Tin tức

Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ cần phải làm sao?

Ngày 17/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Trong những tháng đầu đời, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lo lắng khi thấy trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ. Vậy hiện tượng này là bình thường hay dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây

1. Tại sao trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ

Tương tự như người lớn, trẻ sơ sinh trong lúc ngủ đôi khi có phản xạ giật mình do cảm giác như đang rơi, thường đi kèm với biểu hiện hoảng loạn, tỉnh dậy đột ngột và quấy khóc lớn. Thực chất, hiện tượng giật mình ở trẻ là một phản xạ sinh lý bình thường, cho thấy hệ thần kinh đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, đôi khi đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Có nhiều yếu tố có thể khiến trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ, bao gồm: 

Do phản xạ sinh lý (phản xạ Moro)

Phản xạ Moro là một phản ứng sinh lý tự nhiên xuất hiện ngay từ giai đoạn bào thai. Khi bị kích thích bởi tiếng ồn lớn, ánh sáng bất chợt, chuyển động nhanh hoặc cảm giác mất cân bằng, trẻ sẽ nhanh chóng giơ tay ra, co chân lại, cong người và thường khóc to sau đó. Phản ứng này là hoàn toàn tự nhiên và thường giảm dần, biến mất khi trẻ được từ 4 đến 6 tháng tuổi.

Hệ thần kinh chưa hoàn thiện

Hệ thần kinh và não bộ của trẻ sơ sinh còn chưa hoàn thiện, do đó các phản xạ tự nhiên thường nhạy cảm và dễ bị kích thích hơn so với bình thường. Chính vì vậy, trẻ rất nhạy cảm với các yếu tố như âm thanh lớn, ánh sáng mạnh, sự thay đổi nhiệt độ hay những chuyển động nhỏ của cơ thể.

Môi trường ngủ không phù hợp

Môi trường ngủ quá sáng, ồn ào hoặc có các tác động bất ngờ như đóng cửa ầm ĩ, di chuyển bé khi ngủ hay thay đổi tư thế ngủ đột ngột cũng dễ làm trẻ bị giật mình và sợ hãi.

Bé đang mơ hoặc chuyển giai đoạn ngủ

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh gồm hai giai đoạn chính: ngủ sâu và ngủ REM (giấc ngủ với chuyển động mắt nhanh, thường đi kèm với mơ và dễ tỉnh giấc). Trong giai đoạn REM, trẻ thường hay cử động tay chân và dễ bị kích thích dẫn đến giật mình.

Bé đói hoặc bị đau bụng, đầy hơi

Tình trạng đói, khó chịu vì đầy hơi, tã bẩn hoặc nhiệt độ môi trường quá cao hoặc quá thấp có thể làm bé ngủ không sâu, dễ bị giật mình và quấy khóc.

Tình trạng đói hoặc đau bụng có thể là nguyên nhân trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ

Tình trạng đói hoặc đau bụng có thể là nguyên nhân trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ 

Thiếu vitamin D3

Thiếu vitamin D3 là nguyên nhân thường gặp khiến bé ngủ không sâu, dễ bị giật mình và thường xuyên quấy khóc. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt vitamin D3 còn ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền thần kinh, gây ra tình trạng cáu kỉnh, khó ngủ, trằn trọc, thậm chí dẫn đến bỏ bú và suy giảm khả năng nhận thức ở trẻ.

2. Hậu quả khi trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ 

Trong những tháng đầu tiên, giấc ngủ giữ vai trò thiết yếu trong sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ sơ sinh thường xuyên giật mình và hoảng sợ trong lúc ngủ, điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng:

  • Chậm lớn, chậm tăng cân: Khi trẻ ngủ sâu, tuyến yên được kích hoạt để tiết ra lượng hormone tăng trưởng gấp 4-5 lần bình thường, hỗ trợ quá trình tăng chiều cao và phát triển cân nặng nhanh chóng. Ngược lại, khi trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt, chất lượng giấc ngủ giảm sút, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ;

Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển

Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển 

  • Ảnh hưởng đến khả năng nhận thức: Trong những năm tháng đầu đời, não bộ của trẻ đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ và đặc biệt nhạy cảm với các tác động từ môi trường xung quanh.Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh thường xuyên bị giật mình trong giấc ngủ có khả năng xử lý tình huống và nhận thức kém hơn so với những bé có giấc ngủ bình thường và ổn định;
  • Suy giảm miễn dịch, dễ ốm vặt: Thiếu ngủ kéo dài gây suy yếu hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ trẻ bị các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy hoặc cảm cúm;
  • Tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): Việc trẻ liên tục giật mình kèm theo cơn khóc quấy có thể gây rối loạn nhịp thở, thậm chí tạm ngừng thở, đây là một trong những nguyên nhân nguy hiểm có thể dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

3. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ

Để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ, cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau đây: 

Quấn khăn cho bé khi ngủ

Quấn khăn (swaddle) là một trong những cách hữu hiệu giúp bé có cảm giác an toàn, như khi còn trong bụng mẹ. Cách này giúp giảm phản xạ Moro và hạn chế bé giật mình.

Lưu ý:

  • Dùng khăn mềm, co giãn tốt, không quấn quá chặt để bé dễ thở;
  • Không quấn khi bé đã biết lẫy (thường sau 3 tháng).

Cho trẻ bú no vừa đủ trước khi đi ngủ

Cho trẻ bú no vừa đủ trước khi đi ngủ để giúp con không cảm thấy căng tức bụng hoặc phải thức dậy giữa đêm để ăn. Vỗ ợ hơi sau bú để giảm khó chịu do đầy hơi.

Cho bé ăn no trước khi đi ngủ để đảm bảo giấc ngủ ngon

Cho bé ăn no trước khi đi ngủ để đảm bảo giấc ngủ ngon 

Tạo môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái

  • Đặt bé ngủ ở nơi yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ;
  • Có thể dùng tiếng ồn trắng (white noise) hoặc nhạc ru nhẹ để ổn định giấc ngủ;
  • Giữ nhiệt độ phòng mát mẻ (khoảng 26 - 28°C), tránh gió lùa trực tiếp;
  • Đảm bảo bé không bị quá nóng hoặc quá lạnh khi ngủ;
  • Kiểm tra tã lót thường xuyên để bé không bị ướt lạnh.

Hạn chế bế lên đặt xuống khi trẻ đang ngủ

Thay đổi tư thế đột ngột có thể khiến trẻ cảm thấy bất an và dễ giật mình. Khi muốn đặt bé vào nôi sau khi đã ngủ say, nên ôm sát bé vào người, nhẹ nhàng hạ xuống, giữ nguyên tư thế trong vài giây trước khi từ từ rút tay ra.

Massage nhẹ nhàng trước khi ngủ

Massage nhẹ nhàng cho bé trước khi ngủ có thể giúp bé thư giãn, giảm căng thẳng và dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu hơn, ít giật mình hơn. 

Cho trẻ vận động nhiều hơn

Mẹ có thể tập cho trẻ duỗi tay và chân mỗi ngày để giúp mạch máu lưu thông tốt hơn, cơ thể trẻ săn chắc, khỏe khoắn hơn.

Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt khi ngủ hầu hết đều là phản xạ sinh lý bình thường, không gây hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đi kèm những dấu hiệu bất thường như trẻ giật mình hoảng hốt nhiều lần trong đêm kèm theo sốt, nôn trớ, quấy khóc nhiều hoặc khó thở, cha mẹ cần đưa trẻ ngay đến các có sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Nếu cha mẹ có thêm thắc mắc cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho trẻ, có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ