Tin tức
Tìm hiểu các kỹ thuật nắn trật khớp vai hiệu quả
1. Nguyên nhân gây trật khớp vai
Trật khớp vai là tình trạng khớp vai bị lệch khỏi vị trí bình thường, khiến xương cánh tay (xương humerus) bị lệch khỏi ổ khớp bả vai (ổ chảo scapula), gây ra sự biến dạng của khớp. Trong trường hợp bị trật khớp vai, cơn đau dữ dội sẽ xuất hiện tại khu vực này và tạm thời mất khả năng vận động bình thường của khớp.
Mặc dù trật khớp xương bả vai không phải là một chấn thương đe dọa đến tính mạng, nhưng lại gây ra những cơn đau dữ dội và hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Nếu không được xử lý kịp thời, chấn thương này có thể để lại những di chứng lâu dài, làm giảm hoặc mất chức năng của khớp vai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc và chất lượng cuộc sống. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trật khớp vai, bao gồm:
- Tai nạn lao động: Những người làm công việc yêu cầu bê, nâng, vác những đồ vật nặng bằng cổ vai gáy;
Thường xuyên bê, nâng, vác đồ vật nặng bằng cổ vai gáy có thể dẫn đến tình trạng trật khớp vai
- Tai nạn giao thông: Va đập mạnh xảy ra khi bị tai nạn giao thông;
- Gặp chấn thương trong khi chơi thể thao: Các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, khúc côn cầu, đua xe đạp địa hình, lướt ván…;
- Tai nạn sinh hoạt: Những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày có thể khiến vùng vai bị ảnh hưởng trực tiếp.
Một số triệu chứng phổ biến khi bị trật khớp vai có thể kể tới như sau:
- Những cơn đau dữ dội xuất hiện khi cố gắng cử động sau chấn thương;
- Không cử động được khớp vai;
- Biến dạng khớp vai do bị trật;
- Xuất hiện tình trạng sưng hoặc bầm tím tại vị trí vai và cánh tay;
- Dưới cổ bàn tay bị tê bì.
2. Phương pháp điều trị trật khớp
Trong từng trường hợp cụ thể dựa trên mức độ chấn thương mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể như sau:
Nắn chỉnh khớp vai
Phương pháp nắn trật khớp vai được áp dụng cho những trường hợp trật khớp mới. Bác sĩ tiến hành các thao tác nhằm đưa chỏm xương cánh tay trở lại đúng vị trí trong ổ khớp bả vai. Tùy vào mức độ sưng tấy và đau, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giãn cơ hoặc thuốc an thần để làm dịu cảm giác khó chịu, giúp việc nắn khớp trở nên dễ dàng hơn. Sau khi xương được nắn về vị trí cũ, các cơn đau sẽ giảm thiểu rõ rệt.
Phẫu thuật
Phương pháp này được thực hiện khi trật khớp vai gây tổn thương nghiêm trọng như vai mất vững do giãn hoặc yếu các dây chằng hoặc có tổn thương ở xương và sụn viền khớp. Bên cạnh đó, trường hợp bệnh nhân có dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương cũng cần tiến hành mổ.
Một số trường hợp trật khớp vai nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật
Cố định khớp vai
Bác sĩ sẽ dùng một loại áo hay nẹp chuyên dụng để giữ cho khớp vai của người bệnh ổn định. Tùy theo mức độ tổn thương, thời gian cố định sẽ kéo dài từ vài ngày đến khoảng 3 tuần.
Sử dụng thuốc
Để giúp người bệnh giảm bớt cảm giác đau đớn và thoải mái hơn trong thời gian điều trị và hồi phục chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ.
Phục hồi chức năng
Các bài tập vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi. Tuy nhiên, quá trình tiến hành cần có sự hướng dẫn và theo dõi bởi y bác sĩ có chuyên môn. Người bệnh tuyệt đối không tự ý vận động vì có thể khiến tình trạng khớp vai trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Các kỹ thuật nắn trật khớp vai phổ biến
Các kỹ thuật nắn trật khớp vai cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm, vì nếu thực hiện sai cách, có thể gây tổn thương cho các mô xung quanh, dây thần kinh và mạch máu.
Phương pháp Hippocrates (Phương pháp Gót chân)
Phương pháp Hippocrates, hay còn gọi là phương pháp "gót chân". Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm ngửa. Bác sĩ sẽ nắm lấy tay của bệnh nhân, để hơi dạng ra và kéo cánh tay theo trục dọc. Dùng gót chân cho vào nách bệnh nhân sau đó đạp mạnh để chống lại lực kéo ở tay. Quá trình này kéo dài khoảng 5 phút, bỏ gót chân ra rồi đưa cánh tay bệnh nhân lại vào trong. Nếu có tiếng “cục” phát ra, điều này có nghĩa chỏm xương đã vào đúng vị trí trong ổ khớp.
Các phương pháp nắn trật khớp vai yêu cầu người có chuyên môn thực hiện
Phương pháp Kocher
Bệnh nhân được chỉ định ngồi ở tư thế gấp khuỷu 90 độ. Khuỷu bên tay trật của bệnh nhân sẽ được bác sĩ ép vào lồng ngực, đồng thời đưa cánh tay duỗi ra sau tối đa. Quay cẳng tay ra ngoài cho đến mặt phẳng đứng ngang lúc này chỏm xương cánh tay bị trật sẽ về đúng như vị trí ban đầu.
Bất động sau khi nắn chỉnh (Băng bột kiểu Desault)
Cánh tay bệnh nhân được gập một góc 20 độ, cẳng tay chéo qua trước ngực. Làm như vậy cánh tay sẽ được xoay vào trong, từ đó bao khớp ở phía trước bị rách được chùng lại và dễ liền hơn. Sau đó bác sĩ sẽ bó bột để cố định xung quanh vùng tổn thương, thời gian giữ bột 3 - 4 tuần.
Những phương pháp nắn trật khớp vai được trình bày trên đây được đánh giá mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên người bệnh cần nắm rõ lưu ý quan trọng là cần được thực hiện bởi người có chuyên môn. Nếu người dân xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc tình trạng trật khớp vai nói riêng hoặc bệnh lý Cơ xương khớp nói chung, hãy liên hệ tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!