Tin tức

Trẻ bị chốc lở ở mũi: Những điều cha mẹ nên biết

Ngày 13/02/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da dễ lây lan, thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường gây nên các vùng da với nốt đỏ, loét, tiết dịch và đóng vảy tiết. Nội dung được chia sẻ sau đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về trường hợp chốc lở ở mũi trẻ để giúp con có phương án xử trí an toàn.

1. Khái quát về bệnh chốc lở

Chốc lở là tình trạng nhiễm trùng bề mặt nông của da, thường do vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus hoặc liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes gây nên. Khi xâm nhập vào da các vết thương hở, chúng khiến da bị loét, mưng mủ, bong tróc vảy.

Bệnh chốc lở dễ gặp ở trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, dễ lây lan. Trẻ có nguy cơ cao bị chốc lở khi:

- Điều kiện môi trường sống ấm áp hoặc ẩm ướt.

- Đang tiến hành lọc máu.

- Bị tiểu đường.

- Suy yếu hệ miễn dịch.

- Bị bệnh ngoài da: vảy nến, chàm, viêm da.

- Da bị bỏng hoặc cháy nắng.

- Nhiễm trùng da gây ngứa.

- Bị côn trùng cắn.

Chốc lở dễ lây lan ra các vùng da khác của cơ thể

Chốc lở dễ lây lan ra các vùng da khác của cơ thể

2. Bệnh chốc lở ở mũi trẻ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

2.1. Trẻ bị chốc lở ở mũi là do đâu?

So với các vùng da khác của cơ thể, trẻ dễ bị chốc lở ở mũi hơn vì:

- Thói quen cào gãi hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân

Trẻ em có thói quen dùng tay bẩn để cạo mũi hoặc gãi vào vùng da quanh mũi. Chính hành động ấy gây nên vết trầy xước trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, nếu trẻ sử dụng khăn tay không sạch hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh thì càng có nguy cơ lây chốc lở.

- Hệ miễn dịch yếu

Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Khi sức đề kháng yếu, cơ thể của trẻ không đủ sức chống lại vi khuẩn nên khi có các yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, trẻ sẽ dễ bị các tác nhân bên ngoài xâm nhập, trong đó có chốc lở ở mũi.

2.2. Nhận biết bệnh chốc lở ở mũi trẻ

Chốc lở gồm 2 dạng chính là chốc bọng nước và chốc không có bọng nước. Tùy vào dạng bệnh mắc phải mà chốc lở ở mũi trẻ sẽ có biểu hiện như:

- Chốc lở bọng nước

Trên mũi của trẻ xuất hiện nốt bọng nước nhăn nheo với kích thước 0.5 - 1cm. Ban đầu quanh bọng nước có quầng đỏ nhưng sẽ chuyển sang dạng bọng mủ vài giờ sau đó. Bọng nước này vỡ ra khiến nền da đỏ, tiết dịch sau đó đóng vảy màu nâu nhạt hoặc vàng nâu.

- Chốc lở không bọng nước

Nếu chốc lở ở mũi trẻ thuộc dạng này thì trên vùng da mũi của trẻ sẽ có mụn nước và mụn mủ nhanh vỡ, chảy dịch ẩm, ít vảy ở bờ mụn. Vảy quanh bờ mụn có màu nâu sáng hoặc vàng mật ong.

Ngoài những biểu hiện trên, chốc lở ở mũi cũng sẽ khiến trẻ ngứa ngáy và gãi khiến tổn thương lây lan. Ban đầu có thể trẻ chỉ bị chốc ở mũi nhưng sau đó bệnh sẽ lan ra nhiều vùng da của cơ thể. Một số trường hợp trẻ bị chốc có dấu hiệu nổi hạch, mệt và sốt.

Tổn thương da do chốc lở ở mũi trẻ

Tổn thương da do chốc lở ở mũi trẻ

3. Chốc lở ở mũi ảnh hưởng thế nào đến trẻ?

Nếu chốc lở ở mũi không điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải một số biến chứng như:

- Nhiễm trùng lan rộng

Bệnh có thể lan rộng sang các vùng khác trên cơ thể, khiến nhiễm trùng da nặng hơn hoặc gây viêm tĩnh mạch, viêm cầu thận, viêm mô tế bào.

- Sẹo vĩnh viễn

Chốc lở lây lan phạm vi rộng, điều trị hoặc chăm sóc da không đúng cách rất dễ để lại sẹo vĩnh viễn trên da của trẻ.

4. Điều trị và chăm sóc cho trẻ bị chốc lở ở mũi như thế nào?

Thông thường, để điều trị chốc lở ở mũi cho trẻ, bác sĩ thường kết hợp:

4.1. Dùng thuốc kháng sinh

Chốc lở do vi khuẩn gây ra nên bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc kháng sinh dạng uống hoặc bôi trực tiếp lên vết thương nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Các loại thuốc kháng sinh thường được dùng trong điều trị chốc lở ở mũi trẻ là Amoxicillin, Clindamycin,...

4.2. Hướng dẫn chăm sóc da vùng mũi

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định, cha mẹ cũng sẽ được hướng dẫn vệ sinh vùng mũi bị chốc lở cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn nhẹ. Việc làm này giúp làm sạch vết thương để tình trạng nhiễm trùng không tiến triển nặng hơn.

Mặt khác, cha mẹ cũng cần:

- Cố gắng không để trẻ dùng tay cào gãi hay dùng vật dụng nào khác chạm vào vùng mũi bị nhiễm khuẩn.

- Cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh tình trạng trẻ gãi vào vùng da bị bệnh.

- Sử dụng gạc mềm để che chắn vết lở và ngăn ngừa tiếp xúc trực tiếp với tay trẻ.

- Sử dụng khăn mặt riêng.

- Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh cá nhân, nhất là việc rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa. Việc này giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.

- Đảm bảo trẻ có một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là nhóm thực phẩm giàu vitamin C và A để trẻ được tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tái phát.

Cha mẹ cần tập cho con thói quen vệ sinh tay sạch sẽ để ngăn ngừa nguy cơ bị chốc lở

Cha mẹ cần tập cho con thói quen vệ sinh tay sạch sẽ để ngăn ngừa nguy cơ bị chốc lở

5. Biện pháp phòng ngừa bệnh chốc lở ở mũi cho trẻ

Cha mẹ có thể hướng dẫn con thực hiện một số biện pháp sau để phòng tránh nguy cơ bị lây chốc lở:

- Dạy và tập cho trẻ có thói quen rửa tay đúng cách, nhất là trước khi ăn và sau khi chơi đùa.

- Hướng dẫn trẻ biết cách lau sạch mũi bằng khăn giấy khi có dịch nhầy, tránh lau mũi bằng tay.

- Nếu trong gia đình có người bị chốc lở, cần tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ.

Chốc lở ở mũi trẻ em không khó điều trị nếu được phát hiện để thăm khám kịp thời. Tuy nhiên, nếu không chú ý nhận diện sớm, chăm sóc đúng cách, bệnh có thể khiến trẻ gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống. Vì thế, cha mẹ hãy chú ý để phát hiện triệu chứng bệnh ở con, giúp trẻ thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa, điều trị để sức khỏe của trẻ được bảo vệ tốt nhất.

Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ chốc lở ở trẻ, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ