Tin tức

Trẻ sơ sinh bị táo bón là do nguyên nhân gì và cách chữa táo bón cho bé

Ngày 09/04/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ sơ sinh bị táo bón là tình trạng không còn xa lạ gì và khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu giải quyết. Bởi vì táo bón vừa khiến trẻ khó chịu, khó tiêu lại khó hấp thụ thức ăn. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu và làm thế nào để giải quyết triệu chứng này? Cha mẹ hãy cùng MEDLATEC đi tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây nhé!

1. Tìm hiểu chung về tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị táo bón là khi trẻ đi tiêu ít (> 3 ngày/lần) hoặc trẻ gặp khó khăn trong việc đại tiện. Điều này gây nên cảm giác khó chịu, đau đớn ở trẻ. Mỗi lần đi tiêu, trẻ sẽ phải dùng nhiều sức để rặn, đôi khi là khóc do đau vùng hậu môn, phân cứng, khô, vón cục hay keo dính khó đại tiện. Những trường hợp trẻ táo bón nặng hơn còn có thể lẫn máu trong phân.

Ngoài ra, trẻ còn gặp phải những biểu hiện khác như đầy bụng, ậm ạch, đổ nhiều mồ hôi, ăn kém, xì hơi nhiều, quấy khóc,... Khi táo bón kéo dài hoặc lặp lại thường xuyên sẽ làm giảm quá trình hấp thu dưỡng chất từ trẻ, từ đó khiến trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng. Khi độc tố không thể theo phân để đào thải ra ngoài sẽ tích tụ lại trong cơ thể, dẫn tới những biến chứng như trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, phình đại tràng,...

Táo bón khiến trẻ luôn đầy bụng, khó chịu và quấy khóc

Táo bón khiến trẻ luôn đầy bụng, khó chịu và quấy khóc

2. Lý do khiến trẻ sơ sinh bị táo bón

Trẻ sơ sinh bị táo bón có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là do những yếu tố sau:

  • Trẻ uống sữa công thức: tuy rằng ngày càng có nhiều loại sữa công thức chứa các thành phần dưỡng chất tương đương với sữa mẹ nhưng không phải lúc nào hệ tiêu hóa của của trẻ cũng có thể thích nghi tốt và hấp thụ hoàn toàn những loại sữa này. Do đó nhiều trẻ khi uống sữa công thức thường có triệu chứng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa và táo bón. Đặc biệt, khi pha sữa công thức mẹ cũng cần chú ý tới tỷ lệ pha (không nên quá loãng hay quá đặc), đồng thời nên lựa chọn loại sữa có chứa chất xơ để hạn chế tình trạng táo bón cho trẻ.
  • Trẻ bú ít: sữa được coi là nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ sơ sinh. Nếu lượng sữa trẻ bú trong ngày quá ít thì sẽ khiến trẻ vừa bị đói lại vừa bị khát, từ đó gây táo bón.
  • Trẻ bú sữa mẹ nhưng mẹ ăn ít chất xơ: chế độ ăn của mẹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến em bé. Nếu người mẹ ăn ít rau, thường ăn đồ cay nóng hay chiên rán, tiêu thụ các dạng thực phẩm chứa nhiều sắt, đạm, canxi thì cũng là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ sơ sinh.
  • Trẻ đang phải dùng kháng sinh: mặc dù kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể trẻ nhưng nó cũng đồng thời tiêu diệt các lợi khuẩn có trong đường ruột của bé và khiến trẻ bị táo bón.
  • Trẻ đang mắc bệnh lý: một số loại bệnh lý như phình đại tràng, dị tật đường tiêu hóa bẩm sinh, suy giáp trạng bẩm sinh cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng táo bón ở trẻ.

Trẻ bú quá ít cữ trong ngày hoặc do chế độ ăn của mẹ ít chất xơ là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón

Trẻ bú quá ít cữ trong ngày hoặc do chế độ ăn của mẹ ít chất xơ là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón

3. Gợi ý các cách chữa táo bón cho trẻ sơ sinh đơn giản mà hiệu quả

Khi đã biết được nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón là gì, mẹ hãy tham khảo và áp dụng cho con mình những cách dưới đây để khắc phục chứng táo bón cho trẻ:

  • Cải thiện chế độ ăn uống của mẹ: mẹ nên tăng cường ăn đồ có tính mát, uống nhiều nước, rau củ quả giàu chất xơ như rau khoai lang, rau dền, rau mồng tơi, lê, mận, táo, rau khoai lang,...
  • Tăng cữ bú trong ngày cho trẻ: nếu trẻ không thích hay không thể bú no do dễ bị nôn trớ thì mẹ nên chia lượt bú của trẻ thành nhiều cữ. 
  • Lựa chọn lại sữa công thức mà trẻ đang uống: nếu sữa công thức là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ thì mẹ nên tham khảo tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để đổi loại sữa phù hợp hơn. Tốt nhất là mẹ nên ưu tiên các loại sữa có thành phần chất xơ GOS hoặc FOS, Probiotic,... Bên cạnh đó, khi pha sữa cho trẻ mẹ cần pha theo đúng hướng dẫn và tỷ lệ của nhà sản xuất, không thêm nước trái cây, bột hay cháo loãng,... vào sữa. Ngoài ra bình sữa của trẻ cũng cần được tiệt trùng sạch sẽ trước và sau khi dùng.
  • Cho trẻ tắm nước ấm: nước ấm có tác dụng làm thư giãn cơ vùng bụng, đồng thời kích thích cơ vòng hậu môn và nhu động ruột của trẻ, từ đó giúp phân của trẻ được đẩy ra ngoài một cách dễ dàng hơn, khắc phục được chứng táo bón. Mỗi lần mẹ chỉ nên cho trẻ tắm trong vòng 5 - 10 phút để hạn chế nguy cơ bị cảm lạnh.
  • Massage bụng cho bé: các động tác massage có thể giúp kích thích nhu động ruột của bé hoạt động trơn tru hơn, phân dễ dàng được đẩy ra ngoài và giảm bớt triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Đầu tiên, mẹ hãy đặt bé nằm ngửa, tiếp theo là đặt bàn tay của mẹ lên khu vực dạ dày, xoay tròn các đầu ngón tay theo chiều kim đồng hồ, sau đó di chuyển tay xuống vùng rốn và đại tràng. 
  • Luyện các bài tập vận động cho trẻ: mẹ hãy đặt bé trong tư thế nằm ngửa, sau đó dùng tay nắm 2 chân của bé. Từ từ thực hiện động tác chuyển động 2 chân của bé mô phỏng lúc đạp xe, lặp lại điều này trong 10 - 15 phút và duy trì thói quen này khoảng 2 lần/ngày. Nhưng mẹ cần lưu ý rằng không nên tập động tác này khi trẻ vừa ăn no xong vì lúc này bụng trẻ vẫn còn nhiều thức ăn, dễ bị nôn trớ. Cha mẹ có thể tập nằm sấp cho trẻ trong các bài tập vận động hàng ngày.
  • Dùng thuốc chữa táo bón cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa: nếu trẻ bị táo bón nặng và sau khi đã thử áp dụng những cách nêu trên nhưng tình hình táo bón ở trẻ vẫn không được cải thiện hiệu quả thì mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Nếu bác sĩ chỉ định cho trẻ sử dụng các thuốc nhuận tràng thì mẹ hãy tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng để tránh nguy cơ trẻ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn do dùng thuốc sai cách. 

Nếu trẻ bị táo bón là do sữa công thức thì mẹ nên thay bằng các dòng sữa mát khác cho bé

Nếu trẻ bị táo bón là do sữa công thức thì mẹ nên thay bằng các dòng sữa mát khác cho bé

Trên đây là một số lưu ý về vấn đề trẻ sơ sinh bị táo bón và các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách do MEDLATEC gợi ý để khắc phục tình trạng này ở trẻ. Nếu trẻ đang có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, táo bón kéo dài hoặc gặp phải những vấn đề khác về sức khỏe thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để tìm hiểu nguyên nhân, cũng như có cách xử trí phù hợp. Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ khách hàng đặt lịch khám cùng đội ngũ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.