Tin tức

Trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí

Ngày 22/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Đi nhà trẻ là một trong các cột mốc quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, ở dấu mốc này, không ít trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ nên có sự thay đổi nhiều trong hành vi, cảm xúc,... Vậy nguyên nhân khiến trẻ gặp phải khủng hoảng là gì, nhận biết và khắc phục bằng cách nào? Cha mẹ có thể tham khảo bài viết sau để quá trình đồng hành cùng con trở nên dễ dàng hơn.

1. Nguyên nhân nào khiến trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ?

1.1. Trẻ chưa sẵn sàng tách khỏi cha mẹ

Trước khi đi nhà trẻ, trẻ nhỏ thường có thời gian dài gắn bó với người chăm sóc chính, nhất là mẹ. Khi phải rời xa mẹ để đến với môi trường mới, tiếp xúc với nhiều người lạ mà trẻ chưa từng biết, trẻ dễ cảm thấy lo lắng và bất an. Vì thế, nhiều trẻ thường có phản ứng bằng cách khóc, bám víu và không chịu rời tay mẹ khi đi nhà trẻ.

Chưa sẵn sàng tách khỏi cha mẹ là lý do khiến trẻ dễ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ

Chưa sẵn sàng tách khỏi cha mẹ là lý do khiến trẻ dễ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ

1.2. Thay đổi môi trường đột ngột

Nhà trẻ là không gian lạ, khác hoàn toàn không gian ở nhà của trẻ. Việc thay đổi chỗ ngủ, bữa ăn và lịch sinh hoạt khiến trẻ dễ bị “sốc”, stress, hoảng loạn,...

1.3. Thiếu kỹ năng giao tiếp và hòa nhập

Nhiều trẻ chưa biết chia sẻ đồ chơi, chưa học được kỹ năng chờ lượt hoặc chưa biết cách bắt chuyện và làm quen với bạn, gặp khó khăn trong việc diễn đạt nhu cầu của mình,... Thiếu những kỹ năng này khiến trẻ dễ có cảm giác bị cô lập, ngại tiếp xúc và lạc lõng. Đây chính là lý do khiến trẻ sợ hãi khi phải tương tác với bạn, với cô ở nhà trẻ.

1.4. Trải nghiệm tiêu cực tại nhà trẻ

Nếu trẻ từng bị cô la mắng quá mức, bạn xô đẩy,... trẻ sẽ gắn nhà trẻ với những kỷ niệm không vui. Trong trường hợp này, trẻ có thể ngại ngùng khi ngồi ăn chung, né tránh cô giáo, ngồi chơi một mình,... Những trải nghiệm tiêu cực lặp đi lặp lại tạo thành ám ảnh, khiến cho trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ.

1.5. Sự thay đổi trong sinh hoạt gia đình

Khi cho trẻ đi học, cha mẹ thường thay đổi giờ giấc sinh hoạt để đưa đón con. Trẻ thường phải dậy sớm hơn, ăn uống vội vàng hơn. Giờ ngủ của trẻ bị xáo trộn. Những thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen của trẻ. Đặc biệt, khi cơ thể mệt mỏi, tâm lý trẻ càng trở nên nhạy cảm. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ.

2. Dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ

2.1. Khóc lóc, bám víu mỗi khi đến trường

Trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ thường có biểu hiện gào khóc, bám mẹ hoặc người chăm sóc hơn khi được gần gũi. Trẻ thường đòi bế thay vì tự chơi, thường mong muốn có người chơi cùng, không thích chơi một mình và dễ phản ứng như khóc hoặc đòi theo bố mẹ khi bố mẹ rời xa.

2.2. Rối loạn cảm xúc

Trẻ thường xuyên cáu gắt với cô giáo và bạn bè. Trẻ có thể la hét hoặc ném đồ chơi không rõ lý do. Cũng có trường hợp trẻ bỗng nhiên im lặng, khép kín hơn bình thường và thường xuyên có biểu hiện buồn bã, sợ hãi. Tình trạng rối loạn cảm xúc này là dấu hiệu rõ rệt cho thấy trẻ bị stress khi đi nhà trẻ.

Khủng hoảng tâm lý khi đi nhà trẻ khiến trẻ thu mình, khép kín

Khủng hoảng tâm lý khi đi nhà trẻ khiến trẻ thu mình, khép kín 

2.2. Rối loạn giấc ngủ và bữa ăn

Thời gian đầu khi đi nhà trẻ, trẻ thường khó ngủ, thức giấc giữa đêm và quấy khóc. Trẻ mơ nhiều, tay chân đập, miệng la hét trong giấc ngủ. Ban ngày, trẻ chán ăn, từ chối bữa sáng hoặc nôn trớ khi đến lớp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị mệt mỏi, sút cân.

2.3. Lùi bước trong kỹ năng đã đạt được

Nếu như trước đây trẻ đã có kỹ năng tự đi vệ sinh, tự giác ăn uống và chơi độc lập nhưng nay trẻ cần cô cho đi vệ sinh, đút ăn, cần ôm ngủ,... thì đây cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ. Bị lùi kỹ năng là tín hiệu cho thấy trẻ đang bị áp lực từ việc phải làm quen với môi trường mới.

2.4. Ít nói, ít tương tác

Trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ cũng có xu hướng ngại giao tiếp, không chịu trả lời cô khi gọi tên. Trường hợp này, trẻ thích ngồi một mình, không tham gia trò chơi cùng nhóm. Khi bạn bè đến gần, trẻ né tránh, thu mình vào góc lớp. 

3. Cha mẹ nên làm gì nếu con có biểu hiện khủng hoảng khi đi nhà trẻ?

3.1. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ 

Để giúp con vượt qua khủng hoảng khi đi nhà trẻ, hàng ngày cha mẹ nên trò chuyện với con về niềm vui khi được tiếp xúc với bạn bè, cô giáo, đồ chơi,... Thời gian đầu đi học, cha mẹ chỉ nên cho con đến lớp thử vài giờ, sau đó tăng dần thời gian ở lớp, tránh để trẻ phải đột ngột ở lớp nguyên ngày. 

Khi trẻ đi học, cha mẹ hãy cho con mang theo món đồ quen thuộc mà trẻ yêu thích để con có cảm giác yên tâm hơn khi đến lớp. 

3.2. Đồng hành và kiên nhẫn

Giai đoạn đầu khi trẻ mới đi học, cha mẹ cần giữ vững tâm lý, không tỏ ra sốt ruột hoặc la mắng nếu con khóc lóc, từ chối đến lớp. Khi đưa trẻ tới lớp, cha mẹ cần chào con dứt khoát và nhẹ nhàng, tránh kéo dài thời gian tạm biệt để không gây thêm căng thẳng cho trẻ. 

Hằng ngày, khi đón trẻ về, cha mẹ hãy hỏi han, khen ngợi cố gắng của con. Cha mẹ cũng nên dành thời gian chơi, đọc sách, ôm ấp, trò chuyện với trẻ để bù đắp sự xa cách trong thời gian trẻ đến trường.

Mẹ dành thời gian trò chuyện, vui chơi cùng con giúp trẻ an tâm hơn khi đi nhà trẻ

Mẹ dành thời gian trò chuyện, vui chơi cùng con giúp trẻ an tâm hơn khi đi nhà trẻ

3.3. Trao đổi cùng giáo viên

Trao đổi với cô giáo mỗi ngày sẽ giúp cha mẹ biết trẻ ăn, ngủ, chơi ra sao và phối hợp cùng cô để có giải pháp tích cực giúp trẻ sớm hòa nhập cùng môi trường mới. 

3.4. Cân nhắc tạm dừng học hoặc gặp chuyên gia tâm lý

Nếu trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ kéo dài trên 4 tuần, trẻ suy sụp tinh thần nghiêm trọng, cha mẹ có thể cân nhắc cho con nghỉ vài ngày để hồi phục tâm lý. Cha mẹ cũng có thể cho con gặp chuyên gia tâm lý nếu trẻ có dấu hiệu chậm nói, tự kỷ, tự làm đau bản thân, im lặng trong thời gian dài,... để trẻ được hỗ trợ chuyên biệt. 

Trẻ bị khủng hoảng khi đi nhà trẻ là phản ứng tâm lý thường gặp, hầu hết trường hợp không đáng lo ngại và sẽ sớm vượt qua nếu trẻ được cha mẹ thấu hiểu và đồng hành đúng cách. Bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kiên nhẫn và tình yêu thương của mình, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng.

Nếu trẻ gặp phải dấu hiệu bất thường về sức khỏe trong giai đoạn đi nhà trẻ, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cho con cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Từ khoá: mệt mỏi chán ăn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ