau lành, bên cạnh đó, việc kiêng cữ sau sinh khiến nhiều chị em nhịn đi vệ sinh và dẫn đến táo bón.
● Sự căng thẳng và thiếu ngủ, ít vận động: Thời kỳ sau sinh có thể gây ra căng thẳng và thiếu ngủ, hạn chế vận động làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, ức chế nhu động ruột và góp phần gây ra tình trạng táo bón.
● Vấn đề ở đại tràng: Trong quá trình mang thai, đại tràng thường xuyên bị chèn ép, đồng thời lúc sinh, cơ thể phụ nữ sẽ mất nhiều máu và sản dịch. Điều này khiến đại tràng không được cung cấp đủ nước và máu dẫn đến tình trạng khô nên dẫn đến táo bón khiến các chị em đau đớn mỗi khi đi đại tiện.
● Vấn đề sức khỏe: Những trường hợp phụ nữ trước khi mang thai thường xuyên bị táo bón sẽ có nguy cơ bị táo bón sau sinh cao hơn các sản phụ khác.
Táo bón là nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ sau khi sinh con
Đa số các trường hợp táo bón sau khi sinh con xảy ra trong khoảng 7 - 10 ngày và tự khỏi. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mẹ bỉm bị táo bón kéo dài và nghiêm trọng hơn đi kèm với chất nhầy hoặc máu. Lúc này, các chị em cần phải nhanh chóng tìm đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị nhằm hạn chế nguy cơ bị trĩ, sa tử cung, trực tràng,… và các vấn đề nguy hiểm khác.
2. Cách điều trị táo bón sau sinh
Vì sau sinh, mẹ cần phải cho con bú nên việc sử dụng thuốc thường hạn chế vì một số loại bài tiết qua sữa gây ảnh hưởng thai nhi. Nếu tình trạng táo bón sau sinh không quá nghiêm trọng, các có thể tham khảo một số cách khắc phục dưới đây.
Thay đổi chế độ ăn uống
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp các mẹ bỉm cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả. Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng tốt cho mẹ bỉm sữa và hạn chế tình trạng táo bón, các chị em cần chú ý:
● Tăng cường bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng và chất xơ thông qua các loại rau, quả tươi để kích thích khả năng làm việc của hệ vi khuẩn có lợi, làm tăng nhu động ruột, hạn chế tình trạng táo bón.
● Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng từ 2 - 2,5 lít để giữ cho phân hấp thu, trương nở và giúp việc tống ra ngoài dễ dàng hơn. Có thể uống nước lọc, nước ép rau củ, sữa, trái cây, nước trong canh hoặc thức ăn có hàm lượng nước cao,…
● Ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa ăn để tăng khả năng tiêu hóa, nên ăn thức ăn mềm, lỏng, tránh các loại thực phẩm gây khó tiêu, đồ chiên rán, cay, nóng.
● Không uống nước đá lạnh, nước ngọt, đồ uống có gas, cồn, cà phê, không hút thuốc lá.
Xây dựng chế độ ăn cân đối và hợp lý sau khi sinh để hạn chế tình trạng táo bón
Tập thể dục đều đặn
Nhiều bà mẹ sau sinh thì thường bỏ qua vấn đề tập thể dục. Tuy nhiên, những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp có thể giúp cải thiện vấn đề tiêu hóa, vóc dáng và sức khỏe tổng thể. Điều này có thể hạn chế được các vấn đề sau sinh như táo bón, trầm cảm,…
Giữ tinh thần thoải mái
Có rất nhiều chị em bị căng thẳng, stress sau sinh. Đây cũng là lý do góp phần gây ra tình trạng táo bón cũng như nhiều vấn đề tâm lý khác. Vì vậy, cần phải cố gắng giải tỏa căng thẳng bằng các phương pháp thích hợp để cân bằng trạng thái cơ thể, hạn chế các vấn đề gây ảnh hưởng sức khỏe.
Tập thể dục và giữ tinh thần thoải mái giúp cải thiện các vấn đề tiêu hóa sau sinh
Tập thói quen đi vệ sinh
Việc xây dựng thói quen đi vệ sinh đúng giờ sẽ có ích đối với chức năng của đường ruột, đại tràng, tăng cường hoạt động ổn định, nhờ đó cải thiện hiệu quả chứng táo bón sau sinh. Bạn có thể lựa chọn giờ thích hợp trong ngày để hình thành thói quen đi vệ sinh, thời điểm tốt nhất là vào buổi sáng.
Bên cạnh đó, các mẹ bỉm cũng cần phải chú ý không nhịn tiểu, nhịn đại tiện. Điều này có thể làm cho chứng táo bón sau khi sinh trở nên nặng hơn. Đồng thời, các chất thải, độc tố tích tụ trong cơ thể nếu không được tống ra ngoài qua phân có thể gây tác hại đến sức khỏe.
Những biện pháp trên chỉ mang tính hỗ trợ cải thiện chứng táo bón sau sinh. Nếu tình trạng kéo dài và nghiêm trọng hơn thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống, lạm dụng thuốc sổ, thụt hậu môn, uống nước lá,… khi chưa có sự kiểm tra, thăm khám và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, các mẹ sau sinh cũng không được chủ quan với chứng táo bón, nếu đã điều trị thì phải đảm bảo chữa dứt điểm, không nên thấy triệu chứng thuyên giảm mà vội ngưng dùng thuốc. Điều này có thể khiến bệnh tái phát nhiều lần và nguy cơ dẫn đến mạn tính. Lúc đó, việc chữa trị sẽ phức tạp, khó khăn và tốn kém hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tìm đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra, tư vấn điều trị chứng táo bón sau khi sinh
Nếu các chị em đang gặp phải tình trạng táo bón sau sinh thì có thể đến Chuyên khoa Sản thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn biện pháp khắc phục an toàn, hiệu quả. Mọi thông tin cần hỗ trợ, các mẹ có thể liên hệ đến tổng đài của MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp kịp thời.
BS Vân đã dueytej
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!