Tin tức
Ung thư bàng quang có mấy loại và điều trị hiệu quả như thế nào?
- 15/02/2021 | Các triệu chứng viêm bàng quang bạn không thể bỏ qua
- 27/02/2021 | Sa bàng quang xảy ra do đâu, có nghiêm trọng không?
- 23/02/2021 | Bệnh viêm bàng quang ở nữ có nguy hiểm không?
1. Ung thư bàng quang có triệu chứng gì?
Triệu chứng bệnh thường chỉ rõ ràng khi ung thư tiến triển, gây rối loạn hoạt động của cơ quan này và ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, tiểu ra máu là triệu chứng thường gặp nhất, song không được nhiều người bệnh chú ý đến.
Ung thư bàng quang thường gây triệu chứng trễ
Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp nhiều vấn đề khi đi tiểu như: tiểu rắt, đi tiểu nhiều lần mỗi lần rất ít, cảm giác bỏng rát, đau đớn khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên. Khi khối u ung thư có kích thước lớn hơn, triệu chứng toàn thân sẽ rõ ràng hơn như: đau bụng dưới, đau lưng dưới, sụt cân, sức khỏe suy giảm.
Nhìn chung khi dấu hiệu ung thư bàng quang đã trở nên rõ ràng, đa phần bệnh đã ở giai đoạn phát triển, cần nhanh chóng chẩn đoán và điều trị. Một số xét nghiệm hiện đại hiện nay cho phép phát hiện bất thường sớm liên quan đến ung thư bàng quang, được thực hiện nhằm sàng lọc ở đối tượng nguy cơ cao.
2. Ung thư bàng quang có mấy loại?
Các loại ung thư nói chung và ung thư bàng quang nói riêng có đặc điểm phát triển và điều trị khác nhau. Vì thế chẩn đoán bệnh ngoài xem xét giai đoạn, tiến triển của ung thư còn cần phân biệt các loại bệnh sau:
Ung thư tế bào chuyển tiếp là dạng ung thư bàng quang thường gặp nhất
2.1. Ung thư tế bào chuyển tiếp
Tế bào ung thư khởi phát từ lớp tế bào trong cùng của bàng quang. Hầu hết trường hợp ung thư bàng quang thuộc nhóm này.
2.2. Ung thư tế bào biểu mô vảy
Tế bào ung thư hình thành trong lớp tế bào vảy mỏng ở thành bàng quang. Đây là loại ung thư có thể hình thành từ viêm bàng quang kéo dài.
2.3. Ung thư biểu mô tuyến
Tế bào ung thư hình thành từ các tế bào tế bào tuyến của lớp biểu mô bàng quang.
3. Chẩn đoán và điều trị ung thư bàng quang thế nào?
Phát hiện sớm quyết định lớn đến việc điều trị ung thư bàng quang có hiệu quả hay không, tiên lượng bệnh tốt hay xấu.
3.1. Các xét nghiệm phát hiện sớm ung thư bàng quang
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu tìm kiếm tế bào hồng cầu trong nước tiểu là xét nghiệm có thể phát hiện dấu hiệu sớm nhất của tổn thương. Tổn thương có thể do ung thư bàng quang hoặc điều kiện khác gây ra, vì thế kết quả xét nghiệm dương tính không khẳng định bệnh mà gợi ý chẩn đoán, cần kết hợp các phương pháp chẩn đoán thăm dò khác để có chẩn đoán xác định. Máu trong nước tiểu thường không quan sát được bằng mắt thường, song xét nghiệm sẽ nhanh chóng tìm ra.
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện sớm ung thư bàng quang
Tế bào hồng cầu trong nước tiểu được tìm kiếm dưới kính hiển vi hoặc que thử nhận biết đặc biệt. Kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, vì thế đôi khi cần thực hiện nhiều lần, lặp lại để lấy kết quả chính xác nhất.
Thông thường khi kết quả xét nghiệm tiểu máu bất thường, người bệnh sẽ được chỉ định làm thêm các xét nghiệm kiểm tra gồm:
Nội soi bàng quang
Ống nội soi có gắn Camera được đưa vào trong bàng quang và niệu đạo, cho phép kiểm tra chi tiết các bất thường. Nếu thấy u hoặc tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể trực tiếp lấy mẫu mô để sinh thiết chẩn đoán.
Xét nghiệm tế bào học nước tiểu
Xét nghiệm chuyên sâu hơn được thực hiện với mẫu nước tiểu để tìm kiếm tế bào bất thường. Xét nghiệm này cũng dễ cho kết quả dương tính giả khi phát hiện tế bào bất thường mặc dù người bệnh không bị ung thư mà gây ra bởi các điều kiện khác. Âm tính giả cũng có thể xảy ra khi người bệnh bị ung thư bàng quang nhưng trong nước tiểu không có tế bào bất thường. Điều này dẫn đến chậm trễ trong điều trị.
Sinh thiết
Mẫu mô sinh thiết thường được thu thập ngay trong khi thực hiện nội soi bàng quang. Đây là xét nghiệm chính xác nhất để khẳng định ung thư bàng quang.
Sinh thiết là xét nghiệm chẩn đoán xác định ung thư
Ngoài xét nghiệm chẩn đoán xác định ung thư, người bệnh sau đó cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra xem giai đoạn bệnh, tế bào ung thư đã lan rộng hay chưa. Phương pháp kiểm tra thường là xạ hình xương, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI,…
3.2. Điều trị ung thư bàng quang thế nào?
Liệu trình điều trị ung thư bàng quang ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau, dựa chủ yếu trên giai đoạn bệnh, kích thước khối u và mức độ lan rộng. Có thể chia thành 3 giai đoạn điều trị chính gồm:
Điều trị ung thư bàng quang nông (giai đoạn sớm)
Bệnh nhân cần cắt bỏ khối u ung thư bằng nội soi kết hợp bơm hóa chất. Sau phẫu thuật, vẫn cần hóa trị để loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư, tránh tái phát. Theo dõi tái phát là quá trình bắt buộc và quan trọng, các phương pháp được thực hiện để theo dõi gồm siêu âm, soi bàng quang, xét nghiệm tế bào trong nước tiểu.
Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 2 - 3
Ung thư lúc này đã hình thành u lớn, xâm lấn nhiều phần trong bàng quang và có thể có mô xung quanh, bệnh nhân cần cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang. Cùng với đó phải phẫu thuật chuyển dòng nước tiểu với các cách như: tạo hình bàng quang theo phương pháp Camey, đưa niệu quản ra da, dẫn lưu nước tiểu qua quai hồi tràng, tạo túi nước tiểu tự chủ,…
Hóa xạ trị là cần thiết khi điều trị ung thư bàng quang giai đoạn tiến triển
Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 4
Khi tế bào ung thư đã xâm chiếm gần như toàn bộ bàng quang và di căn, cần điều trị kết hợp phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và xạ trị, đưa 2 niệu quản ra da.
Trong quá trình phục hồi của người bệnh, sử dụng thuốc chống ung thư, thuốc giảm đau, xạ trị kết hợp là rất cần thiết. Cùng với đó, để kiểm soát tốt hơn diễn biến bệnh, người bệnh nên tuân thủ điều trị, dùng thuốc đúng chỉ định và sinh hoạt điều độ đảm bảo sức khỏe.
Ung thư nói chung và ung thư bàng quang nói riêng sau điều trị rất dễ tái phát do tế bào ung thư không thể tiêu diệt hết, còn sót lại và tiếp tục nhân lên. Do đó kiểm tra sức khỏe, sàng lọc ung thư tái phát là rất cần thiết, hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!