Tin tức
Tất tần tật mọi vấn đề về rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang
- 25/03/2021 | 4 biến chứng viêm bàng quang nguy hiểm nhất cần cảnh giác
- 23/04/2021 | Bàng quang hoạt động quá mức là bệnh gì và chữa được không?
- 20/03/2021 | Ung thư bàng quang có mấy loại và điều trị hiệu quả như thế nào?
1. Tìm hiểu về bàng quang
1.1. Vị trí và cấu tạo của bàng quang
Bàng quang có hình cầu, là một tạng rỗng, nằm dưới phúc mạc, phía sau xương mu. Nếu chứa đầy nước tiểu, bàng quang sẽ căng lên thành hình cầu và vượt lên trên xương mu để nằm trong ổ bụng.
Vị trí của bàng quang trong cơ thể
Bàng quang có cấu tạo gồm 4 lớp sắp xếp theo trình tự từ trong ra ngoài như sau:
- Lớp niêm mạc.
- Lớp hạ niêm mạc.
- Lớp cơ.
- Lớp thanh mạc.
Bàng quang của người trưởng thành có thể chứa tới 300 - 500ml nước tiểu. Nếu người mắc bệnh lý thì dung tích bàng quang có thể tăng lên đơn vị vị lít hoặc giảm còn vài chục ml.
1.2. Các chức năng vốn có của bàng quang
Trong cơ thể, bàng quang giữ vai trò:
- Chứa nước tiểu được bài tiết bởi thận bài tiết và thông qua đường niệu đạo để đào thải nó ra ngoài.
- Dự trữ nước tiểu cho cơ thể. Nếu 3 lớp cơ của bàng quang hoạt động bình thường thì nó sẽ đẩy nước tiểu ngoài cơ thể thành từng đợt. 3 lớp ấy chính là:
+ Cơ trơn: chịu sự chi phối thần kinh phó giao cảm đến từ tủy, đảm nhận vai trò tống nước tiểu.
+ Cơ vòng trong và lỗ niệu đạo: chịu sự chi phối thần kinh giao cảm và đảm nhận vai trò kiểm soát quá trình tiểu tiện. Riêng ở nam giới, cơ này còn giúp ngăn tinh dịch không bị trào ngược trong quá trình xuất tinh.
+ Cơ vân ở vòng ngoài: chịu trách nhiệm điều khiển tiểu tiện theo ý muốn.
Sở dĩ bàng quang kiểm soát được chức năng tiểu tiện của mình là nhờ có cơ chế thần kinh phức tạp của hệ phó giao cảm tủy, một phần tủy sống, thân não và các sợi giao cảm ở tủy ngực. Khi bàng quang đã đầy nước tiểu, thông qua các dây liên lạc của tủy sống, các dây thần kinh sẽ phát ra tín hiệu cho não. Nếu nhận được tín hiệu này não sẽ gửi phản hồi xuống bàng quang để thành bàng quang co lại, van gần đầu niệu đạo và cơ thắt được thả lỏng đồng thời mở dần ra để cho nước tiểu chảy xuống, đi ra khỏi cơ thể.
2. Bệnh lý rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang
2.1. Thế nào là rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang
Cũng như cơ trơn ở các bộ phận khác trong cơ thể, cơ trơn bàng quang nhận tín hiệu dẫn truyền từ dây thần kinh để làm nhiệm vụ co bóp và mở cửa cho bàng quang loại bỏ chất lỏng thải ra ngoài. Ở cổ bàng quang, cơ trơn bàng quang sẽ dày lên tạo thành cơ vòng niệu đạo trong và hoạt động tự chủ không theo ý muốn dựa trên sự điều khiển của hệ thần kinh.
Các triệu chứng điển hình của bệnh rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang
Rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang có thể hiểu là tình trạng rối loạn chức năng bàng quang do tổn thương thần kinh. Bệnh gây ra các triệu chứng: bí tiểu, tiểu gấp, tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều lần. Co thắt cơ trơn bàng quang tức là co cơ điều khiển bàng quang không kiểm soát, đến một cách đột ngột khiến người bệnh không kiềm chế được hoạt động tiểu tiện và nhiều khi còn đau khi đi tiểu. Những người bị bệnh lý này không thể cảm nhận được bàng quang đang căng lên để có cảm giác buồn đi vệ sinh nên họ dễ bị tiểu mất tự chủ.
2.2. Nguyên nhân gây rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang là gì
Các nguyên nhân gây rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang có thể liên quan đến hệ thần kinh trung ương, thần kinh ngoại vi hoặc cả hai. Thường thì khi bàng quang chứa đầy nước tiểu cơ bàng quang sẽ giãn ra và co thắt lại để gây cảm giác muốn đi tiểu nhưng hầu hết mọi người có thể kiểm soát được việc tiểu tiện của mình.
Những người bị co thắt cơ trơn bàng quang do cơ bàng quang gửi thông điệp sai lệch đến bộ não nên bàng quang cảm thấy đầy nước tiểu hơn thực tế, khi chưa đầy nước nó đã co thắt, khiến người bệnh muốn đi vệ sinh và khó kiểm soát được việc tiểu tiện.
Tùy từng thể bệnh mà căn nguyên của nó cũng có sự khác nhau:
- Thể bàng quang thần kinh liệt nhũn
Hậu quả chủ yếu là do dây thần kinh ngoại biên hoặc tủy sống bị tổn thương ở mức S2 - S4. Khi bị tổn thương cấp tính ở tủy sống, giai đoạn đầu bàng quang sẽ bị liệt mềm rồi có thể chuyển sang liệt cứng. Lúc ấy, thể tích bàng quang lớn, áp lực bàng quang thấp và khả năng co bóp của bàng quang bị mất đi.
- Thể bàng quang co cứng
Đây là hậu quả của tổn thương sống trên T12 hoặc não bị tổn thương. Sự co thắt cơ bàng quang không tự chủ. Đặc trưng của sự co thắt bàng quang và sự giãn cơ thắt niệu đạo thường là mất khả năng phối hợp.
- Thể hỗn hợp (bàng quang liệt mềm và liệt cứng)
Nó chủ yếu xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau như: tiểu đường, đột quỵ, giang mai, tổn thương hoặc thoái hóa chất trắng,...
Gặp bác sĩ điều trị sớm là cách tránh được hệ lụy do rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang gây ra
Các yếu tố sau dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang:
- Tuổi tác: tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao vì quá trình lão hóa khiến cho chức năng bàng quang suy giảm.
- Giới tính: nữ giới dễ bị hơn vì họ phải trải qua quá trình mang thai và sinh nở khiến cho cơ sàn chậu nâng đỡ bàng quang bị suy yếu.
- Lối sống: thường xuyên bị stress, căng thẳng hoặc dùng chất kích thích dễ khiến cho chức năng của hệ thống thần kinh kiểm soát tiểu tiện bị rối loạn.
- Béo phì: cơ thể quá dư thừa về trọng lượng tạo áp lực lên bàng quang, tác động tới lưu lượng máu cũng như hoạt động thần kinh ở bàng quang.
2.3. Triệu chứng bệnh rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang
Người bị rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang thường không có khả năng kiểm soát tiểu tiện, các triệu chứng điển hình gồm:
- Tiểu nhỏ giọt, tiểu ít.
- Bí tiểu, tiểu khó.
- Nước tiểu bị ứ.
- Dễ bị nhiễm trùng đường tiểu.
- Ứ nước trong thận nên luôn có cảm giác đi tiểu chưa hết.
Bệnh rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang trở thành rào cản đối với công việc và cuộc sống hàng của người bệnh. Việc tiểu tiện mất kiểm soát, thường xuyên buồn tiểu,... dễ đẩy họ vào trạng thái tự ti, xấu hổ, ngại giao tiếp. Chẳng những thế, giấc ngủ đêm của họ cũng bị xáo trộn nên cơ thể dễ mệt mỏi từ đó kéo theo nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe. Vì thế, nếu nghi ngờ có triệu chứng của bệnh lý này, tốt nhất bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và có hướng điều trị hiệu quả.
Mọi sự hỗ trợ về giải đáp y tế có liên quan đến bệnh lý đường tiết niệu nói chung và rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang nói riêng bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giúp đỡ 24/7.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!