Tin tức

Theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu và theo dõi trên phương diện nào?

Ngày 12/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Chấn thương sọ não tùy vào mức độ nghiêm trọng sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định đến hệ thần kinh, vận động và sức khỏe của người bệnh. Theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu để đảm bảo tính an toàn là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm. Những chia sẻ dưới đây của MEDLATEC sẽ giúp bạn hiểu về thời gian theo dõi chấn thương sọ não và các yếu tố liên quan đến quá trình này.

1. Phân loại chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não xảy ra khi đầu chịu tác động mạnh, gây tổn thương cho não bộ hoặc hộp sọ. Chấn thương này thường xuất phát từ sự va đập mạnh vào vùng đầu khi ngã từ trên cao, tham gia giao thông,... và gây nên các mức độ tổn thương khác nhau ở não. 

Tùy vào mức độ, chấn thương sọ não được chia thành:

- Chấn thương nhẹ: Là trường hợp dễ gặp nhất, có thể gây mất ý thức ngắn hạn và thường không để lại di chứng lâu dài.

- Chấn thương vừa và nặng: Gây tổn thương nặng cho não, có thể ảnh hưởng đến các chức năng sống cơ bản và yêu cầu điều trị phức tạp.

Mức độ va chạm ảnh hưởng lớn đến tính chất nghiêm trọng của chấn thương sọ não

Mức độ va chạm ảnh hưởng lớn đến tính chất nghiêm trọng của chấn thương sọ não

2. Cần theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu để có được kết quả đánh giá đúng?

2.1. Tầm quan trọng của việc theo dõi chấn thương sọ não

Biết được cần theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu giúp mang lại nhiều lợi ích như:

- Đánh giá mức độ tổn thương

Chấn thương sọ não có thể không có biểu hiện ngay lập tức. Việc theo dõi giúp phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm.

- Phòng ngừa biến chứng

Một số biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não, phù não có thể phát triển sau khi gặp chấn thương nên việc theo dõi sẽ giúp bệnh nhân được can thiệp kịp thời.

- Hỗ trợ quá trình phục hồi

Theo dõi liên tục từ sau thời điểm xảy ra chấn thương não giúp điều chỉnh phương pháp điều trị, giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi của bệnh nhân.

2.2. Thời gian theo dõi chấn thương sọ não là bao lâu?

Không có mốc xác định chính xác cho khoảng thời gian theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu vì vấn đề này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, độ tuổi, tiền sử bệnh lý, hiện trạng sức khỏe của bệnh nhân:

- Mức độ chấn thương: Chấn thương nhẹ có thể chỉ cần theo dõi trong vòng 24 - 48 giờ, trường hợp chấn thương nặng thì thời gian theo dõi lâu hơn

- Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân: Những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về tim mạch, huyết áp hoặc bệnh nền khác thường cần theo dõi lâu hơn.

- Đặc điểm tuổi tác: Trẻ em và người cao tuổi có thể có phản ứng khác nhau với chấn thương sọ não, nên cần theo dõi chấn thương sọ não trong thời gian dài.

Thời gian theo dõi chấn thương não tối thiểu là 24 - 48 giờ sau khi xảy ra chấn thương. Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ theo dõi các chỉ số sống còn và các triệu chứng như nhịp tim, huyết áp, tình trạng ý thức của bệnh nhân, các dấu hiệu thần kinh khu trú.

Từ sau khi gặp chấn thương não 48 giờ và khoảng thời gian sau đó, người bệnh vẫn cần theo dõi các dấu hiệu bất thường về thần kinh, vận động,... Trường hợp cần trị liệu thần kinh, hỗ trợ phục hồi,.... người bệnh sẽ cần theo dõi lâu dài và tái khám, đánh giá thường xuyên từ bác sĩ.

Bệnh nhân được bác sĩ giải thích về mức độ tổn thương và hướng dẫn cần theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu

Bệnh nhân được bác sĩ giải thích về mức độ tổn thương và hướng dẫn cần theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu

3. Phương pháp theo dõi cho bệnh nhân sau chấn thương sọ não

Sau khi bị chấn thương sọ não, việc theo dõi tình trạng của bệnh nhân là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và biến chứng có thể xảy ra. Người bệnh cùng gia đình thường sẽ được bác sĩ giải thích về vấn đề cần theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu và tiến hành theo dõi trên các phương diện sau:

3.1. Đánh giá ý thức và mức độ phản xạ

Bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra mức độ ý thức của bệnh nhân thông qua thang điểm Glasgow (GCS). Đây là công cụ đánh giá sự tỉnh táo của bệnh nhân qua ba yếu tố: phản ứng mắt, phản ứng ngôn ngữ và phản ứng vận động. Điểm GCS càng thấp, tình trạng bệnh càng nghiêm trọng.

Mức độ phản xạ cũng được theo dõi để phát hiện các dấu hiệu của tổn thương thần kinh gồm khả năng cử động, phản ứng với ánh sáng và âm thanh. Sự bất thường của những dấu hiệu này cho thấy tổn thương nghiêm trọng trong não như phù não, xuất huyết não,...

3.2. Chú ý biến chứng

Trường hợp người bệnh bị nôn liên tục, đau đầu dữ dội hoặc các chỉ số sinh tồn như huyết áp, nhịp tim,.... có dấu hiệu thay đổi thì cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu như chụp CT-Scanner hoặc MRI để phát hiện tổn thương không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

3.3. Kiểm tra chức năng cơ bản

Việc theo dõi các chức năng cơ bản như hô hấp, tiêu hóa và tuần hoàn để xử lý ngay có ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục của bệnh nhân. Người bệnh bị khó thở, ho hoặc thở gấp cần được theo dõi và xử lý kịp thời để tránh tình trạng bệnh diễn tiến nguy hiểm.

Người bệnh được chụp CT-Scanner để đánh giá tổn thương sau chấn thương sọ não

Người bệnh được chụp CT-Scanner để đánh giá tổn thương sau chấn thương sọ não

4. Một số biện pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân chấn thương sọ não 

4.1. Vấn đề dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng phù hợp được thực hiện khoa học giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng sau chấn thương sọ não. Người bệnh cần được bổ sung đủ nước, các chất dinh dưỡng thiết yếu và theo dõi các chỉ số sinh tồn để cải thiện tình trạng sức khỏe.

Trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh cần được cung cấp thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa, đậu hũ,... để tăng khả năng tái tạo mô não bị tổn thương. Các loại vitamin nhóm B, C, D và các khoáng chất như kẽm, magie,... sẽ giúp tăng cường sức khỏe não bộ. Nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho nhóm này là rau xanh, trái cây và hạt ngũ cốc.

Người bệnh tuyệt đối không dùng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá,...

4.2. Phục hồi chức năng

Sau giai đoạn điều trị chấn thương não, người bệnh cũng cần thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng để khôi phục tốt nhất khả năng vận động, trí nhớ,... Quá trình này thường được diễn ra với sự hỗ trợ của vật lý trị liệu, trị liệu tâm lý, trị liệu ngôn ngữ,... trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào mức độ chấn thương.

Theo dõi chấn thương sọ não trong bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương do chấn thương gây ra. Việc theo dõi cần được thực hiện cẩn thận, liên tục và chính xác để giảm thiểu rủi ro biến chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục trở nên nhanh chóng.

Quý khách hàng nếu gặp chấn thương sọ não có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra cần thiết giúp chẩn đoán đúng mức độ, phạm vi tổn thương và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ