Tin tức
Tìm hiểu bệnh xoắn khuẩn vàng da do vi khuẩn Leptospira gây nên
- 24/05/2020 | Bạn có biết gì về bệnh do vi khuẩn Leptospira gây ra?
- 17/07/2013 | Nhận diện bệnh nhiễm xoắn khuẩn
1. Bệnh xoắn khuẩn vàng da là gì?
Bệnh xoắn khuẩn vàng da là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc chi Leptospira gây ra trên người và động vật với biểu hiện chủ yếu là vàng da.
Hình ảnh xoắn khuẩn Leptospira interrogans
Xoắn khuẩn Leptospira interrogans là tác nhân gây bệnh xoắn khuẩn vàng da ở người. Đây là bệnh có nguy cơ cao với những người thường xuyên làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc với động vật, ví dụ như nông dân, thợ may, bác sĩ thú y, công nhân chế biến cá, nông dân sản xuất bơ sữa hoặc làm việc trong quân đội,… Đây cũng là bệnh nguy cơ với những người đi cắm trại hoặc những người tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời trong khu vực lây nhiễm, những người thường xuyên bơi, lội, di chuyển bằng bè trên hồ, sông bị nhiễm.
2. Triệu chứng và đường lây của bệnh xoắn khuẩn vàng da
Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, đau đầu dữ dội, ớn lạnh, đau cơ và nôn mửa, có thể bao gồm cả bệnh vàng da (vàng da và mắt), đỏ mắt, đau bụng hoặc phát ban. Nếu bệnh không được điều trị, bệnh nhân có thể bị tổn thương thận, viêm màng não (viêm màng xung quanh não và tủy sống), suy gan, suy hô hấp và có thể gây tử vong. Nhiều trong số các triệu chứng trên có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Đường lây Leptospira gây bệnh vàng da
Người có thể bị lây trực tiếp qua da khi bị xây xát, qua niêm mạc mắt, mũi, miệng, bộ phận sinh dục khi tiếp xúc với chó mèo nhiễm Leptospira. Người cũng có thể bị lây gián tiếp qua môi trường (đất cát, nước, rau,...) bị nhiễm xoắn khuẩn do nước tiểu súc vật thải ra.
Vì vậy người làm việc trong môi trường trang trại chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phòng khám thú y hay làm việc tại nơi ao hồ sông suối,... có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Thời gian xuất hiện kháng thể và các xét nghiệm chẩn đoán
Khi nào thì xuất hiện kháng thể?
Sau khi nhiễm vào cơ thể người, xoắn khuẩn vàng da có mặt trong máu khoảng 4 đến 7 ngày cho đến khi chúng được loại bỏ khỏi cơ thể. Các kháng thể kháng Leptospira có thể được phát hiện vào ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 của bệnh, đạt mức độ cao nhất trong vòng 3 đến 4 tuần và sau đó giảm dần. Đôi khi, các kháng thể có thể được phát hiện nhiều năm sau khi lây nhiễm xoắn khuẩn. Các kháng thể IgM kháng Leptospira được phát hiện trong tuần đầu tiên của bệnh giúp can thiệp điều trị sớm tại thời điểm hiệu quả nhất. Các kháng thể IgG xuất hiện vào thời điểm sau nhiễm và có thể tồn tại trong vài năm.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh xoắn khuẩn vàng da
Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán Leptospira là nuôi cấy phân lập được xoắn khuẩn từ máu, dịch não tủy hoặc nước tiểu. Phương pháp này cần môi trường nuôi cấy đặc biệt, thường kéo dài vài tuần và chỉ có thể áp dụng được trong giai đoạn đầu của nhiễm bệnh, 14 ngày sau phơi nhiễm.
Do đó, các xét nghiệm huyết thanh được sử dụng thường xuyên nhất trong chẩn đoán Leptospira, bao gồm: xét nghiệm ngưng kết vi thể, xét nghiệm kháng huỳnh quang gián tiếp, xét nghiệm ELISA và xét nghiệm Leptospira IgG/ IgM nhanh.
3. Nên xét nghiệm chẩn đoán bệnh xoắn khuẩn vàng da Leptospira khi nào?
Bệnh xoắn khuẩn vàng da do Leptospira rất dễ lây nhiễm đối với con người, do đó bạn cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh vàng da Leptospira khi cơ thể có một trong các triệu chứng sau:
- Có triệu chứng nguy cơ: sốt cao từng cơn, vàng da, vàng mắt, đau đầu, đau cơ, kết mạc đỏ, đau căng cơ, ban đỏ, xuất huyết, tăng men gan.
Hình ảnh vàng da vàng mắt do Leptospira
- Triệu chứng khác: gai rét/ rét run, buồn nôn, tiêu chảy, suy nhược, chán ăn, sợ ánh sáng.
- Phân biệt vàng da do xoắn khuẩn với vàng da do nguyên nhân khác: vàng da do bệnh lý về gan, Rickettsia, sốt rét.
- Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ:
+ Tiếp xúc (trực tiếp hoặc gián tiếp) với nước tiểu của động vật bị bệnh.
+ Cư trú hoặc đi đến một vùng lưu hành dịch.
+ Cư trú hoặc đi đến khu vực mới bị lũ lụt.
+ Tham gia các môn thể thao dưới nước như bơi lội,...
Xét nghiệm bệnh xoắn khuẩn vàng da là một xét nghiệm huyết thanh đơn giản sử dụng kháng nguyên từ L. interrogans để phát hiện và phân biệt kháng thể IgG và IgM kháng Leptospira.
Nhận mẫu xét nghiệm bệnh viện MEDLATEC
- Mẫu bệnh phẩm: Máu toàn phần, huyết thanh, huyết tương chống đông EDTA, Heparin.
- Cách bảo quản mẫu: Mẫu nên được vận chuyển về phòng xét nghiệm ngay sau khi lấy, nếu chưa vận chuyển được trong ngày cần bảo quản đúng cách. Cụ thể:
+ Bảo quản trong 24h: ở nhiệt độ thường 15 - 25 độ C.
+ Bảo quản trong 5 ngày: ở 2 - 8 độ C.
+ Bảo quản trong thời gian lâu hơn: ở ≤ -20 độ C.
- Thời gian trả kết quả: 90 phút sau khi nhận mẫu.
4. Làm thế nào để phòng tránh bệnh xoắn khuẩn vàng da
- Tuyên truyền cho cộng đồng thông tin cần thiết về bệnh xoắn khuẩn vàng da (do Leptospira), đặc biệt là vùng đã từng có ổ bệnh, người có yếu tố nguy cơ nghề nghiệp (thường xuyên tiếp xúc với động vật, làm việc nơi ao hồ,...).
- Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, thường xuyên khử trùng, tẩy uế,... đặc biệt là xử lý nước thải.
- Người làm việc trong môi trường trang trại, ao hồ,... thường xuyên tiếp xúc với động vật và yếu tố có khả năng lây nhiễm phải được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ: găng tay, khẩu trang, giày, quần áo bảo hộ.
- Cơ sở chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phòng khám thú y,... tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường và cần phải được kiểm tra định kỳ.
- Tiêm vacxin phòng Leptospira cho người làm nghề có nguy cơ lây bệnh cao, sống tại nơi đã từng/ đang lưu hành bệnh hoặc thường xuyên du hành đến những nơi có bệnh.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo số 1900565656 khi bạn hay gia đình bạn có một trong số các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm xoắn khuẩn vàng da. Bạn sẽ được hướng dẫn và cung cấp thông tin cần thiết nhất để chẩn đoán và điều trị.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!