Tin tức

Tổng hợp những cách phòng ngừa áp xe nha chu hiệu quả nhất

Ngày 03/11/2022
Bệnh áp xe nha chu thường gặp ở những trường hợp bị viêm nha chu nhưng không được điều trị triệt để. Cùng tham khảo những thông tin dưới đây để biết căn bệnh này nguy hiểm như thế nào và cách phòng ngừa ra sao. 

1. Áp xe nha chu do những nguyên nhân nào gây ra?

Áp xe nha chu là một dạng nhiễm trùng cấp tính. Khi có điều kiện thuận lợi, những vi khuẩn từ túi nha chu có thể xâm nhập vào các mô quanh răng. Tại đây, chúng gây kích hoạt những phản ứng viêm, tạo ra những ổ áp xe nha chu hay chính là những ổ nhiễm trùng cấp tính, phá hủy các tổ chức mô ở nha chu một cách nhanh chóng. 

áp xe nha chu

Viêm nha chu có thể dẫn tới áp xe nha chu

Những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công vào các mô và gây ra những ổ áp xe vùng nha chu là:

- Do những vấn đề liên quan đến nha chu:

+ Bệnh viêm nha chu

Hệ vi khuẩn gây bệnh áp xe nha chu có thể kể đến như Prevotella, Streptococcim, Actinomyces, …… tương tự với viêm túi nha chu. 

Khi bị viêm nha chu, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như chảy máu chân răng, sưng lợi, đỏ lợi, hơi thở hôi, có nhiều mảng bám răng, dịch chảy ra nếu ấn vào túi lợi, răng yếu, lung lay và bị đau khi nhai thức ăn. 

Giai đoạn đầu của bệnh là tình trạng viêm lợi. Trong trường hợp viêm lợi không được khắc phục có thể dẫn tới viêm nha chu. Nếu tình trạng viêm nha chu kéo dài mà không được điều trị có thể gây hình thành những ổ áp xe và thậm chí người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ mất răng. 

+ Khi lấy vôi răng và mảng bám trên răng, những mảnh vỡ từ vôi răng hay mảng bám này có thể xâm nhập vào sâu trong nướu. Nếu không phát hiện và loại bỏ kịp thời có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng, áp xe nha chu. 

+ Bệnh cũng có thể do một số sai sót trong điều trị nội nha. 

+ Sau khi người bệnh được điều trị nha khoa, một số dị vật sót lại trong nướu như chỉ, kim loại,… cũng có thể gây nhiễm trùng. 

- Do những bất thường về hình thái học của răng chẳng hạn như tình trạng nứt dọc răng, rãnh cổ răng. 

2. Những biểu hiện thường gặp của bệnh áp xe nha chu 

Khi bị áp xe nha chu, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những triệu chứng như sau: 

- Xuất hiện những ổ nhiễm trùng lớn ở gần chân răng, có thể kèm theo mủ. 

- Khi sờ vào ổ nhiễm trùng này, người bệnh vô cùng đau đớn. 

- Răng của người bệnh bị lung lay rất rõ rệt. 

- Ở gần chỗ viêm, nướu có hiện tượng sưng đỏ và có thể bị chảy máu hoặc chảy mủ. 

- Có thể xuất hiện những lỗ dò. 

- Một số trường hợp có thể bị sốt nhẹ hoặc sưng hạch tại chỗ. 

áp xe nha chu

Đau nhức do ổ áp xe nha chu

Tình trạng áp xe nha chu rất nguy hiểm. Nếu không điều trị sớm nó có thể gây mất răng, tiêu xương ổ răng, hoại tử mô,.. Thậm chí, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn do nhiễm trùng lan xa, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những biến chứng vô cùng nguy hiểm là nhiễm trùng máu hay viêm nội tâm mạc bán cấp, làm tăng nguy cơ tử vong. 

Lưu ý: Bệnh áp xe nha chu khác với áp xe quanh chóp răng. Tình trạng áp xe quanh chóp răng là do nhiễm trùng phát ra từ tủy răng. Cần phân biệt rõ ràng giữa hai loại bệnh này để có hướng xử trí hiệu quả.

3. Phương pháp điều trị bệnh áp xe nha chu

Như đã nêu trên, đây là một dạng nhiễm trùng cấp tính. Do đó khi được chẩn đoán mắc bệnh áp xe nha chu, bệnh nhân cần điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tùy vào mức độ bệnh và từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể như sau: 

áp xe nha chu

Điều trị áp xe nha chu bằng thuốc kháng sinh

- Điều trị bằng thuốc kháng sinh: Tác dụng của thuốc kháng sinh là ngăn chặn sự phá hủy của những cấu trúc nha chu xung quanh. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ kê loại kháng sinh cũng như liều lượng thuốc phù hợp. Do đó, người bệnh cần lưu ý không nên tự ý mua thuốc để tránh tình trạng không đạt được hiệu quả điều trị mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. 

- Làm sạch túi nha chu: Đây cũng là một giải pháp quan trọng và hữu ích trong điều trị bệnh. Trước tiên, các bác sĩ sẽ lấy nha chu, đồng thời loại bỏ mảng bám trên răng. Tiếp đó, nạo sạch vùng túi giữa răng và nướu.

- Rạch dẫn lưu mủ để loại bỏ hoàn toàn mủ và làm sạch ổ áp xe. 

- Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện súc miệng bằng nước muối ấm. Nên thực hiện đều đặn 3 lần mỗi ngày trong ít nhất một tuần. 

- Đối với những trường hợp nghiêm trọng, không thể bảo tồn răng, có thể bắt buộc phải nhổ răng để đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất. 

4. Một số phương pháp phòng ngừa bệnh áp xe nha chu

Để phòng bệnh áp xe nha chu, bạn cần chú ý những vấn đề sau đây: 

- Nên điều trị triệt để bệnh viêm nha chu. Tránh để bệnh tiến triển nghiêm trọng dẫn đến việc hình thành những ổ áp xe và những vấn đề nguy hiểm khác. Điều trị càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. 

áp xe nha chu

Khám răng định kỳ là cách phòng áp xe nha chu hiệu quả

- Bất cứ ai cũng nên chú trọng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng bằng cách khám răng định kỳ 2 lần/năm. Qua những buổi thăm khám này, bác sĩ sẽ có thể giúp bạn phát hiện sớm những bất thường, những bệnh lý về răng miệng. Từ đó khắc phục kịp thời và hiệu quả. 

- Vệ sinh răng thường xuyên và đúng cách để răng miệng luôn chắc khỏe. Nên chọn những loại bàn chải mềm và đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, thay vì dùng tăm hay sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng. 

- Ngoài ra, bạn nên chú ý lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả thăm khám và hiệu quả điều trị. 

Để đăng ký khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe răng miệng cùng với các chuyên gia đầu ngành, hãy liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, nhân viên tổng đài sẽ tư vấn chi tiết cho bạn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ