Tin tức

Thần kinh ngồi là gì? Vị trí, vai trò và các vấn đề thường gặp

Ngày 27/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Thần kinh ngồi là một trong những dây thần kinh lớn và dài nhất trong cơ thể, chịu trách nhiệm vận động và cảm giác cho toàn bộ chi dưới. So với các vị trí dây thần kinh khác, dây thần kinh này dễ bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, vai trò và các vấn đề thường gặp liên quan đến nó.

1. Thần kinh ngồi là gì? 

Như đã đề cập trước đó, Thần kinh ngồi là dây thần kinh lớn nhất và dài nhất trong cơ thể, bắt nguồn từ vùng thắt lưng, đi qua mông, mặt sau đùi và kéo dài đến tận bàn chân. Nó được hình thành từ các rễ thần kinh ở đoạn thắt lưng và xương cùng (L4 - S3) và đi xuống theo mặt sau của chân. Nó đảm nhận chức năng vận động và cảm giác của vùng dưới cơ thể, kiểm soát hoạt động của nhiều cơ và truyền dẫn tín hiệu cảm giác từ chân về não. 

Do đi qua nhiều cấu trúc cơ thể và chịu ảnh hưởng từ cột sống, cơ và khớp, nên dây thần kinh này rất dễ bị tổn thương, gây ra tình trạng đau thần kinh tọa phổ biến trong cộng đồng hiện nay.

Thần kinh ngồi đảm nhận chức năng vận động và cảm giác của vùng dưới cơ thểThần kinh ngồi đảm nhận chức năng vận động và cảm giác của vùng dưới cơ thể

2. Vị trí của thần kinh ngồi 

Dây thần kinh này có vị trí đường đi khá phức tạp, bắt đầu từ rễ dây thần kinh tủy sống ở vùng thắt lưng (L4 - S3), chạy xuyên qua cơ hình lê ở vùng mông và tiếp tục đi xuống mặt sau của đùi. Tại vùng gối, nó phân nhánh thành hai nhánh nhỏ là thần kinh chày và thần kinh mác chung. Với mỗi nhánh sẽ có đặc điểm riêng về đường đi và chức năng, cụ thể: 

  • Thần kinh chày: Đây là nhánh lớn hơn trong hai nhánh của thần kinh ngồi, chạy từ vùng khoeo chân xuống mặt sau cẳng chân và đi vào lòng bàn chân qua ống cổ chân. Về chức năng, nó chi phối hoạt động của các cơ vùng mặt sau cẳng chân như cơ chày sau, cơ gan bàn chân,... Đồng thời, nó cũng giúp cung cấp cảm giác cho phần lớn lòng bàn chân và mặt dưới các ngón chân. 
  • Thần kinh mác chung: Là nhánh nhỏ hơn trong hai nhánh của thần kinh ngồi, thường quấn quanh cổ xương mác, sau đó phân nhánh ra mặt trước và bên ngoài của cẳng chân gồm: thần kinh mác nông và thần kinh mác sâu. Về chức năng, nó chi phối hoạt động các cơ cẳng chân trước, các cơ mặt ngoài cẳng chân và tạo cảm giác cho phần mu bàn chân.

3. Vai trò của thần kinh ngồi

Dây thần kinh này nắm giữ vai trò quan trọng trong truyền cảm giác từ da về não, truyền tín hiệu vận động từ não bộ đến các cơ quan và điều khiển phản xạ. Dưới đây là thông tin chi tiết: 

  • Truyền cảm giác từ da về não: Thần kinh ngồi có vai trò dẫn truyền cảm giác từ các vùng da mặt sau đùi và cẳng chân, mặt ngoài bàn chân, lòng bàn chân và các ngón chân về não, giúp não bộ nhận diện được các yếu tố môi trường như nhiệt độ, cảm giác đau, chạm,.. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ cho hoạt động phản xạ tự nhiên trong các tình huống nguy hiểm như phản ứng khi gặp vật nhọn hoặc nóng.
  • Truyền tín hiệu vận động: Bên cạnh chức năng dẫn truyền cảm giác, dây thần kinh này còn có vai trò dẫn truyền tín hiệu vận động từ não bộ đến các cơ, để vùng chi dưới hoạt động nhịp nhàng và linh hoạt hơn. 
  • Điều khiển phản xạ và giữ thăng bằng: Không chỉ vậy, dây thần kinh này còn tham gia vào quá trình duy trì phản xạ tự nhiên và giữ thăng bằng cơ thể. Nhờ khả năng điều phối nhịp nhàng giữa các nhóm cơ, dây thần kinh này giúp con người đứng vững trên nhiều bề mặt khác nhau, thực hiện các động tác phức tạp như nhảy, xoay người,...

Thần kinh ngồi có vai trò điều khiển phản xạ và giữ thăng bằngThần kinh ngồi có vai trò điều khiển phản xạ và giữ thăng bằng

4. Các vấn đề liên quan

Dưới đây là một số vấn đề liên quan đến dây thần kinh này mà bạn nên biết: 

Đặc điểm chung của đau thần kinh tọa

Đây là vấn đề phổ biến, xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép quá lâu hoặc viêm, gây cơn đau lan từ thắt lưng xuống mông, mặt sau đùi và cẳng chân. Triệu chứng điển hình của bệnh gồm: 

  • Xuất hiện các cơn đau nhói hoặc âm ỉ theo đường đi của dây thần kinh. 
  • Cảm giác tê bì, châm chích hoặc nóng rát ở chân. 
  • Yếu cơ, khó cử động chân.

Đau thần kinh tọa là vấn đề phổ biến hiện nayĐau thần kinh tọa là vấn đề phổ biến hiện nay

Thần kinh tọa bị chấn thương

Chấn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: tai nạn giao thông, gãy xương chậu hoặc xương đùi hoặc do phẫu thuật vùng hông. Triệu chứng chấn thương thần kinh toạ bao gồm: xuất hiện cơn đau lan từ mông xuống mặt sau đùi, cẳng chân; tê bì, mất cảm giác; chân yếu, khó khăn khi đi lại;...

Đau thần kinh tọa do chèn ép

Bệnh lý này xảy ra do sự chèn ép của khối u vùng thắt lưng hông, thoát vị đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh, tổn thương cơ gây chèn ép trên đường đi thần kinh tọa hoặc áp lực kéo dài, thường gặp ở những người có thói quen ngồi vắt chân, người có khối u vùng cột sống thắt lưng,...Ngoài triệu chứng điển hình chung của đau thần kinh tọa, các trường hợp đau do chèn ép thường có xu hướng tăng khi vận động, khi ho, khi rặn... giảm khi nghỉ.

Bài viết trên đây là thông tin chi tiết về vị trí, vai trò và các vấn đề liên quan đến thần kinh ngồi. Đây là một trong những dây thần kinh lớn nhất và dài nhất trong cơ thể, nắm giữ vai trò quan trọng trong chi phối hoạt động và cảm giác của vùng chi dưới. Do phải đi qua nhiều cấu trúc và chịu áp lực từ cơ, xương,... dây thần kinh này dễ bị tổn thương và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số cách hạn chế chấn thương dây thần kinh bao gồm: tránh ngồi lâu một tư thế, chọn ghế ngồi phù hợp, tập luyện thể dục đều đặn, phòng tránh chấn thương vùng hông và mông, khám chuyên khoa thần kinh định kỳ. 

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ