Tin tức

Thuốc trị lác mắt và những phương pháp giúp khắc phục tình trạng này

Ngày 14/04/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Mắt lác là bệnh lý về thị lực có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính thẩm mỹ mà còn tác động đến khả năng nhìn của người bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc trị lác thì còn rất nhiều các phương thức khác giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

1. Tổng quan về bệnh mắt lác

1.1. Lác mắt là bệnh gì?

Mắt lác hay mắt lé xảy ra khi con ngươi của 2 mắt không cùng nhìn về một hướng cùng lúc. Điều này rất dễ nhận biết đó là một bên con ngươi sẽ bị trôi vào trong, hướng lên trên, đẩy ra ngoài hoặc hướng xuống dưới, trong khi con ngươi còn lại thì nhìn thẳng về phía trước. Sự lệch nhau này có thể luân phiên nhau.

Cơ vận nhãn trong mắt bao gồm 6 cơ, trong đó có 2 cơ chéo và 4 cơ thẳng. Bộ phận chịu trách nhiệm điều khiển 6 cơ này là dây thần kinh số II, số IV và số VI. Tình trạng các cơ vận nhãn bị mất cân bằng do tổn thương cơ hoặc các dây thần kinh chi phối sẽ dẫn đến lác mắt.

Mắt lác là khi con ngươi của 2 mắt không cùng nhìn về một hướng cùng lúc

Mắt lác là khi con ngươi của 2 mắt không cùng nhìn về một hướng cùng lúc

1.2. Nguyên nhân gây lác mắt

Lác mắt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do:

  • Ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới tập đi bị lác mắt thì có thể là do bất thường trong quá trình phát triển thể chất hoặc di truyền, do trục trặc dẫn truyền giữa các bộ phận như cơ, não, dây thần kinh điều khiển mắt hoặc sự bất thường bẩm sinh trong cấu tạo của hệ vận động nhãn cầu;

  • Mắc bệnh lý ở não;

  • Tổn thương ở dây thần kinh;

  • Các bệnh lý về mắt: do sự co quắp điều tiết mắt, bệnh đáy mắt, đục thủy  tinh thể, cận thị bẩm sinh nặng, viễn thị nặng, khối u ở mắt,...

  • Lác mắt cũng có thể là hệ quả sau khi bị chấn thương đầu, đột quỵ, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tuyến giáp,...

1.3. Cách nhận biết tình trạng mắt lác

Bệnh lý này  được nhận diện qua những triệu chứng như sau:

  • Hướng mắt thay đổi: một mắt đứng yên, mắt  còn lại di chuyển. Hoặc một mắt nhìn thẳng, mắt còn lại quay sai hướng;

  • Thường xuyên nháy mắt, dịu mắt, nhất là khi có ánh sáng;

  • Nhìn đôi và phải quay đổi hoặc nhìn nghiêng để quan sát rõ một vật thể nào đó;

  • Hình ảnh nhìn được bị chuyển động hoặc trong trạng thái bất ổn định;

  • Đau đầu, mệt mỏi, mỏi mắt và thường xuyên căng thẳng;

  • Khó tập trung.

Lác mắt không chỉ làm giảm chức năng thị giác mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ. Tình trạng này có thể gây nhược thị, rối loạn cơ vận nhãn, khó phân biệt khoảng cách chính xác, giảm khả năng quan sát hình nổi,... Điều này gây ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập và làm việc hàng ngày. Hiện nay nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại nên nhiều trường hợp bị lác mắt đã được chữa khỏi thành công. 

Mắt lác gây ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập và làm việc hàng ngày

Mắt lác gây ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập và làm việc hàng ngày

2. Có những phương pháp nào giúp điều trị tật lác mắt?

Để khắc phục chứng mắt lác, người bệnh cần tuân thủ theo 3 giai đoạn đó là: điều chỉnh mắt bằng kính, chữa nhược thị và cuối cùng là phẫu thuật. Trong quá trình này các thuốc trị lác mắt sẽ là phương tiện điều trị bổ trợ.

2.1. Chỉnh kính

Đây là khâu đầu tiên và có vai trò quan trọng giúp điều chỉnh tật lác mắt, nhất là đối với những trường hợp bị lác điều tiết đơn thuần. Biện pháp này có tác dụng giúp làm rõ nét các hình ảnh mà bệnh nhân nhìn thấy, đồng thời giúp 2 mắt phối hợp thị giác nhịp nhàng hơn. 

  • Đối với người bị loạn thị: nếu mức loạn thị từ 1D trở lên thì cần phải chỉnh kính;

  • Đối với người bị viễn thị: điều chỉnh kính cần dựa theo độ tuổi của bệnh nhân, cụ thể nếu trẻ dưới 2 tuổi bị viễn thị 4D nhưng không lác thì cần chỉnh kính, trong trường hợp bị lác trong thì viễn thị từ 2D đã cần phải chỉnh kính;

  • Đối với bệnh nhân cận thị: trong trường hợp dưới 2 tuổi nếu cận từ 5D trở lên thì cần chỉnh kính. Ở những trẻ từ 2 - 4 tuổi thì áp dụng ở mức 3D. Từ 4 tuổi trở lên cần chỉnh kính từ độ cận thị thấp hơn để trẻ có thể quan sát rõ chữ trên bảng.

2.2. Điều trị nhược thị

Nếu được phát hiện và khắc phục từ sớm thì có thể hồi phục tốt hơn tình trạng nhược thị. Các biện pháp cải thiện bao gồm:

Phương pháp bịt mắt:

Cách này đặc biệt hiệu quả với trẻ nhỏ. Bạn có thể sử dụng miếng vải sẫm màu hoặc gạc băng để che đi một bên mắt. Đối với những trẻ đang phải đeo kính thì có thể dính băng keo đục lên mắt kính. Cụ thể như sau:

  • Bịt mắt lác: áp dụng cho những bệnh nhân bị định thị trung tâm kèm theo nhược thị. Trước khi chỉnh thị thì phải bịt bên mắt lác trong nhiều tuần;

  • Bịt mắt lành: khi mắt lành bị bịt lại thì bên mắt lác sẽ phải làm việc nhiều hơn, điều này giúp làm phục hồi thị lực. Tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và độ nhược thị sẽ quyết định thời gian bịt mắt khác nhau, thường trong khoảng từ 3 - 6 ngày/tuần;

  • Bịt mắt từng lúc: tập luyện bên mắt bị lác kết hợp với bịt mắt bên lành khoảng 1 giờ/ngày;

  • Bịt mắt luân phiên: tập cân bằng thị lực 2 mắt bằng cách bịt luân phiên 2 mắt mỗi ngày.

Phương pháp bịt mắt trong điều trị mắt lác

Phương pháp bịt mắt trong điều trị mắt lác

Gia phạt:

Đây là một hình thức giúp cân bằng khả năng quan sát không gian cho mắt bằng thuốc hoặc kính. Tức là một mắt chuyên để nhìn gần, mắt còn lại dùng để nhìn xa giúp hài hòa khả năng thị giác cho 2 mắt. Gia phạt bao gồm các phương pháp như gia phạt xa, gia phạt gần, gia phạt toàn bộ và dùng thuốc atropin. 

Điều trị chỉnh thị:

Điều trị chỉnh thị có thể được áp dụng cho những trẻ từ 5 tuổi trở lên, đã dùng phương pháp bịt mắt nhưng không hiệu quả hoặc chưa từng bịt mắt. Cách thực hiện như sau:

  • Tập xâu hạt cườm hoặc tô vẽ mỗi ngày;

  • Chỉnh thị bằng các máy như synoptophore, euthyscope hay co-ordinator,...

2.3. Dùng thuốc trị lác

Nếu bệnh nhân bị lác trong điều tiết, không thể đeo kính thì trong trường hợp này có thể dùng thuốc có tác dụng gây co đồng tử mạnh. Các thuốc này giúp co quắp điều tiết, giảm độ quy tụ do điều tiết mắt nhất là khi nhìn gần. Các loại thuốc thường dùng đó là pilocarpin 4% (liều 4 lần/ngày, duy trì trong 6 tuần), hoặc ecothiopate iodua 0.125% (dùng 1 lần/ngày). Các thuốc này chỉ nên dùng trong thời gian ngắn vì có thể làm tăng nguy cơ hình thành nang mống mắt.

Ngoài ra còn một loại thuốc khác là botulinum. Chất này có khả năng làm liệt cơ mắt trong một thời gian để giúp 2 mắt tái lập sự cân bằng. 

2.4. Phẫu thuật trị mắt lác

Nếu những phương pháp nêu trên không đem lại hiệu quả tích cực thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân mổ mắt lác. Đối với trẻ em sẽ vận dụng kỹ thuật điều chỉnh cơ bám trên mắt, có thể là làm yếu các cơ này đi hoặc chuyển chúng đến vị trí khác để thay đổi hướng nhìn của mắt bị lác. Nhờ đó mắt sẽ hoạt động cân bằng. Đa phần phẫu thuật mắt lác ở trẻ đều có tỷ lệ thành công cao và không gây nguy hiểm. Thực hiện phẫu thuật càng sớm sẽ đem lại hiệu quả điều trị càng cao.

Mỗi ca phẫu thuật thường sẽ diễn ra trong khoảng 20 - 40 phút. Sau khi mổ mắt lác người bệnh có thể ra về và tái khám theo lịch hẹn.

Như vậy mong rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng mắt lác, các phương pháp và loại thuốc trị lác hiệu quả. Nếu bạn cần được giải đáp các băn khoăn về tình trạng này hoặc cần đặt lịch thăm khám Chuyên khoa Mắt, hãy liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, tổng đài viên sẽ giúp bạn sắp xếp lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Mắt của bệnh viện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.