Tin tức
Tìm hiểu về các loại khí cụ niềng răng - công cụ hỗ trợ cho nụ cười hoàn hảo
Tìm hiểu về các loại khí cụ niềng răng - công cụ hỗ trợ cho nụ cười hoàn hảo
Khí cụ niềng răng là công cụ hỗ trợ được sử dụng trong quá trình niềng răng. Mỗi phương pháp niềng, tình trạng răng miệng,... sẽ phù hợp với loại khí cụ nhất định. Bài viết này sẽ cùng bạn khám phá về các loại khí cụ niềng răng và công dụng của chúng để bạn hiểu thêm về phương pháp chỉnh nha mà mình lựa chọn.
1. Khí cụ chỉnh nha là gì?
Khí cụ chỉnh nha là một công cụ hỗ trợ không thể thiếu khi niềng răng. Đây là những dụng cụ được thiết kế chuyên biệt để điều chỉnh vị trí của răng và hàm, giúp tạo nên một nụ cười đều đặn và hài hòa.
Có nhiều loại khí cụ niềng răng, được sử dụng để hỗ trợ quá trình chỉnh nha đạt kết quả như mong muốn
Có rất nhiều loại khí cụ chỉnh nha được thiết kế phù hợp với từng phương pháp niềng răng nhất định. Việc sử dụng khí cụ này còn giúp bác sĩ nha khoa theo dõi để có kế hoạch điều chỉnh lực phù hợp để đạt được hiệu quả chỉnh nha.
2. Các loại khí cụ niềng răng phổ biến nhất trong quá trình niềng răng
2.1. Khí cụ chỉnh nha cho niềng răng mắc cài
Đây là phương pháp chỉnh nha truyền thống sử dụng các khí cụ niềng răng sau:
2.1.1. Dây cung
Dây cung dùng cho niềng răng mắc cài được thiết kế dạng mảnh dài, gắn cố định vào mắc cài bằng chốt tự động hoặc dây thun. Có nhiều loại dây cung được làm từ các chất liệu khác nhau được lựa chọn theo nhu cầu của từng khách hàng.
Khi sử dụng dây cung, một lực kéo được tạo ra để dịch chuyển vị trí của răng theo lộ trình của bác sĩ. Nhờ vậy mà tình trạng sai lệch khớp cắn giữa hai hàm cũng được khắc phục.
Các loại khí cụ thường dùng cho niềng răng mắc cài
2.1.2. Mắc cài
Mắc cài sẽ được gắn trực tiếp lên bề mặt răng để răng dịch chuyển đúng hướng trên cung hàm theo lực kéo do bác sĩ tạo ra. Có nhiều vật liệu mắc cài trong đó mắc cài sứ và pha lê tương đồng màu với răng nên mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất.
Có 2 loại mắc cài là mắc thường và mắc tự buộc. Loại mắc cài thường cần thay dây thun và siết định kỳ. Loại mắc cài tự buộc có nắp trượt tự động nên không cần dây thun mà vẫn tạo ra lực tác động giữ cho sự di chuyển ổn định của răng như ý muốn
2.1.3. Hook
Hook là khí cụ niềng răng dùng để gắn dây thun vì nó được thiết kế dạng móc gắn vào răng hoặc mắc cài. Tùy vào từng ca chỉnh nha mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại hook phù hợp để sử dụng. Hook thường được dùng cùng với dây cung, dây thun, vít niềng,… để kéo hai hàm lại với nhau.
2.1.4. Band
Band là khí cụ niềng răng có thiết kế dạng vòng kim loại gắn vào răng hàm số 6 hoặc 7. Nhờ có bank mà hệ thống mắc cài có điểm tựa vững chắc trong suốt quá trình niềng răng.
Mỗi band niềng gồm: lò xo hoặc móc chun, ống luồn dây cung ở phía má và ống gắn khí cụ ở phía lưỡi.
Không phải mọi ca niềng răng đều cần gắn band. Chỉ khi gắn mắc cài có nguy cơ bung do thân răng ngắn hoặc cần dùng khí cụ nong hàm thì mới dùng đến band.
2.1.5. Thun liên hàm
Khí cụ niềng răng này dùng trong trường hợp răng khểnh, răng mọc lệch hướng lên trên và cần điều chỉnh khớp cắn. Thun liên hàm làm từ chất liệu cao su an toàn, một đầu gắn vào mắc cài hàm trên, đầu kia gắn vào mắc cài hàm dưới để tạo ra lực xiết di chuyển răng.
2.1.6. Vít niềng răng
Loại khí cụ niềng răng này có hình xoắn ốc, kích thước nhỏ, dùng để tạo ra điểm neo kết nối với mắc cài, nhờ đó mà răng di chuyển được về đúng vị trí và tăng độ chuẩn của khớp cắn.
Vít chỉnh nha chủ yếu chỉ dùng với trường hợp bị mất quá nhiều răng, độ cứng của cung hàm lớn, răng hô,...
2.1.7. Lò xo
Lò xo gồm 3 loại: lò xo đẩy, lò xo kéo và lò xo duy trì, tất cả đều được làm bằng thép không gỉ với các vòng tròn nối tiếp. Trong niềng răng mắc cài, lò xo gắn vào răng hàm để kết nối với dây cung ở sau răng số 3.
2.1.8. Thun chuỗi
Đây là khí cụ niềng răng gồm có nhiều vòng chữ O làm bằng cao su an toàn, được gắn lên mắc cài để đóng khoảng trống ở các răng. Thun chuỗi có nhiều màu, được khách hàng lựa chọn theo sở thích của mình.
2.1.9. Khí cụ nong hàm
Khí cụ này có tác dụng gia tăng diện tích vòm miệng, tạo khoảng trống cho răng mọc lệch di chuyển dễ hơn. Không phải trường hợp niềng răng mắc cài nào cũng cần đến khí cụ nong hàm mà chủ yếu chỉ dụng khi: vòm hàm méo, lệch, hẹp; răng không có đủ chỗ để sắp xếp;...
Đây là khí cụ niềng răng được sử dụng trước khi các khí cụ khác gắn lên răng. Tùy vào tình trạng răng hàm của mỗi người mà thời gian đeo nong khác nhau, thường trong khoảng 1 - 6 tháng.
2.1.10. Dây thun tách kẽ
Với thiết kế dạng thanh kim loại chữ L hoặc miếng cao su hình tròn, dây thun tách kẽ được gắn vào kẽ răng số 5, 6 hoặc số 7 tùy theo cách nha sĩ sử dụng. Sử dụng dây thun tách kẽ sẽ giúp khoảng cách giữa hai răng được nới rộng để dễ đặt band niềng.
2.1.11. Kìm chỉnh nha
Kìm chỉnh nha bằng thép không gỉ được sử dụng phổ biến nhất. Có nhiều loại kìm chỉnh nha, mỗi loại được dùng với một mục đích nhất định:
- Kìm bẻ đuôi dây Niti: dùng để bẻ đuôi dây cung.
- Kìm bấm Hook TC: dùng để bấm các hook trên dây cung.
- Kìm tháo mắc cài: dùng để tháo mắc cài trên răng.
- Kìm Weingart: dùng để đặt dây cung trong rãnh mắc cài và uốn cong phần cuối dây cung.
- Kìm cạo vật liệu dư: dùng để loại bỏ vật liệu dư thừa sau khi tháo mắc cài.
2.2. Khí cụ chỉnh nha cho niềng răng khay trong suốt
Do đây là phương pháp chỉnh nha hiện đại nhất nên các loại khí cụ niềng răng được sử dụng ít hơn rất nhiều so với niềng răng mắc cài. Hai khí cụ chính sẽ được dùng cho phương pháp chỉnh nha này là:
Khay niềng trong suốt và Attachment dùng trong niềng răng trong suốt
2.2.1. Khay niềng trong suốt
Khay trong suốt được thiết kế với bề mặt trơn, nhẵn và kích thước phù hợp với hàm răng của từng người. Việc dùng khay niềng sẽ tạo nên áp lực điều chỉnh răng mọc lệch về đúng vị trí.
Loại khay này không gắn mắc cài, dễ tháo lắp nên rất thuận tiện trong chăm sóc răng miệng khi niềng răng.
2.2.2. Nút Attachment
Nút Attachment làm bằng nhựa Composite, gắn lên răng bằng keo nha khoa chuyên dụng nhằm hỗ trợ tạo lực cho khay niềng, đóng khoảng vị trí nhổ răng và tạo điều kiện để răng di chuyển đúng hướng.
Không phải mọi trường hợp niềng bằng khay trong suốt đều cần dùng đến khí cụ Attachment. Chì các trường hợp răng mọc lệch hướng ra ngoài hoặc xoay vào trong thì mới dùng đến khí cụ này.
2.3. Khí cụ chỉnh nha chung cho các phương pháp niềng răng
Dù bạn niềng răng bằng mắc cài hay khay trong suốt thì có một khí cụ không thể bỏ qua đó là hàm duy trì. Khí cụ này có tác dụng cố định vị trí răng, ngăn không cho tình trạng xô lệch răng xảy ra sau khi hoàn tất chỉnh nha.
Các loại hàm duy trì thường dùng sau niềng răng
Hàm duy trì được dùng sau tháo niềng, đeo trong 6 - 12 tháng. Có 3 loại hàm duy trì đang được dùng phổ biến là cố định, hàm tháo lắp bằng kim loại và hàm tháo lắp bằng nhựa trong. Tùy vào tình trạng răng hàm và nhu cầu của khách hàng mà bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng loại hàm duy trì phù hợp.
Nói chung, có nhiều loại khí cụ niềng răng, mỗi loại có tác dụng riêng và góp phần vào sự thành công của quá trình chỉnh nha. Khi bạn đã có quyết định niềng răng, dựa trên phương pháp mà bạn lựa chọn, bác sĩ sẽ tư vấn các loại khí cụ phù hợp để niềng răng đạt kết quả tốt nhất.
Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu chi tiết hơn về khí cụ niềng răng có thể gọi đến tổng đài của MedDental thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!