Tin tức

Các nguyên nhân gây thở gấp và cách điều trị, phòng ngừa

Ngày 12/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Thở gấp hay thở nhanh thường có liên quan đến bệnh lý về phổi và tim mạch. Ngoài ra, trạng thái tinh thần hay vận động mạnh cũng có thể gây ra tình trạng này. Cần xác định được nguyên nhân gây thở gấp để có cách điều trị và phòng ngừa, tránh nguy hiểm.

1. Như thế nào là thở gấp?

Thở gấp là tình trạng người bệnh thở nhanh, số nhịp thở tăng và cao hơn nhịp thở trung bình của người khỏe mạnh bình thường. Cùng với đó là hơi thở ngắn, không đều, thậm chí là khó thở, đau tức ngực, lồng ngực lõm vào, da tái xanh hoặc xám. 

Tình trạng thở gấp ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Trong một số trường hợp, nếu không được xử lý kịp thời thì tính mạng của người bệnh có thể gặp nguy hiểm.

Thở gấp là nhịp thở cao hơn nhịp thở trung bình, kèm theo nhiều triệu chứng khác

Thở gấp là nhịp thở cao hơn nhịp thở trung bình, kèm theo nhiều triệu chứng khác

2. Nguyên nhân gây thở gấp

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhịp thở khiến bạn thở gấp, thở nhanh hơn bình thường, bao gồm:

Căng thẳng, lo lắng

Dễ dàng nhận thấy, khi bạn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, hồi hộp thì tim sẽ đập nhanh hơn, hơi thở cũng gấp gáp hơn. Thường thì điều này không quá nguy hiểm bởi khi cảm giác áp lực qua đi thì nhịp tim và nhịp thở sẽ nhanh chóng trở về bình thường.

Vận động mạnh

Khi vận động mạnh hay tập luyện cường độ cao thì cơ thể cần nhiều oxy hơn để cung cấp cho các cơ và mô. Lúc này, bạn cũng sẽ thở nhanh và thở gấp hơn bình thường. Khi ngừng vận động và tập luyện, cơ thể được nghỉ ngơi thì nhịp thở sẽ ổn định trở lại.

Dị ứng

Dị ứng cũng có thể gây ra các cơn thở gấp, thở nhanh. Nguyên nhân là do khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thì sẽ xảy ra phản ứng dị ứng. Lúc này, hệ hô hấp bị kích thích nên bạn sẽ cảm thấy ngứa mũi, hắt xì, ho, thở gấp, khó thở,… 

Thở gấp do tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, làm hệ hô hấp bị kích thích

Thở gấp do tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, làm hệ hô hấp bị kích thích 

Thở gấp do bệnh lý

Trường hợp cơ thể đang nghỉ ngơi, bạn cũng không có điều gì lo lắng, bất an hay hoảng sợ mà vẫn thở gấp, khó thở, đau tức ngực, ho, ù tai,… thì rất có thể đây là triệu chứng của các bệnh lý sau.

  • Bệnh về tim mạch: Rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim,…
  • Bệnh phổi: Viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thuyên tắc phổi, tràn dịch màng phổi, hen suyễn,…
  • Các vấn đề về nội tiết: Cường giáp, rối loạn nội tiết, gia tăng nồng độ hormone stress,… ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Nếu thở gấp trong những trường hợp này, đặc biệt là tình trạng xảy ra thường xuyên và kéo dài, bạn tuyệt đối không được chủ quan. Thay vào đó là đi khám càng sớm càng tốt vì đây chính là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm, nếu không được xử lý và điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

3. Điều trị thở gấp như thế nào?

Bạn có thể tự kiểm tra nhịp thở tại nhà bằng cách đếm nhịp thở và so sánh với nhịp thở trung bình của người khỏe mạnh bình thường. Cụ thể như sau: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhịp thở từ 40 - 60 nhịp/ phút, người lớn nhịp thở từ 12 - 25 nhip/ phut, người già từ 65 tuổi nhịp thở từ 10 - 30 nhip/ phút. Nếu nhịp thở thường xuyên cao hơn mức nhịp thở trung bình này thì cần chủ động đi khám.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ đầu, cổ, tim, phổi và bụng của bạn bằng cách thăm khám lâm sàng và thực hiện chụp X-quang ngực, chụp CT ngực, đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu,… Sau khi có kết quả sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị thở gấp bao gồm:

  • Giảm căng thẳng bằng cách giữ bình tĩnh, tập hít thở sâu, ngồi thiền hoặc trò chuyện với chuyên gia tâm lý.
  • Điều chỉnh hơi thở bằng cách hít vào qua mũi, sau đó cố gắng giữ hơi thở trong vài giây rồi thở ra bằng miệng.
  • Tạo không gian sinh hoạt thoáng đãng, trong lành để cảm thấy dễ thở hơn và thở đều hơn. 
  • Nếu thở gấp do bệnh lý thì bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cụ thể. Một số trường hợp bạn có thể được chỉ định dùng thuốc để làm thuyên giảm triệu chứng, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamine, thuốc giãn phế quản dạng hít,… 
  • Nếu thở gấp gây suy hô hấp, bác sĩ có thể cho bạn thở oxy bằng máy thở. Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp suy hô hấp nặng. 

Điều trị thở gấp bằng cách sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít

Điều trị thở gấp bằng cách sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít

4. Biện pháp phòng ngừa thở gấp

Bạn có thể kiểm soát và phòng ngừa thở gấp bằng các biện pháp sau.

  • Tránh xa các yếu tố gây căng thẳng, lo âu. Khi cảm thấy tâm trạng không tốt, hãy tạm dừng việc đang làm, thay vào đó là làm việc mình thích như nghe nhạc, xem phim, dạo phố,… Hoặc bạn cũng có thể trò chuyện với chuyên gia tâm lý để có lời khuyên phù hợp.
  • Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để cải thiện, tăng cường sức khỏe tim mạch và phổi. Bạn không cần tập luyện quá nhiều, chỉ cần tập 30 - 45 phút/ ngày và duy trì vào một khung giờ cố định.
  • Nếu cơ địa dị ứng, hãy tránh xa các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông thú, mỹ phẩm,… Vì những yếu tố này làm cơ thể xảy ra phản ứng dị ứng, gây ho, thở gấp, khó thở.
  • Tương tự, hãy tránh những khu vực có môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi như công trường, nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất,… để tránh gây kích ứng hệ hô hấp.
  • Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. 
  • Nếu thở gấp do bệnh lý như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thuyên tắc phổi,… thì cần tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh và giảm triệu chứng thở gấp.

Tập thể dục mỗi ngày để phòng ngừa và cải thiện tình trạng thở gấp

Tập thể dục mỗi ngày để phòng ngừa và cải thiện tình trạng thở gấp 

Bài viết trên đây giúp bạn hiểu hơn về tình trạng thở gấp, đặc biệt là các biện pháp giúp kiểm soát và phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Để được tư vấn chuyên sâu, hoặc đặt lịch khám tại Chuyên khoa Hô hấp của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 ngay từ hôm nay.

Từ khoá: khó thở tức ngực

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.