Tin tức

Trẻ em mắc bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Ngày 17/04/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tay chân miệng dần trở thành bệnh lý phổ biến ở trẻ em với biểu hiện là tổn thương ở da gây nên nhiều phiền toái, khó chịu trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Hơn thế nữa, bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Chúng ta cùng đi tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh tay chân miệng trong bài viết này nhé!

1. Lứa tuổi nào có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao

Nguyên nhân chính gây nên bệnh tay chân miệng là do nhóm virus đường ruột Enterovirus, trong đó thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Theo thống kê, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất so với các lứa tuổi còn lại. Đối với đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như nước ta, bệnh không xảy ra riêng vào mùa nào mà nó có thể xảy ra quanh năm. 

Biểu hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ với các nốt ban ở bàn chân và tay

Biểu hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ với các nốt ban ở bàn chân và tay

Nếu như những đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với các sân chơi kém vệ sinh, sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các bạn cùng trang lứa. Vệ sinh cá nhân chưa được chú trọng, vệ sinh không sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập vào cơ thể.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Tùy vào từng giai đoạn cụ thể bệnh tay chân miệng sẽ có những biểu hiện khác nhau:

- Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ 3 - 6 ngày.

- Giai đầu hay còn gọi là giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy như: trẻ bị đau họng, sốt nhẹ hoặc sốt cao (37,5 - 39 độ C), đau rát ở răng và miệng, chảy nhiều nước bọt, chán ăn,...

- Giai đoạn toàn phát: sau khi bệnh khởi phát từ  1 - 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:

+ Phát ban với dạng mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối với các bóng nước có đường kính 2 - 10mm, chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, khi sờ có cảm giác không đau, không ngứa.

+ Loét miệng: triệu chứng này gây nên nhiều phiền toái, khó chịu trong sinh hoạt của trẻ, khiến cho trẻ quấy khóc. Loét miệng ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ, trong miệng có xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 - 3mm, dễ vỡ. Khi những bóng nước này vỡ đi sẽ hình thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc, bỏ bữa.

Hình ảnh loét miệng ở người bị tay chân miệng

Hình ảnh loét miệng ở người bị tay chân miệng

+ Toàn thân có thể có dấu hiệu rối loạn tri giác, co giật, mê sảng.

+ Trên mông xuất hiện các mụn lở, rộp da.

Trên thực tế, ngoài những dấu hiệu bên trên, tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe ở từng đứa trẻ bệnh tay chân miệng còn có xuất hiện thêm các biểu hiện như: bóng nước xen kẽ với ban hồng, hoặc chỉ xuất hiện ban hồng, không có bóng nước, hoặc một số bé chỉ xuất hiện hiện tượng loét miệng.

Nếu trẻ mắc bệnh nhẹ, sau một thời gian ngắn khoảng 7 - 10 ngày khi cha mẹ chăm sóc tại nhà, sức khỏe của bé sẽ được hồi phục hoàn toàn. Còn đối với trường hợp em bé sốt cao (trên 39 độ) kéo dài kèm theo các biểu hiện như nôn, co giật, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, khó thở,.... cha mẹ nên đưa em bé tới bệnh viện để được thăm khám ngay lập tức.

Theo nghiên cứu, sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ có được hệ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Nhưng thực tế, có những em bé mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần và ở những lần mắc sau đó là do mắc bệnh tay chân miệng với chủng virus khác với chủng virus trước đó gây ra.

Em bé quấy khóc khi bị tay chân miệng

Em bé quấy khóc khi bị tay chân miệng

3. Con đường lây truyền bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng được biết đến là một trong những bệnh có khả năng lây lan rất nhanh, bệnh truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, nước bọt, qua các chất tiết từ mũi, phân của trẻ mang bệnh.

Người mắc tay chân miệng có khả năng phát tán virus gây bệnh trong tuần đầu tiên hay còn được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Nhưng, thời gian lây nhiễm sẽ kéo dài hơn, bởi con đường lây nhiễm từ nước bọt, phân của bệnh nhân bởi virus gây bệnh vẫn còn tồn tại trong chúng. Cụ thể:

- Trẻ em chơi cùng, tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

- Trong quá trình nô đùa, trò chuyện có thể trẻ hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.

- Hoặc có thể do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mụn nước của bệnh nhân hoặc phân của người bệnh. 

- Chơi chung đồ chơi với trẻ em mắc tay chân miệng.

- Có tiếp xúc trực tiếp trên tay người chăm sóc trẻ mang bệnh cũng là yếu tố gây nên sự lây lan virus gây nên bệnh tay chân miệng.

Tay chân miệng nếu không có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời thì bệnh sẽ phát triển nhanh và có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Nếu trong lớp học hoặc trong xóm có trẻ mắc tay chân miệng nếu không được phòng tránh thì những trẻ xung quanh cũng có thể bị mắc bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng nếu phát hiện muộn, không điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng có thể gây ra một số biến chứng như:

- Viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng).

- Một số biến chứng khác gồm: bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. 

Ngoài ra, nếu không được vệ sinh cơ thể sạch sẽ thì trẻ cũng dễ bị bội nhiễm tại các nốt mụn ở trên da.

4. Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, tuy nhiên cha mẹ có thể thực hiện ngay các biện pháp đơn giản giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sau đây:

- Tạo thói quen rửa tay sạch sẽ: tay cần được rửa sạch với xà phòng và nước trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi ăn, cho trẻ nhỏ ăn, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

Nên vệ sinh tay sạch sẽ phòng trừ virus

Nên vệ sinh tay sạch sẽ phòng trừ virus

- Nên sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng gia dụng thông thường, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khử trùng nhà vệ sinh bằng các chất tẩy rửa thông thường.

- Cha mẹ không được ôm hôn, hoặc nếu trong nhà có hai bé, thì nhắc nhớ các bé tránh ôm hôn nhau, không dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.

- Tránh để trẻ tiếp xúc nơi đông người khi nhiễm bệnh.

- Hướng dẫn, tạo thói quen cho trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.

Quan tâm, lo lắng chăm sóc cho con yêu luôn là nghĩa vụ thiêng liêng của cha mẹ. Hy vọng rằng, thông qua bài viết cha mẹ đã hiểu hơn về bệnh tay chân miệng, về con đường lây truyền cũng như cách phòng tránh. Chúc gia đình bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.