Tin tức
Trẻ sơ sinh bị khản tiếng: Nguyên nhân và cách xử trí an toàn
- 13/04/2025 | Trẻ sơ sinh chậm tăng cân - nguyên nhân do đâu?
- 24/04/2025 | Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban ngày: Nguyên nhân và cách đảm bảo giấc ngủ sâu cho trẻ
- 25/04/2025 | Trẻ sơ sinh trớ ra dịch - cha mẹ cần lưu ý điều gì?
1. Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh bị khản tiếng?
Khản tiếng ở trẻ sơ sinh có thể hiểu là âm thanh từ miệng khi trẻ phát ra không như bình thường, yếu hơn và bị rè. Đôi khi đi kèm với hiện tượng khàn tiếng, trẻ còn có thể cảm thấy khó thở hoặc thở khò khè khi khóc, thậm chí có trường hợp trẻ còn bị rút lõm lồng ngực, thở nhanh, cánh mũi phập phồng,...
Trẻ sơ sinh bị khản tiếng thường là do:
1.1. Bị kích thích bởi môi trường
Khi ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá, khói bụi,... trẻ sẽ hít phải những tác nhân này và làm cho dây thanh quản phải chịu sự kích thích. Sự kích thích đó khiến cho trẻ sơ sinh bị khản tiếng.
Bị kích thích bởi yếu tố môi trường thường là nguyên nhân gây khản tiếng ở trẻ sơ sinh
1.2. Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là tình trạng lớp niêm mạc thanh quản sưng viêm, gây co thắt và ảnh hưởng đến dây thanh âm. Bệnh lý này thường do tác nhân virus hoặc vi khuẩn hoặc do tác động vật lý như trẻ quấy khóc, la hét nhiều trong khoảng thời gian dài. Khi bị viêm, thanh quản sẽ phù nề, dây thanh âm khó rung đúng tần số nên giọng của trẻ bị khàn, thậm chí có thể mất tiếng tạm thời.
1.3. Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Viêm họng, amidan sưng to làm trẻ khó nuốt, đau họng, khó thở và ảnh hưởng đến giọng nói. Ngoài ra, nếu trẻ bị viêm mũi - xoang, dịch mũi chảy xuống họng cũng gây kích ứng thanh quản, làm giọng của trẻ khàn.
1.4. Trào ngược dạ dày thực quản
Nếu trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, axit từ dạ dày có thể lan tới thanh quản, gây viêm niêm mạc thanh - khí quản. Trẻ mắc bệnh lý này thường dễ nôn trớ sau bú, bị ợ hơi, quấy khóc, khàn tiếng sau khi bú hoặc khi nằm ngang.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị khản tiếng?
2.1. Khắc phục tại nhà
Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị khàn tiếng nhẹ, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản ngay tại nhà để hỗ trợ phục hồi thanh quản và làm giảm khó chịu cho con, như:
2.1.1. Vỗ về, giúp trẻ thư giãn
Khi trẻ khóc, cha mẹ hãy cố gắng nhận biết nhu cầu của con để dỗ bé ngay từ sớm, tránh tình trạng khóc lâu gây tổn thương thanh quản.
Trường hợp trẻ khóc to, khóc nhiều, cha mẹ cần cho con được ở trong không gian yên tĩnh, sau đó hãy ôm ấp, vỗ về nhẹ nhàng để con bớt quấy khóc, giảm áp lực lên dây thanh âm. Cha mẹ cũng có thể dùng đồ chơi hoặc hát để chuyển hướng chú ý của con, giúp trẻ quên đi cảm xúc tiêu cực khiến trẻ khóc.
Mẹ ôm ấp, vỗ về giúp trẻ được thư giãn và giảm quấy khóc
2.1.2. Giữ ấm vùng cổ họng
Trẻ sơ sinh bị khản tiếng trong mùa lạnh cần được mặc áo cao cổ mềm hoặc quàng khăn mỏng khi ra ngoài trời. Cha mẹ hãy cố gắng tránh để gió lùa trực tiếp vào cổ và ngực bé, vì nhiệt độ thay đổi đột ngột dễ khiến thanh quản của trẻ bị kích thích.
2.1.3. Duy trì độ ẩm không khí trong phòng
Cha mẹ nên đặt máy tạo ẩm trong phòng của con, duy trì độ ẩm trong mức 50 - 60%. Trường hợp không có máy tạo ẩm, cha mẹ có thể đặt một chậu nước ấm trong phòng để tăng độ ẩm tự nhiên.
2.1.4. Điều chỉnh tư thế bú
Trẻ sơ sinh bị khản tiếng có thể do trào ngược dạ dày thực quản. Muốn khắc phục tình trạng này, mẹ hãy cho con bú hoặc uống sữa trong tư thế nghiêng nhẹ, đầu cao hơn bụng khoảng 15 - 20 độ để giảm trào ngược dạ dày.
Nếu trẻ uống sữa công thức, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ Nhi khoa để được tư vấn về việc cho trẻ dùng sữa chống trào ngược.
2.1.5. Chăm sóc vệ sinh mũi họng
Hằng ngày, cha mẹ nên ngâm ấm nước muối sinh lý (khoảng 37 độ C) sau đó nhỏ vài giọt vào họng của trẻ, trước và sau mỗi cữ bú. Việc làm này giúp làm sạch dịch nhầy trong cổ họng - nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khản tiếng.
2.2. Thăm khám bác sĩ Nhi khoa
Nếu phát hiện trẻ sơ sinh bị khản tiếng trên 3 ngày không cải thiện hoặc đi kèm với các tình trạng sau, cha mẹ cần cho con đến khám bác sĩ Nhi khoa:
- Sốt trên 38.5 độ C.
- thở khò khè, thở rít, co kéo lồng ngực, tím tái môi hoặc đầu móng tay.
- Trẻ bỏ bú, nôn trớ liên tục, khó ngủ hoặc quấy khóc dữ dội.
Bác sĩ sẽ khám thanh quản để đánh giá mức độ tổn thương hoặc chỉ định cho trẻ những kiểm tra cần thiết như: chụp X-quang ngực, siêu âm ngực, nội soi phế quản,... Dựa trên kết quả của những kiểm tra này, bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khản tiếng và có phương án điều trị tốt nhất.
Trẻ sơ sinh bị khản tiếng kèm dấu hiệu sức khỏe bất thường cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám
Trong phần lớn các trường hợp, trẻ sơ sinh bị khản tiếng không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý nên khi được chăm sóc đúng cách, tình trạng này sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên chủ quan, nhất là khi trẻ bị khản tiếng đi kèm các triệu chứng bất thường như đã nói đến ở trên. Việc cho trẻ thăm khám bác sĩ Nhi khoa sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh chóng, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào liên quan đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn, đặt lịch khám cho con cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
