Tin tức

Thuốc trị ghẻ gồm có những loại nào? Công dụng của từng loại

Ngày 30/01/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Khi da bị ngứa thường chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tình trạng viêm da, nấm hoặc dị ứng da,... Tuy nhiên một loại bệnh khác cũng có tỷ lệ mắc cao không kém đó là bệnh ghẻ. Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân thường sẽ được khuyên dùng các loại thuốc trị ghẻ tùy thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh của mỗi người. 

1. Tìm hiểu chung về bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ xuất phát từ nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng ở da. Bất kỳ ai cũng có thể bị ghẻ. Bệnh ghẻ thường xảy ra ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, vùng dân cư đông đúc, tiếp xúc trực tiếp với người bị ghẻ hoặc dùng chung vật dụng cá nhân với người bị ghẻ hoặc những nơi thường hay bị ngập lụt vào mùa mưa lũ có nguy cơ bị ghẻ rất cao.

Mô phỏng hình ảnh cái ghẻ

Mô phỏng hình ảnh cái ghẻ

Triệu chứng do ghẻ gây  ra khá dữ dội, có xu hướng tăng nặng vào ban đêm vì cái ghẻ hoạt động về đêm. Những biểu hiện đặc trưng của bệnh ghẻ đó là:

  • Ngứa  dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm;

  • Trên da xuất hiện các tổn thương màu đỏ, mụn nước, sẩn nốt đóng vảy;

  • Ghẻ hay diễn ra ở các nếp kẽ và bờ ngón tay, lòng bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, nách, lòng bàn chân, quầng vú, dương vật, bìu, môi lớn âm hộ;

  • Đặc điểm của hang ghẻ: bề mặt có thể nổi mụn nước, sẩn cứng hơi lồi, đôi khi trên bề mặt có chấm đen;

  • Trên thân người có các vùng da đỏ rải rác thể hiện cơ thể đang phản ứng nhạy cảm với ký sinh trùng gây bệnh ghẻ;

  • Vì ghẻ gây ngứa ngáy nên người bệnh hay gãi thường xuyên dẫn tới chàm hóa dày sừng ở vùng da bị ghẻ.

2. Cách điều trị bệnh ghẻ

Phương pháp phổ biến nhất được áp dụng trong điều trị bệnh ghẻ đó là dùng permethrin 5% dạng kem bôi hoặc dạng xịt. Ngoài loại thuốc này, bệnh nhân cũng có thể dùng kem lưu huỳnh 5 - 10%, dung dịch Diethyl Phthalate (DEP) hoặc viên uống ivermectin. Dưới đây là thông tin chi tiết  về các thuốc nêu trên:

2.1. Thuốc trị ghẻ permethrin 5%

Loại thuốc này được đánh giá cao về mức độ an toàn nhưng cần phải được dùng đúng cách, đúng liều lượng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Cách sử dụng thuốc permethrin 5% như sau: 

  • Trước khi bôi thuốc người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ và lau khô tay cũng như vùng da bị ghẻ;

  • Lấy một lượng thuốc vừa đủ và thoa lớp kem mỏng lên vùng da cần điều trị;

  • Sau khi bôi thuốc, người bệnh cần rửa sạch tay lại với nước và xà phòng diệt khuẩn.

2.2. Thuốc DEP

Từ nhiều thập kỷ nay thuốc DEP đã được ứng dụng rất nhiều trong việc điều trị vùng da bị tổn thương do vết cắn từ côn trùng và cả trị bệnh ghẻ.  

Sau khi vệ sinh tay cũng như vùng da bị ghẻ, bệnh nhân cần lau khô và thoa một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da này. Mỗi ngày thoa từ 1 - 2 lần đối với người lớn. Khi dùng thuốc DEP cần lưu ý:

  • Thuốc chống chỉ định cho người dị ứng hay mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, đồng thời không bôi thuốc lên vùng da đang có dấu hiệu chảy dịch và nhiễm trùng;

  • Trước và  sau khi tiếp  xúc với thuốc phải rửa tay lại bằng xà phòng;

  • Khi bôi thuốc xong không băng kín vùng da này;

  • Không bôi loang thuốc sang những vùng da khỏe mạnh hoặc để thuốc tiếp xúc với da của người khác;

  • Không bôi thuốc vào mắt;

  • Tuân thủ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, không dùng thuốc quá liều quá thời gian khuyến cáo.

Thuốc trị ghẻ có thể được bào chế theo dạng bôi

Thuốc trị ghẻ có thể được bào chế theo dạng bôi

Thuốc DEP có thể gây ra những tác dụng phụ như ngứa ngáy, kích ứng, đỏ rát trên bề mặt da. Nếu các triệu chứng này không đỡ mà có xu hướng nghiêm trọng hơn thì bệnh nhân cần ngưng dùng thuốc ngay.

2.3. Lưu huỳnh trị ghẻ

Lưu huỳnh trong điều trị bệnh ghẻ thường được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi. Trước khi dùng nên tắm rửa toàn thân sạch sẽ với xà phòng, xong đó bôi thuốc lên da ngày 2 lần. Lặp lại việc bôi thuốc trước khi đi ngủ. 24h sau bệnh nhân cần tắm rửa sạch sẽ, đảm bảo lượng thuốc cũ đã được rửa sạch rồi mới bôi lượt thuốc mới.

Lưu huỳnh có thể gây kích ứng da, tuy nhiên biểu  hiện này sẽ dần mất  đi sau khi cơ thể đã quen với thuốc. Trong trường hợp tình trạng kích ứng da kéo dài hoặc thậm chí còn tăng nặng thì phải thông báo ngay cho bác sĩ để có phương án giải  quyết phù hợp. Đặc biệt cần tránh làm dính thuốc lên mắt, nếu để điều này xảy ra thì hãy đi rửa mắt ngay. Sau khi đã rửa mắt mà vẫn xuất hiện các triệu chứng bất thường ở mắt nghi ngờ do thuốc gây ra thì bệnh nhân nên đi khám nhãn khoa.

2.4. Thuốc trị ghẻ ivermectin

Đây là thuốc điều trị toàn thân đường uống, được dùng trong khắc phục các bệnh lý do nhiễm ký sinh trùng, ví dụ như bệnh giun lươn đường ruột, bệnh sán lá gan lớn. 

Đối với bệnh ghẻ, ivermectin được coi là giải pháp thay thế những thuốc bôi trước đã dùng nhưng không hiệu quả. Thuốc này chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp người bệnh đã trải qua thăm khám và kiểm tra có dấu vết của ký sinh  trùng.

Một số tác dụng phụ không mong muốn người bệnh có thể sẽ  gặp phải trong quá trình dùng thuốc đó là phát ban, sốt đột ngột, khó thở, ngứa ngáy, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón), chán ăn, tăng men gan,...  Những  tác dụng phụ này có thể nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân nhiễm cùng lúc nhiều loại ký sinh  trùng khác nhau.

3. Phương pháp phòng ngừa bệnh ghẻ 

Vì bệnh ghẻ có thể lây lan từ người này sang người khác, nhất là trong không gian tập thể ở chung với người bị ghẻ. Vì vậy cần điều trị cho tất cả mọi người có biểu hiện ngứa trong cùng một gia đình, ký túc xá, lớp học, môi trường sinh hoạt chung,... để tránh nguy cơ bệnh ghẻ lây nhiễm lẫn nhau. 

Ngoài ra tất cả các loại đồ dùng cá nhân như chăn chiếu, quần áo,... nên được giặt giũ, phơi phóng thường xuyên, sạch sẽ. Tốt hơn hết sau  khi giặt xong nên trụng những đồ vật này vào nước sôi rồi phơi nắng hoặc hong sấy cho thật khô, là nóng trước khi dùng. Điều này có tác dụng tiêu diệt triệt để trứng ghẻ và cái ghẻ, đề phòng lây nhiễm và mắc bệnh.

Ngoài ra, mỗi người nên tắm rửa  và vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày, không dùng chung đồ vật cá nhân với người khác. Bên cạnh đó nếu tiếp xúc với người bị ghẻ thì cần đi khám và điều trị ngay từ sớm.

Mỗi người nên tắm rửa  và vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày

Mỗi người nên tắm rửa  và vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày

Nhìn chung ghẻ không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng lại có khả năng lây lan và tái phát cao, gây ra nhiều bất tiện và triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Vì vậy khi điều trị bệnh nhân cần tuân thủ liệu trình dùng thuốc do bác sĩ kê đơn cũng như có một lối sống sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Mong rằng những thông tin do MEDLATEC chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh ghẻ và các thuốc trị ghẻ. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết hơn về phương pháp điều trị bệnh lý này, hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được đặt lịch khám cùng các bác sĩ chuyên khoa Da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngay hôm nay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.