Tin tức

Xét nghiệm tay chân miệng: Khi nào cần làm và chi tiết quy trình thực hiện

Ngày 25/06/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Xét nghiệm tay chân miệng cho phép phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh, đánh giá mức độ nghiêm trọng và kịp thời phát hiện nguy cơ biến chứng ở trẻ. Đây là bước quan trọng giúp bác sĩ định hướng phác đồ điều trị phù hợp, đặc biệt trong những trường hợp bệnh diễn tiến nhanh hoặc biểu hiện không điển hình. Bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về thời điểm làm xét nghiệm và quy trình thực hiện.

1. Tổng quan về bệnh chân tay miệng 

Tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus đường ruột gây ra, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 5 tuổi. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng điển hình như: 

  • Sốt nhẹ hoặc cao. 
  • Đau họng, biếng ăn, mệt mỏi. 
  • Trẻ có thể xuất hiện các nốt phỏng nước hoặc vết loét ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng mông.

Bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân hoặc dịch từ các nốt phỏng nước. Trong điều kiện chăm sóc phù hợp, bệnh thường tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày kể từ khi khởi phát. Tuy nhiên, trong một trường hợp đặc biệt, nhất là khi tác nhân gây bệnh là virus EV71, trẻ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm cơ tim hoặc phù phổi cấp, đòi hỏi phải theo dõi sát và can thiệp y tế kịp thời.

Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus đường ruột gây raChân tay miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus đường ruột gây ra

2. Khi nào cần làm xét nghiệm tay chân miệng?

Thực tế, không phải trẻ nào mắc tay chân miệng cũng cần làm xét nghiệm. Với các trường hợp điển hình và triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể chẩn đoán lâm sàng và hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trong một số tình huống nhất định, xét nghiệm sẽ được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi sát tình trạng bệnh. Cụ thể gồm:

  • Trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục trên 2 ngày dù đã uống thuốc hạ sốt đúng cách, nôn nhiều, giật mình, run chân tay, lơ mơ. 
  • Nghi ngờ biến chứng thần kinh hoặc tim mạch: Trường hợp trẻ có các triệu chứng như co giật, yếu chi, thở nhanh, nhịp tim bất thường,.. bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm liên quan để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ.
  • Phân biệt với các bệnh lý khác như thuỷ đậu, zona, dị ứng da,..
  • Yêu cầu của cơ sở y tế tuyến trên khi cần xác định chủng virus, phục vụ công tác kiểm tra dịch tễ.

3. Các phương pháp xét nghiệm tay chân miệng phổ biến

Tuỳ vào tình trạng của trẻ và chỉ định của bác sĩ, việc xét nghiệm tay chân miệng có thể bao gồm một hoặc nhiều phương pháp, bao gồm: 

  • Xét nghiệm Realtime RT-PCR: Đây là phương pháp hiện đại và có độ chính xác cao nhất trong chẩn đoán tay chân miệng. Xét nghiệm này cho phép phát hiện gen của virus gây bệnh từ mẫu bệnh phẩm được lấy ở họng, phân hoặc bóng nước. Kết quả PCR giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, hỗ trợ tiên lượng nguy cơ diễn tiến nặng. 
  • Xét nghiệm công thức máu: Giúp đánh giá tình trạng viêm và kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầu. Trong một số trường hợp bệnh nặng, có thể thấy số lượng tiểu cầu giảm, bạch cầu tăng nhẹ. 
  • Xét nghiệm CRP (C-reactive protein - Protein C phản ứng): Là xét nghiệm đánh giá phản ứng viêm của cơ thể. Trong phát hiện bệnh chân tay miệng, chỉ số CRP thường ở mức bình thường hoặc tăng nhẹ.
  • Xét nghiệm EV71-IgM: Đây là xét nghiệm huyết thanh học, giúp phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu virus Enterovirus 71 (EV71), loại virus gây bệnh chân tay miệng. 
  • Các xét nghiệm khác: Ngoài những xét nghiệm kể trên, trong một số trường hợp điển hình, để xác định các vấn đề sức khỏe liên quan, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm đường huyết, điện giải đồ, X-quang phổi.

Xét nghiệm công thức máu là giúp đánh giá tình trạng viêm và kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầuXét nghiệm công thức máu  giúp đánh giá tình trạng viêm và kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầu

4. Quy trình xét nghiệm tay chân miệng diễn ra như thế nào?

Quy trình xét nghiệm tay chân miệng thường bao gồm những bước sau: 

Bước 1: Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, đánh giá mức độ nguy hiểm và quyết định có cần làm xét nghiệm hay không. 

Bước 2: Lấy mẫu bệnh phẩm 

Tuỳ theo chỉ định của bác sĩ về loại xét nghiệm cần thực hiện, mẫu bệnh phẩm có thể là: 

  • Dịch ngoáy họng. 
  • Phân. 
  • Bóng nước ngoài ra. 
  • Dịch và máu.

Quá trình lấy mẫu diễn ra nhanh chóng, đảm bảo vô trùng để tránh nhiễm chéo. 

Bước 3: Phân tích mẫu tại phòng xét nghiệm 

Mẫu sau khi lấy sẽ được gửi về phòng xét nghiệm đạt chuẩn về an toàn sinh học và trang thiết bị. Tại đây, kỹ thuật viên sẽ tiến hành phân tích mẫu tuỳ theo loại xét nghiệm được chỉ định. Thời gian trả kết quả thường dao động trong khoảng 90 phút hoặc lâu hơn 2-3 ngày tùy xét nghiệm.

Bước 4: Nhận kết quả và tư vấn điều trị

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tổng hợp và đánh giá chi tiết để đưa ra hướng xử trí phù hợp. Việc đọc và phân tích kết quả thường tập trung vào 3 mục tiêu chính: 

  • Xác định chính xác virus gây bệnh. 
  • Đánh giá mức độ nguy hiểm. 
  • Quyết định hướng điều trị tiếp theo.

5. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm chân tay miệng cho trẻ

Ba mẹ cần lưu ý những điều sau khi thực hiện làm xét nghiệm chân tay miệng cho trẻ: 

  • Chỉ nên thực hiện xét nghiệm khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi lấy mẫu xét nghiệm: Ba mẹ nên trò chuyện nhẹ nhàng để trẻ bớt lo lắng, giữ bình tĩnh, hợp tác với nhân viên để quá trình lấy mẫu diễn ra nhanh chóng, an toàn.
  • Đưa trẻ đi khám sớm khi có dấu hiệu nặng để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 
  • Giữ vệ sinh cho trẻ trước và sau khi lấy mẫu, không chỉ giúp bảo vệ chính bé khỏi nhiễm thêm virus khác, mà còn hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong môi trường y tế, nơi nhiều trẻ có sức đề kháng yếu mắc bệnh truyền nhiễm. 
  • Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc bôi bóng nước khi chưa có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa. 

Ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi thực hiện xét nghiệmBa mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi thực hiện xét nghiệm

Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về thời điểm và quy trình thực hiện xét nghiệm tay chân miệng. Đây không phải là yêu cầu bắt buộc cho tất cả trường hợp. Tuy nhiên, trong những tình huống nghi ngờ biến chứng hoặc cần chẩn đoán chuyên biệt, đây là công cụ hỗ trợ quan trọng giúp bác sĩ đánh giá chi tiết tình trạng và đưa ra hướng điều trị hiệu quả. 

Nếu ba mẹ có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.

Từ khoá: đau họng

Bình luận (0)

Đăng ký để bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ