Tin tức
Thuốc rối loạn tiền đình - Giải pháp cho người chóng mặt kinh niên
- 31/10/2022 | Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
- 08/06/2022 | Rối loạn tiền đình có nguyên nhân do đâu và cách điều trị
- 21/10/2022 | Viêm thần kinh tiền đình - Những kiến thức Y khoa cần biết
1. Tìm hiểu về rối loạn tiền đình
Chức năng chính của hệ tiền đình là giúp cơ thể duy trì được trạng thái thăng bằng khi di chuyển và vận động như cúi người, xoay đầu, đi đứng,... Những động tác này đều là do các nhóm thần kinh trong não chỉ huy.
Rối loạn tiền đình chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mất thăng bằng, chóng mặt, muốn ngã, ngồi yên một chỗ vẫn thấy mọi vật xung quanh đang quay cuồng, mệt mỏi, yếu, dễ ngất xỉu,...
Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn tiền đình nhưng gặp nhiều nhất ở người trưởng thành. Tuổi càng cao nguy cơ bị rối loạn tiền đình càng lớn. Sau đây là một số đối tượng dễ gặp phải tình trạng này:
-
Nhân viên văn phòng thường xuyên phải làm việc với máy tính;
-
Người phải chịu áp lực công việc lớn, môi trường làm việc ồn ào, ít vận động, ít di chuyển,...;
-
Bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ chèn ép vào động mạch cổ, từ đó gây cản trở tuần hoàn máu lên não gây rối loạn tiền đình.
Các triệu chứng của rối loạn tiền đình
2. Phương pháp điều trị chứng rối loạn tiền đình
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm chứng rối loạn tiền đình và chủ yếu cần phải tập trung tìm hiểu căn nguyên gây bệnh để điều trị.
Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng bất thường như đi đứng chệnh choạng, ù tai, chóng mặt nghi ngờ dấu hiệu của rối loạn tiền đình thì cần đi khám ngay để được xác định và điều trị nguyên nhân từ sớm.
Khi thăm khám bác sĩ có thể sẽ tiến hành khảo sát hệ mạch đốt sống thân nền. Trên thực tế có khoảng 30% các trường hợp bị hẹp tắc động mạch thân nền gây nhồi máu tiểu não, thân não với triệu chứng cảnh báo là rối loạn tiền đình trong thời gian dài trước đó.
Dưới đây là một số loại thuốc rối loạn tiền đình được sử dụng phổ biến hiện nay:
-
Thuốc kháng Histamin: bao gồm scopolamine, dimenhydrinate hoặc promethazine,... có tác dụng cải thiện tình trạng buồn nôn, chóng mặt nhưng lại khiến người bệnh có cảm giác buồn ngủ ngây ngất. Trong nhóm thuốc kháng Histamin thế hệ 1 có thuốc Cinnarizin thường áp dụng để điều trị triệu chứng chóng mặt, choáng váng, ù tai, hạn chế tình trạng say tàu xe. Tuy nhiên thuốc cũng tồn tại một số tác dụng phụ như gây buồn ngủ, mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa nên người bệnh hãy dùng thuốc sau khi ăn no để hạn chế những tác dụng này.
-
Thuốc giúp khắc phục tình trạng chóng mặt, buồn nôn: Acetyl leucin là một loại hoạt chất thường được ứng dụng trong các trường hợp buồn nôn, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Lưu ý rằng bệnh nhân không được dùng thuốc mà chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa vì thuốc này có thể tương tác với thuốc khác;
-
Nhóm thuốc ức chế canxi: Flunarizin trong nhóm thuốc này có công dụng giảm thiểu triệu chứng đau nửa đầu, chóng mặt hay thiểu năng tuần hoàn não. Nhưng thuốc cũng có tác dụng phụ là gây buồn ngủ rũ rượi, rối loạn tiêu hóa, nguy cơ trầm cảm, tác động tới hệ thần kinh và làm tăng các triệu chứng ở người bệnh Parkinson. Vì vậy đây là thuốc cần được kê đơn và chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc;
-
Nhóm benzodiazepines: đây là nhóm thuốc an thần có tác dụng giảm thiểu cảm giác lo lắng, giúp trấn tĩnh và ổn định tinh thần cho bệnh nhân nên có thể dùng được trong những ngày đầu. Nhưng không nên dùng thuốc này trong thời gian dài vì có khả năng sẽ khiến bệnh nhân bị lệ thuộc vào thuốc nên cần phải được kiểm soát quá trình sử dụng khi kê đơn.
-
Hỗ trợ điều trị tăng tuần hoàn máu não: có thể dùng thêm piracetam, ginkor giloba,...
Việc sử dụng thuốc rối loạn tiền đình phải được tư vấn của các bác sĩ lâm sàng
Trong trường hợp bệnh nhân bị chóng mặt kèm theo các triệu chứng dưới đây thì nên đi khám để được chẩn đoán xác định bệnh:
-
Mờ mắt, nhìn đôi, nhìn sự vật không rõ, thậm chí là mất thị lực;
-
Đau đầu đột ngột;
-
Giảm thính giác;
-
Nói khó khăn;
-
Mất định hướng về không gian, thời gian;
-
Lảo đảo, chóng mặt, muốn ngã,...;
-
Đau thắt ngực, nhịp tim không bình thường,...
Cần phải hết sức cảnh giác trước những dấu hiệu này vì đây có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim mạch, đột quỵ não, bệnh u não, Parkinson, bệnh đa xơ cứng,...
Đối với việc điều trị chứng rối loạn tiền đình thì đa phần là sử dụng biện pháp nội khoa và phải tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn của bác sĩ về thời gian sử dụng thuốc. Bệnh nhân không được tự quyết định tăng giảm liều lượng, bỏ thuốc, đổi loại thuốc hay điều trị bằng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng về hiệu quả vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Gợi ý cách phòng ngừa cơn chóng mặt kịch phát do rối loạn tiền đình
Để tránh xảy ra các cơn chóng mặt cấp tính, bệnh nhân nên ghi nhớ những lưu ý sau:
-
Không ngồi liên tục hàng giờ liền ở một vị trí (nhất là ngồi trước máy vi tính);
-
Không nên ngồi xuống, đứng lên hoặc xoay cổ đột ngột;
-
Hạn chế đọc sách báo hoặc quay ngang quay ngửa khi đang ngồi trên tàu xe;
-
Không nên leo trèo lên những vị trí quá cao;
-
Giữ tinh thần thoải mái, ổn định không nên quá lo âu, căng thẳng, hoảng hốt,...;
-
Khi cảm thấy bị chóng mặt nên từ từ ngồi hoặc nằm xuống để nghỉ ngơi;
-
Nên tránh tiêu thụ những loại đồ ăn, thức uống quá mặn hoặc quá ngọt vì sẽ làm cơ thể và bộ phận tai trong dễ bị tích nước. Khi thành phần thể tích dị của tai trong có sự thay đổi sẽ làm khởi phát các cơn chóng mặt;
-
Hạn chế việc dùng các loại đồ uống có cồn hay cà phê vì sẽ làm nghiêm trọng hơn tình trạng ù tai, gây mất nước do lợi tiểu. Đặc biệt nên giảm tần suất sử dụng những loại đồ ăn, đồ uống chứa acid amin tyramine như gan gà, rượu vang đỏ, chuối, sữa chua, chocolate, quýt, cam, phomai, quả sung và các loại hạt,...;
-
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá vì hàm lượng chất nicotine khổng lồ có trong điếu thuốc sẽ hủy hoại thành mạch máu, giảm lưu lượng máu chảy tới vùng tai trong và gây biến chứng tăng huyết áp;
-
Nếu bạn đang sử dụng thuốc có chứa thành phần aspirin thì cần thông báo cho bác sĩ vì chúng khiến tai dễ bị ù, còn thuốc chứa steroids thì khiến cơ thể bị giữ nước nhiều hơn, từ đó gây rối loạn điện giải.
Khi cảm thấy chóng mặt bạn nên ngồi xuống để nghỉ ngơi
Trên đây là một số gợi ý về các thuốc rối loạn tiền đình. Hy vọng rằng sau khi nghiên cứu các thông tin trong bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về hội chứng rối loạn tiền đình và những loại thuốc phổ biến hiện nay giúp hỗ trợ điều trị tình trạng này. Khi cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của rối loạn tiền đình thì bạn nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra và có chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!