Tin tức

Trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao: Những điều cha mẹ nên biết để đảm bảo an toàn cho trẻ

Ngày 23/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ bị nôn và đi ngoài là hiện tượng không hiếm gặp, nhất là với nhóm trẻ dưới 3 tuổi có hệ tiêu hóa còn chưa phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng này mà trẻ không được chăm sóc, xử trí đúng cách thì dễ tiến triển nặng hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao? Cha mẹ có thể tham khảo thông tin dưới đây để có hướng xử trí phù hợp trong tình huống này.

1. Nguyên nhân nào gây nên hiện tượng nôn và đi ngoài ở trẻ?

Trẻ bị nôn và đi ngoài là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý trong đó có các vấn đề về hệ tiêu hóa. Cha mẹ đang băn khoăn về vấn đề trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao cần biết được nguyên nhân khiến trẻ gặp phải tình trạng này thì mới có cách xử trí hiệu quả. 

Hầu hết trường hợp nôn và đi ngoài ở trẻ là do những nguyên nhân như:

1.1. Nhiễm virus hoặc vi khuẩn đường ruột

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng nôn và tiêu chảy ở trẻ. Trong đó, Rota virus chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Virus tấn công vào đường ruột, gây viêm và rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như: nôn nhiều lần trong ngày, đi ngoài phân lỏng và có mùi chua, mệt mỏi, ăn kém, có thể kèm sốt,...

Ngoài ra, sự xâm nhập của vi khuẩn, nhất là vi khuẩn E.coli, Salmonella, Shigella,... cũng có thể khiến niêm mạc ruột bị tổn thương. Trường hợp này, trẻ sẽ bị nôn nhiều, tiêu chảy, sốt,... 

Nhiều trường hợp trẻ bị nôn và đi ngoài do nhiễm rota virus

Nhiều trường hợp trẻ bị nôn và đi ngoài do nhiễm rota virus 

1.2. Rối loạn tiêu hóa do ăn uống

Rối loạn tiêu hóa dễ gặp phải ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể do thay đổi loại sữa, sử dụng kháng sinh hoặc ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường bị tiêu chảy, nôn sau ăn nhưng không sốt. 

1.3. Dị ứng thực phẩm

Một số trẻ có cơ địa dị ứng với trứng, sữa, đậu phộng, hải sản,... Khi ăn phải thực phẩm này, trẻ có thể bị nôn và tiêu chảy ngay sau đó kèm theo các biểu hiện như: sưng môi, mẩn đỏ, ngứa da, đi ngoài phân lỏng, khó thở,... 

1.4. Các bệnh lý khác

Ngoài các nguyên nhân trên, trẻ có thể bị nôn và đi ngoài do các bệnh lý hiếm gặp hơn như: tắc ruột, lồng ruột, sốt virus,...

2. Trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao để đảm bảo an toàn cho con?

Cha mẹ đang lo lắng không biết trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao có thể tham khảo hướng xử trí như sau:

2.1. Bù nước và điện giải cho trẻ

Trẻ bị nôn và tiêu chảy rất dễ mất nước nhanh gây rối loạn cân bằng điện giải, nguy hiểm đến sức khỏe. Vì thế, cha mẹ cần bù nước cho con bằng những cách như:

- Cho trẻ uống ORS (Oresol) pha đúng liều lượng được hướng dẫn từ nhà sản xuất. Khi cho trẻ bổ sung oresol, cha mẹ hãy cho con uống từng ngụm nhỏ, tránh uống quá nhanh dễ khiến trẻ bị nôn.

- Nếu không có oresol, cha mẹ có thể thay thế bằng nước cháo loãng hoặc nước lọc để cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Sử dụng dung dịch Oresol đúng cách giúp bù nước và cân bằng điện giải cho trẻ khi bị nôn, đi ngoài

Sử dụng dung dịch Oresol đúng cách giúp bù nước và cân bằng điện giải cho trẻ khi bị nôn, đi ngoài

2.2. Theo dõi dấu hiệu mất nước

Cha mẹ cần theo dõi các biểu hiện của con để kịp thời phát hiện dấu hiệu thiếu nước như sau và đưa con đến khám bác sĩ ngay:

- Trẻ khát nước liên tục, môi khô.

- Da nhăn nheo, mắt trũng.

- Tiểu ít, nước tiểu có màu sẫm.

- Trẻ mệt mỏi, li bì hoặc quấy khóc liên tục.

2.3. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Nếu chưa biết trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao, cha mẹ cũng cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn của trẻ. Trẻ đang bú mẹ vẫn cần được bú mẹ bình thường nhưng mẹ cần đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ và sạch sẽ, tránh ăn đồ cay nóng dễ gây kích thích đường tiêu hóa. Trẻ dùng sữa tươi, sữa công thức nên tạm ngưng nếu bị tiêu chảy nặng. 

Đối với trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm hoặc lớn hơn, cha mẹ cần cho con ăn thức ăn dễ tiêu, lỏng như cháo trắng, súp, cơm nhão,... Thời gian này trẻ cần tránh ăn đồ ăn có nhiều đường hoặc dầu mỡ. 

2.4. Đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa

Khi lúng túng vì chưa biết trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao, cha mẹ cần chú ý không tự ý dùng thuốc chống nôn hay thuốc cầm tiêu chảy cho con. Việc làm này dễ khiến cơ thể của trẻ không đào thải được độc tố ra ngoài, khiến tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng. 

Cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa trong trường hợp:

- Trẻ sốt trên 38.5 độ C không hạ sau 1 - 2 ngày dù đã dùng thuốc hạ sốt thông thường.

- Trẻ nôn liên tục, nôn vọt, không giữ được bất kỳ thức ăn hoặc nước nào trong dạ dày.

- Trẻ đi ngoài phân đen hoặc có lẫn máu trong phân.

- Trẻ mệt lả, ngủ li bì.

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa giúp cha mẹ biết khi trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao để chăm sóc con an toàn

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa giúp cha mẹ biết khi trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao để chăm sóc con an toàn

3. Phòng tránh tình trạng nôn và đi ngoài ở trẻ bằng cách nào?

Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch còn yếu, chưa biết cách giữ vệ sinh cá nhân và ăn uống,... Đây chính là những yếu tố làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị nôn và đi ngoài. 

Cha mẹ có thể giúp con phòng ngừa hiện tượng này bằng cách:

- Rửa tay cho trẻ hoặc cho con có thói quen rửa tay với nước và xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Luôn chú ý tiệt trùng dụng cụ ăn uống trước khi cho trẻ ăn.

- Không cho trẻ ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ.

- Ưu tiên chọn mua nguồn thực phẩm tươi sạch, rõ nguồn gốc.

- Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

- Cho trẻ uống vắc xin phòng Rota virus theo khuyến cáo.

Việc cha mẹ chủ động theo dõi để xử trí kịp thời, đúng cách khi con bị nôn và đi ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng phục hồi sức khỏe tiêu hóa cho trẻ. Nếu chưa biết được nguyên nhân gây nên, lúng túng không biết trẻ bị nôn và đi ngoài phải làm sao thì cách tốt nhất cha mẹ nên làm là cho con tới khám bác sĩ chuyên khoa. Việc làm này sẽ giúp trẻ được can thiệp an toàn, tránh để tình trạng bệnh kéo dài gây nguy hiểm cho trẻ.

Trường hợp phát hiện trẻ bị nôn và đi ngoài nhiều lần, để giúp trẻ được chẩn đoán đúng và điều trị an toàn, cha mẹ có thể đặt lịch khám cho con cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ