Tin tức
Tìm hiểu về các chỉ số xét nghiệm chức năng gan cơ bản
- 14/04/2025 | Rối loạn chức năng gan - Cảnh báo sức khỏe từ bên trong cơ thể
- 19/04/2025 | Xét nghiệm sinh hóa GGT đánh giá chức năng gan mật
- 04/05/2025 | Viêm gan siêu vi có nguy hiểm không? Bao gồm những chủng nào?
1. Khái quát về vai trò của xét nghiệm chức năng gan
1.1. Xét nghiệm chức năng gan có vai trò gì?
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất và đóng vai trò trung tâm trong chuyển hóa. Cơ quan này tham gia vào hàng trăm phản ứng sinh hóa thiết yếu của cơ thể, bao gồm chuyển hóa dinh dưỡng, tổng hợp protein, khử độc, dự trữ một số chất quan trọng, sản xuất mật và hỗ trợ chức năng miễn dịch. Khi gan gặp vấn đề, các chức năng này bị rối loạn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
xét nghiệm chức năng gan là xét nghiệm phân tích các chỉ số sinh hóa trong máu phản ánh tình trạng hoạt động của gan. Kết quả từ chỉ số xét nghiệm chức năng gan giúp bác sĩ:
- Đánh giá mức độ tổn thương của tế bào gan.
- Kiểm tra khả năng bài tiết mật và hoạt động của đường mật.
- Đánh giá khả năng tổng hợp protein của gan.
- Đánh giá chức năng đông máu.
- Khi kết hợp với các xét nghiệm huyết học, virus viêm gan (HBsAg, Anti-HCV), hình ảnh học,… có thể giúp bác sĩ phát hiện: viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan,...
Chỉ số xét nghiệm chức năng gan cung cấp căn cứ để bác sĩ chẩn đoán bệnh lý về gan
1.2. Thực hiện xét nghiệm chức năng gan trong trường hợp nào?
Xét nghiệm chức năng gan sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện trong các trường hợp:
- Người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ bệnh gan như: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu,...
- Người có tiền sử bệnh lý về gan.
- Người có thói quen uống rượu bia thường xuyên.
- Người đang trong quá trình điều trị các bệnh lý mạn tính.
- Người sử dụng thuốc gây độc gan (ví dụ: truyền hoá chất điều trị ung thư, Paracetamol kéo dài…).
- Khám sức khỏe định kỳ.
1.3. Các yếu tố có thể chi phối đến kết quả chỉ số xét nghiệm gan
Một số chỉ số như bilirubin có thể bị ảnh hưởng bởi bữa ăn gần thời điểm lấy máu, do đó nên nhịn ăn nhẹ 6 - 8 giờ trước xét nghiệm nếu có chỉ định đo nhóm này:
- Dùng thuốc trước khi lấy mẫu xét nghiệm (thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, thuốc an thần,…)
- Ăn hoặc uống rượu quá gần thời điểm lấy máu.
- Tập thể dục thể thao gắng sức trước khi thực hiện lấy mẫu.
- Các yếu tố khác như mẫu máu tan huyết, vận chuyển sai quy trình, điều kiện bảo quản mẫu cũng có thể gây sai lệch kết quả.
2. Ý nghĩa của một vài chỉ số xét nghiệm gan cơ bản
Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan cơ bản sau đây là căn cứ để bác sĩ đánh giá tổng quát chức năng gan:
2.1. Chỉ số ALT
ALT là enzyme chủ yếu trong tế bào gan. Giá trị bình thường của chỉ số này trong khoảng 0 - 45 IU/L. Nếu xét nghiệm chức năng gan cho thấy chỉ số ALT vượt ngưỡng này có thể cảnh báo tổn thương tế bào gan, viêm gan, xơ gan hoặc gan nhiễm mỡ.
2.2. Chỉ số AST
AST là enzyme do gan sản xuất, tập trung chủ yếu ở gan và cơ tim. Giá trị bình thường của AST ở mức 0 - 40 IU/L. AST tăng đồng thời với ALT thường gợi ý tổn thương gan cấp tính hoặc mạn tính.
AST - một trong các chỉ số cần lưu tâm khi xét nghiệm chức năng gan
2.3. Chỉ số GGT
GGT chủ yếu có trong đường mật. Chỉ số này có sự chênh lệch theo giới:
- Ở nam giới, chỉ số GGT trong khoảng 11 - 50 IU/L.
- Ở nữ giới, chỉ số GGT trong khoảng 7 -32 IU/L.
GGT tăng cao khi tắc mật hoặc lạm dụng rượu.
2.4. Chỉ số Bilirubin
Bilirubin trong gan tồn tại với 2 dạng: trực tiếp và gián tiếp. Bình thường, chỉ số bilirubin toàn phần ở mức 0.2 - 1 mg/dL.
- Chỉ số bilirubin trực tiếp nằm trong mức 0 - 0.4 mg/dL.
- Chỉ số bilirubin gián tiếp nằm trong mức 0.1 - 1 mg/dL.
Tăng bilirubin gián tiếp thường gợi ý hiện tượng tăng phá hủy hồng cầu (tán huyết) hoặc rối loạn trong quá trình liên hợp tại gan. Trong khi đó, tăng bilirubin trực tiếp chủ yếu liên quan đến tổn thương tế bào gan hoặc tắc nghẽn đường mật, làm cản trở quá trình bài tiết mật. Bác sĩ thường kết hợp các chỉ số này với biểu hiện lâm sàng như vàng da, vàng mắt để định hướng chẩn đoán giữa các nguyên nhân như tán huyết, viêm gan, xơ gan hoặc tắc mật.
2.5. Chỉ số Albumin
Albumin là protein do gan tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong duy trì áp suất thẩm thấu keo trong máu và vận chuyển nhiều chất trong cơ thể. Bình thường, chỉ số này trong khoảng 3.4 - 5.4 g/dL. Giảm Albumin gợi ý suy giảm chức năng tổng hợp của gan, xơ gan hoặc suy dinh dưỡng.
2.6. Chỉ số thời gian Prothrombin
Gan sản xuất hầu hết các yếu tố đông máu cần thiết cho quá trình cầm máu. Thời gian Prothrombin (PT) là khoảng thời gian trung bình cần có để quá trình đông máu diễn ra bình thường (9 - 11 giây).
Để quá trình này hoàn tất không thể thiếu sự có mặt của vitamin K. Trường hợp thiếu vitamin K hoặc chức năng gan bị ảnh hưởng, chỉ số xét nghiệm chức năng gan sẽ cho thấy thời gian Prothrombin lâu hơn bình thường, người bệnh có nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng, nhất là khi bị xơ gan.
2.7. Chỉ số ALP
ALP là enzyme có mặt nhiều nhất trong gan, xương và đường tiêu hóa. Bình thường, chỉ số xét nghiệm gan ALP ở mức 25 - 85 IU/L. ALP tăng cao khi có tắc mật, tổn thương ống dẫn mật hoặc bệnh lý tại xương.
3. Khi các chỉ số xét nghiệm chức năng gan bất thường người bệnh cần làm gì?
Khi phát hiện chỉ số xét nghiệm chức năng gan bất thường, người bệnh nên thực hiện các bước sau để đảm bảo quản lý và chăm sóc sức khỏe hiệu quả:
- Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe của mình.
- Tuân thủ mọi hướng dẫn điều trị, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà do bác sĩ chỉ dẫn.
- Tái khám định kỳ để tiến hành xét nghiệm theo dõi các chỉ số chức năng gan.
Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan chỉ cung cấp dữ liệu ban đầu hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chẩn đoán. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác bệnh lý gan và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Khách hàng được bác sĩ của MEDLATEC giải đáp các thông số trong kết quả xét nghiệm chức năng gan
Ngoài các trường hợp có vấn đề về sức khỏe, nghi ngờ tổn thương gan, xét nghiệm chức năng gan định kỳ cũng được khuyến nghị thực hiện để phát hiện sớm tổn thương gan, có hướng điều chỉnh lối sống lành mạnh giúp bảo vệ tốt chức năng gan.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, đặt lịch xét nghiệm chức năng gan hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp và hướng dẫn chi tiết.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
